Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn bay: Nâng cao chất lượng an ninh toàn hệ thống

Tuấn Lương| 25/01/2013 07:04

(HNM) - Công tác an toàn bay trong năm 2012 được Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) và Bộ GTVT đánh giá có chuyển biến tích cực, bảo đảm an ninh hàng không. Tuy nhiên, những sự cố trong an toàn bay chưa phải đã hết, đòi hỏi cần chú trọng hơn.

Kiểm tra an ninh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Khánh Huyền


Sự cố an toàn bay giảm đáng kể

Theo Cục HKVN, năm qua các đơn vị khai thác bay đã thực hiện 168.333 chuyến bay, với 292.101 giờ bay bảo đảm an toàn. Bảo đảm an ninh, an toàn cho 310.000 lượt chuyến bay cất hạ cánh (có 275 lượt chuyến chuyên cơ), 37,4 triệu lượt hành khách và 649.000 tấn hàng hóa thông qua các cảng hàng không. Các vụ việc vi phạm về an ninh hàng không, trật tự công cộng tại cảng, sân bay, trên chuyến bay cơ bản được phát hiện, xử lý kịp thời. Mặc dù giảm 15,2% số vụ so với năm 2011, song còn xảy ra 224 sự cố liên quan đến an toàn. Trong đó liên quan đến yếu tố kỹ thuật là 143 vụ, do khách quan 57 vụ, do con người 21 vụ, trong đó có 4 sự cố nghiêm trọng phải điều tra.

Cục Trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho biết, một số sự cố đến từ lỗi chủ quan trong điều hành bay do kiểm soát viên không lưu (KSVKL) không tuân thủ quy trình, yêu cầu tác nghiệp. Gần đây nhất là sự cố trong điều hành chuyến bay HVN 1511-CSN 6059 ngày 14-10-2012 tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội, đã được Cục xác định là do KSVKL cấp huấn lệnh không chính xác, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng giãn cách tối thiểu, gây uy hiếp an toàn bay. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hàng rào an ninh tại nhiều cảng hàng không, sân bay và trang thiết bị an ninh còn thiếu, lạc hậu; lực lượng mỏng, trình độ chuyên môn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu…

Nâng cao chất lượng điều hành bay

Phải chăng chất lượng của lực lượng KSVKL chưa bảo đảm đã gây ảnh hưởng tới chất lượng điều hành bay? Về vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, trình độ KSVKL của Việt Nam cơ bản đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Tuy nhiên, thời gian qua, ngành hàng không tăng trưởng mạnh, lưu lượng bay tăng cao nên số lượng KSVKL thiếu, phải làm việc dưới áp lực lớn. Mới có 70% nhân viên không lưu đạt trình độ tiếng Anh 4/6 như ICAO yêu cầu, 30% còn lại chưa đạt nên không được trực tiếp điều hành bay. Việc tuyển KSVKL rất khó khăn vì yêu cầu trình độ cao, trách nhiệm lớn, nhưng lại chưa có chế độ thu nhập đặc biệt…

Xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Quang Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, áp lực với đội ngũ nhân viên hàng không, nhất là KSVKL đang ngày càng gia tăng, trong khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên không hấp dẫn người lao động. Hằng năm Học viện Hàng không vẫn có lớp đào tạo KSVKL nhưng hầu như học viên đạt trình độ tiếng Anh ở mức tối thiểu 4/6 đều không chọn nghề KSVKL. Bởi, với trình độ tiếng Anh như vậy có nhiều cơ hội lựa chọn nghề với thu nhập cao ngoài xã hội. Đó là lý do khiến cho có đơn vị quản lý bay trong năm 2012 đăng thông tin tuyển KSVKL suốt 2 tháng mà không nhận được hồ sơ xin dự tuyển.

Nhằm bảo đảm an toàn bay, năm 2013 Cục HKVN sẽ tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng an ninh toàn hệ thống, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không, sân bay nhằm ngăn ngừa hành vi xâm nhập trái phép vào khu bay, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không. Thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về an ninh hàng không; triển khai hiệu quả hệ thống đọc và phân tích thiết bị ghi tham số bay (DFDR) và ghi âm buồng lái...

Đối với lực lượng KSVKL, theo ông Đỗ Quang Việt, một trong những giải pháp trọng tâm mà đơn vị đang thực hiện là rà soát, đánh giá, sắp xếp lực lượng nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng. Với các vị trí thiếu hụt, sẽ đề xuất phương án bổ sung trong ngắn hạn (thông qua điều chuyển lực lượng không lưu đang làm ngoài dây chuyền quay trở lại) và bổ sung thông qua đào tạo, tuyển dụng. Trước mắt tập trung huấn luyện đội ngũ kíp trưởng và KSVKL chính đóng vai trò nòng cốt trong ca kíp; bố trí huấn luyện viên không lưu chuyên trách tham gia điều hành bay tối thiểu 20% thời gian làm việc. Về lâu dài, tăng cường huấn luyện tại chỗ; xây dựng chế độ chính sách đãi ngộ đối với KSVKL. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn bay: Nâng cao chất lượng an ninh toàn hệ thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.