Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao phường, xã, thị trấn thu phí bảo trì đường bộ: Thiếu khả thi

Lương Ninh Giang| 04/01/2013 07:10

(HNM) - Từ ngày 1-1-2013, Nghị định số 18/CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) với việc bắt buộc các phương tiện tham gia giao thông phải nộp phí quản lý và sử dụng đường bộ chính thức có hiệu lực.



Nhằm thực hiện chủ trương này, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí. Tuy nhiên, quy định giao UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí đối với mô tô, xe máy tại thông tư này dường như thiếu khả thi và làm khó cho chính quyền địa phương.

Giao UBND xã, phường, thị trấn thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy đang là bài toán khó cho chính quyền địa phương. Ảnh: Thái Hiền


Theo Thông tư 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, mô tô, xe máy có dung tích xi lanh đến 100cm3 có mức thu phí 50.000 - 100.000 đồng/năm; loại có dung tích xi lanh trên 100cm3: 100.000 - 150.000 đồng/năm. HĐND cấp tỉnh quy định mức thu phù hợp, UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí đối với mô tô, xe máy của tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Về phương thức thu phí BTĐB, sau khi có thông tư hướng dẫn, UBND các phường, xã, thị trấn sẽ triển khai xuống các tổ dân phố, khu dân cư. Các cán bộ dân phố sẽ đến các gia đình phát phiếu yêu cầu người dân kê khai, sau đó tổ chức thu phí. Nguồn phí thu được, các phường, xã, thị trấn được giữ lại 10-20%. Với Thông tư 197/2012/TT-BTC, từ đầu năm 2013, cả nước sẽ có hàng trăm ngàn tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn đảm đương thêm nhiệm vụ mới là thu phí cho Quỹ BTĐB.

Chủ trương là vậy, nhưng cho đến thời điểm này, khi thông tư đã có hiệu lực, các phường, xã, thị trấn tại Hà Nội vẫn băn khoăn vì chưa có phương án cụ thể để triển khai việc thu, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng chủ trương này thiếu khả thi và gây khó khăn cho địa phương. Theo ông Phạm Văn Tín, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), thông tin về chủ trương đến với phường rất không cụ thể. Tất cả những gì phường được biết và dự kiến phải làm đều là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa có hướng dẫn. Và theo cách hiểu của chính quyền phường, sau khi có chủ trương, việc thu phí sẽ chủ yếu do các tổ trưởng tổ dân phố thực hiện, bởi đây chính là lực lượng gần dân, sát dân nhất. Tuy nhiên, việc này chắc chắn sẽ khó khăn. Ông Bùi Hoàng Cường, Tổ trưởng Tổ dân phố 20 phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho rằng, đây là công việc phải làm bất đắc dĩ bởi trong quá trình đi thu, nếu người dân từ chối, tổ trưởng dân phố cũng không có quyền hạn gì để bắt buộc người ta phải thực hiện. Tổ trưởng tổ dân phố cũng không được phép cưỡng chế nếu các hộ dân không chấp hành, vì vậy hiệu quả sẽ không cao. Phường Nghĩa Tân có nhiều khu tập thể, chung cư cao tầng. Người dân sống ở các tòa nhà này không thể mang xe vào nhà mà gửi tản mát ở các hộ dưới tầng 1 nên tổ trưởng khó có thể thống kê cụ thể gia đình đó có bao nhiêu xe máy để yêu cầu nộp quỹ. Mà tổ trưởng lại không có chức năng phải nắm rõ điều này.

Một số ý kiến cho rằng, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp phường, xã, thị trấn đã khá mỏng, lại đang phải "ôm" rất nhiều đầu việc. Nếu đảm trách thêm nhiệm vụ thu phí sẽ phải huy động toàn bộ hệ thống chính quyền… cùng vào cuộc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ những công việc hằng ngày khác. Về phía người dân cũng gặp nhiều phiền toái khi ra đường phải mang thêm giấy chứng nhận đã đóng phí BTĐB. Riêng người nghèo còn thêm một giấy xác nhận là hộ nghèo (vì theo quy định đối tượng này được miễn thu phí). Đại diện UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) cho biết, nhân sự của phường hiện mới có 23 cán bộ, nhân viên, giải quyết những công việc hằng ngày còn vất vả nói gì đến chuyện đi thu phí BTĐB. Nếu không có thêm người, không có cơ chế cụ thể thì e rằng việc thu phí khó thực hiện được.

Đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng việc giao cho chính quyền phường, xã và tổ trưởng tổ dân phố thu đối với mô tô, xe máy sẽ làm tăng chi phí cho việc thu này. Bên cạnh đó, việc giao cho tổ dân phố thu phí sẽ khó khăn về quản lý tài chính, chưa nói đến chuyện dễ gây thất thoát, tiêu cực. Do đó, triển khai thu phí qua giá xăng dầu là chuẩn xác nhất, bởi vì không cần đội ngũ hưởng chế độ đi thu.

Cũng cần nói thêm rằng, thông tư hướng dẫn trao quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố tổ chức thu phí đối với mô tô, xe máy trên địa bàn nhưng theo Pháp lệnh phí và lệ phí, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ có thể làm được việc này khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố. Nhưng, tại kỳ họp thứ sáu HĐND TP Hà Nội mới đây lại không có nội dung này nên chính quyền các xã, phường, thị trấn lại càng thiếu cơ sở để triển khai thực hiện. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao phường, xã, thị trấn thu phí bảo trì đường bộ: Thiếu khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.