Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để “bệnh” vô cảm lây lan

Lâm Vũ| 26/01/2013 07:40

(HNM) - Tác động của nền kinh tế thị trường, sự phát triển xã hội đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống của thanh niên nông thôn.

Giá trị truyền thống trong cơn biến động

Thạc sĩ Bùi Thị Vân Anh (Viện Tâm lý học Việt Nam) cho biết, ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc thể hiện một phần ở nhu cầu, thị hiếu của thanh niên. Theo nghiên cứu, về sở thích, 65,5% thanh niên nông thôn thích sống trong gia đình có nhiều thế hệ hơn là sống trong gia đình hạt nhân; 88% thích trang phục giản dị, phù hợp với điều kiện sống hơn là quần áo sành điệu; 90,4% thích sử dụng hàng hóa của Việt Nam hơn là sản phẩm của nước ngoài; 77,8% thích ca khúc cách mạng và xem phim Việt Nam. 

Cần có nhiều giải pháp giáo dục, tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của giới trẻ. Ảnh: Minh Hương


Tìm hiểu sâu hơn về thái độ của thanh niên nông thôn đối với các giá trị văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các nhà nghiên cứu đã thu nhận ý kiến của họ về một số vấn đề trong cuộc sống, như quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ vợ chồng và các quan hệ xã hội khác. Kết quả khảo sát cho thấy, thanh niên nông thôn ngày nay vẫn tôn trọng các giá trị truyền thống, nền nếp gia đình; tuy nhiên, họ có cái nhìn cởi mở, hiện đại hơn về mối quan hệ gia đình. Đại đa số người được hỏi cho rằng không phải cứ nghe theo mọi chỉ dẫn, sắp đặt của cha mẹ thì mới là người con có hiếu, điều quan trọng là con cái phải cố gắng học tập, làm những việc có ích, tự lo cho cuộc sống của bản thân. 65,6% số ý kiến cho rằng đạo lý "tôn sư trọng đạo" đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và đạo đức là cơ sở để tuyển chọn, đánh giá con người.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, chỉ có 10,5% số người được hỏi cho rằng "nam giới cần được quan tâm học hành, phát triển sự nghiệp hơn phái nữ", điều đó cho thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ, thường thấy trong xã hội phong kiến đã không còn thường trực trong suy nghĩ của thanh niên nông thôn hiện nay. Về hiện tượng trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục hiện đang có chiều hướng phổ biến trong xã hội hiện nay, như quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngoại tình, kết quả khảo sát cho thấy 46,3% thanh niên không đồng ý với vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân, chỉ có 5,7% chấp nhận việc đàn ông hay phụ nữ ngoại tình.

Từ quan điểm thực dụng đến sự vô cảm

Các phương tiện truyền thông, ngoài việc thông tin về những giá trị tinh thần tốt đẹp thì còn truyền bá quan điểm sùng bái vật chất, lối sống thực dụng… Toàn cầu hóa đưa lối sống phương Tây ra khắp thế giới và điều này phần nào tác động đến một bộ phận thanh niên Việt Nam. Theo kết quả khảo sát, có 4 vấn đề mà thanh niên nông thôn quan tâm nhiều nhất là: gia đình, sức khỏe, việc làm, học hành; thông tin liên quan tới an ninh thế giới, tôn giáo, tín ngưỡng, bảo vệ môi trường… ít được quan tâm hơn.

Một điểm đáng chú ý nữa, có đến 36,2% thanh niên được hỏi cho biết họ không muốn con cái làm nghề nông, mà phải làm gì đó có thu nhập cao. Bà Bùi Thị Vân Anh nhận định: "Ngày nay, thanh niên nông thôn chủ yếu dành sự quan tâm của mình tới những vấn đề thiết thực, trực tiếp liên quan đến cuộc sống, những vấn đề cấp thiết đang đặt ra với họ".

Lối sống thực tế, thực dụng, trong bối cảnh xã hội cụ thể có thể dẫn đến sự thờ ơ, vô trách nhiệm, vô cảm trước những vấn đề ít liên quan trực tiếp đến lợi ích của bản thân. Vẫn biết, ở một mặt nào đó, lối sống này phần nào giúp cho thanh niên khắc phục được quan điểm duy ý chí, chủ quan, hành xử cảm tính, giúp họ tỉnh táo để đối diện với những khó khăn thách thức của cuộc sống hiện nay, tuy nhiên, nó có thể mang lại nhiều hệ lụy không mong muốn. Thực tế phát triển cho thấy cần có giải pháp giáo dục, tuyên truyền, vận động phù hợp để nâng cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của giới trẻ.

Có đến 43,8% số thanh niên nông thôn được hỏi đồng ý với quan điểm nên giữ cách sống "dĩ hòa vi quý" để tránh những mâu thuẫn không cần thiết; 22,7% cho rằng trong cuộc sống hiện nay, cần sống khôn ngoan, khéo léo để có lợi cho mình; thật thà, trung thực quá thì dễ bị thiệt thòi; 32,2% khẳng định điều kiện vật chất đầy đủ là điều quan trọng nhất để có cuộc sống hạnh phúc; 16,9% ủng hộ quan điểm việc ai người đó làm, không nên quan tâm nhiều đến việc của người xung quanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng để “bệnh” vô cảm lây lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.