Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý kiến về dự thảo Quy định thả rông chó, nuôi lợn gà ở nội thành

Theo CP| 25/01/2013 14:03

Trước việc dư luận băn khoăn về tính khả thi của quy định xử phạt với hành vi thả rông chó nơi công cộng và chăn nuôi lợn, gà ở nội thành, nội thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của người dân để xem xét, điều chỉnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Trong đó, hàng loạt quy định trong các lĩnh vực này nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 200.000 đồng đến 100 triệu đồng, tùy các hành vi, lĩnh vực vi phạm.

Đáng lưu ý, dự thảo Nghị định quy định, phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với hành vi thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị; phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng cho hành vi chăn nuôi gia súc, gia cầm, ấp nở trứng gia cầm trong nội thành, nội thị.

Mặc dù đây mới là dự thảo Nghị định, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, một số quy định trong Nghị định còn chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi và khó thực hiện.

Quy định xử phạt nuôi chó thả rông được nhiều ý kiến ủng hộ



Từ thực tiễn đến quy định...

Với quy định cấm chó thả rông, rất nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng, quy định này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho người dân.

Như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Mai (phố Lê Đức Thọ, TP. Hồ Chí Minh): “Ở khu phố có tình trạng nhiều người thả chó ra đường, phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh, thậm chí người lạ đi qua còn bị chó đuổi, đã có trường hợp bị chó cắn. Người dân trong khu phố cũng nhiều lần có ý kiến gửi đến công an khu vực nhưng chưa được giải quyết”.

Chị Mai cho rằng nếu áp dụng chặt quy định này, những người nuôi chó sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng cũng như có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, đặc biệt là phòng bệnh dại do bị chó cắn.

Thả rông chó không chỉ gây mất vệ sinh công cộng mà còn có thể gây tai nạn giao thông là suy nghĩ của anh Trần Hoài Nam (Bà Triệu, Hà Nội). Anh Nam cho biết, chính anh đã từng bị ngã xe khi tránh một chú chó bất ngờ băng qua đường. Do đó, theo anh Nam, phạt những người thả rông chó ở khu vực công cộng, khu đô thị và nơi đông người là việc làm cần thiết, có tác dụng răn đe.

Với quy định cấm nuôi lợn, gà trong nội thành, nội thị, anh Trần Văn Thái (Thanh Trì, Hà Nội) thấy rằng, quy định này là cần thiết vì việc chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ là những ổ dịch tiềm tàng trong thành phố, gây hậu quả lớn nếu dịch bệnh xảy ra.

“Chỗ tôi ở hiện nay cũng có nhiều hộ chăn nuôi lợn, do không có chỗ thoát nước bẩn nên họ cứ múc đổ lên chỗ đất trống gây ô nhiễm cho các hộ xung quanh. Có những nhà ở gần, có con nhỏ, quanh năm đóng cửa mà con vẫn ốm. Vẫn biết việc chăn nuôi là vì cuộc sống mưu sinh nhưng với những người thiếu ý thức cộng đồng thì thực sự cần có chế tài để ngăn chặn”, anh Thái bày tỏ.

Theo anh Thái, việc nuôi lợn, gà nên tập trung vào một địa điểm xa khu dân cư, sẽ vừa dễ quản lý theo dõi, vừa dập dịch (nếu có) dễ dàng hơn.

... song không hẳn khả thi, dễ thực hiện

Những quy định đưa ra trong Dự thảo được cho là có sức răn đe, góp phần ngăn ngừa bệnh dại, hạn chế tình trạng chó cắn người, đảm bảo vệ sinh môi trường... nhưng lại bị cho là rất khó đi vào cuộc sống.

Chị Bạch Ngọc Anh (Thái Bình) nghĩ rằng, quy định xử phạt với hành vi thả rông chó nếu áp dụng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì được nhưng với khu vực nông thôn thì rất khó thực hiện.

“Ở nông thôn, mỗi nhà nuôi ít nhất 1 con chó, nhà nhiều thì 3-4 con và cũng không phải nuôi cố định mà thay đổi thường xuyên. Việc quản lý nhà nào nuôi mấy con chó, thay đổi khi nào đã là rất khó khăn. Nên làm sao xử phạt được?”, chị Anh băn khoăn.

Chưa kể, theo ý kiến của anh Đinh Trọng, ở nông thôn, hầu hết là nuôi chó thả rông. Do đó, ngay cả khi phát hiện chó được thả rông không bảo đảm an toàn ở nơi công cộng thì cũng không có bằng chứng gì để chứng minh con chó này của nhà ai mà xử phạt.

Cũng cho rằng quy định xử phạt hành vi thả rông chó sẽ khó thực hiện, chị Phạm Xuân Hồng (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) nói nếu thực hiện xử phạt chắc mỗi địa phương sẽ phải thành lập một lực lượng giám sát để phát hiện và bắt chó thả rông.

Còn đối với người dân ở thành phố, theo anh Trần Văn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội), việc cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành, nội thị, nếu áp dụng cho các thành phố lớn thì được, chứ đối với nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi, dù gọi là thành phố, thị xã nhưng người nhiều người dân vẫn coi việc nuôi lợn, nuôi gà là thu nhập chính của gia đình.

“Cần phải quy định rõ lại phạm vi nội đô, nội thị sẽ áp dụng quy định cấm này. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề... để những hộ dân đang chăn nuôi lợn, gà... kiếm sống có thể thay đổi công việc mới, có thu nhập ổn định hơn, nếu không sẽ nảy sinh nhiều bất cập”, anh Tuấn nói.

Trước những băn khoăn của dư luận về tính khả thi của một số quy định nêu trong Dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp, nghiên cứu để hoàn thiện quy định, đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý kiến về dự thảo Quy định thả rông chó, nuôi lợn gà ở nội thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.