Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người thừa, việc thiếu

Diệu Linh| 26/01/2013 08:04

(HNM) - Giáp tết thường là dịp người tìm việc tại các chợ lao động trông chờ nhất vì các gia đình thường có nhiều công việc chuẩn bị, dọn dẹp, hoặc sửa sang nhà cửa đón năm mới nên nhu cầu thuê người lao động theo giờ tăng cao. Tuy nhiên năm nay, chợ lao động vẫn đông đúc nhưng không nhộn nhịp như mọi năm.

Tình hình kinh tế khó khăn là nguyên nhân chính cho sự thiếu việc làm. Theo quan sát của chúng tôi tại một chợ lao động ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm), cứ khoảng 15-20 phút mới có người đến hỏi thuê lao động. Chỉ cần có người dừng xe, những người lao động đã ào ra vây quanh chiếc xe. Sau vài phút thương lượng, mọi người ỉu xìu quay về vị trí. Hỏi ra mới biết "chủ" đó hỏi thuê bốc vác theo hình thức "khoán", nhưng lại trả công quá thấp. Trò chuyện với những người lao động tại đây được biết, họ từ Vĩnh Phúc về Hà Nội làm công việc này từ mấy năm nay. Cả năm chỉ trông chờ vào dịp tết là có nhiều việc, kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, năm nay chẳng còn mấy ngày nữa là tết, vậy mà người đến thuê vẫn thưa thớt, trả công không cao.



Chị Nguyễn Thị Mai (26 tuổi), một người lao động tại đây cho biết, họ được thuê làm đủ các loại công việc từ rửa bát, dọn dẹp nhà cửa cho đến bốc vác, đào đất... mà không phân biệt nam hay nữ. Tiền công không phải lúc nào cũng xứng đáng với công sức bỏ ra, thế mà không phải lúc nào cũng có việc.

Những người lao động này hay được thuê làm là những công việc tại các công trường xây dựng. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản "đóng băng" nên nhu cầu lao động cũng giảm hẳn. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn khiến nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu. Với công việc như lau dọn nhà cửa, hầu hết gia đình có thu nhập trung bình đều tự làm để tiết kiệm thêm một khoản.

Theo lời anh Trần Văn Sơn (35 tuổi), thu nhập bình quân mỗi tháng của những người lao động như anh khoảng 4-5 triệu đồng, trừ các chi phí sinh hoạt, chỉ tiết kiệm được một khoản nhỏ gửi về cho gia đình. Số tiền ấy có khi chỉ đủ nuôi được một đứa con, còn đứa kia và vợ cũng phải... tự lo. Việc ít nên dù cùng quê nhưng nhiều khi mọi người phải tranh giành nhau để được thuê làm, mà theo lời anh Sơn: "Cực lắm, không phải người trong cuộc không thể hiểu được sự vất vả của người lao động như chúng tôi…".

Dù thực tế công việc ở chợ lao động không mấy khả quan, nhưng tâm lý chung của những người lao động này là vẫn ở lại Hà Nội đến 29 tết mới về, với hy vọng kiếm thêm một khoản nho nhỏ cho ngày xuân thêm ấm áp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người thừa, việc thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.