Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dẹp loạn giá thuốc

Nguyễn Ngọc| 28/01/2013 06:08

(HNM) - Năm 2013, sẽ áp dụng đại trà Thông tư 01 của Liên bộ Y tế - Tài chính về hướng dẫn thực hiện đấu thầu thuốc vào bệnh viện...

Thuốc chữa bệnh mỗi nơi một giá!

Tại hội nghị về đấu thầu thuốc do Bộ Y tế tổ chức cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mặc dù các khảo sát cho thấy giá thuốc tại Việt Nam không cao hơn giá thuốc tại một số nước trong khu vực song vẫn tồn tại bất hợp lý. Đó là tình trạng cùng loại thuốc, cùng hàm lượng, cùng dạng bào chế như nhau, cùng nhà sản xuất... nhưng khi cung ứng vào hai BV không cách nhau bao xa lại có giá khác nhau, có nơi cao chót vót. Chính sự bất cập về giá thuốc đã đẩy bất lợi về phía người bệnh, dẫn đến sự bất bình đẳng trong chi trả tiền thuốc khi cùng bệnh giống nhau, phác đồ điều trị như nhau. Đấu thầu giá thuốc ở BV công dù cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất cũng như nhà sản xuất phân phối nhưng mỗi BV một giá. So với giá trúng thầu chênh lệch khoảng 20% - 50%, thậm chí có loại thuốc chênh lệch từ 1 đến 1,5 lần. 

Nếu không kiểm soát tốt rất khó tránh khỏi tiêu cực trong đấu thầu thuốc tại các bệnh viện.


Kết quả đấu thầu thuốc vào BV năm 2011 được Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố cho thấy, cùng là thuốc Arginin 200mg của Armephaco trúng thầu vào một BV là 650 đồng/viên, nhưng vào BV khác là 1.100 đồng/viên (chênh lệch 69,2%). Hay thuốc Cefoperazon 1g (Việt Nam) có giá 28.000 đồng/hộp tại BV Phổi trung ương, sang một BV khác có giá 36.750 đồng/hộp (chênh lệch 31,3%). Hoặc một BV ở Hải Phòng, chấp nhận 42 loại biệt dược cùng hoạt chất trúng thầu với giá chênh lệch giữa loại rẻ nhất và đắt nhất là 2,98 lần. Một số bệnh nhân biết hiệu thuốc ở BV bán giá cao nên đã cầm đơn bác sĩ kê mang ra ngoài mua nhưng đành ngậm ngùi quay lại nhà thuốc BV và chấp nhận với giá cao "cắt cổ", bởi nhà thuốc ở ngoài không có tên thuốc biệt dược mà bác sĩ kê. Phân tích các chiêu trò trên, theo bà Nguyễn Thị Yến, Phó Ban dược (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), Thông tư hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập ban hành năm 2007 "có nhiều lỗ thủng". Đó là chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí lựa chọn thuốc theo tên biệt dược đưa vào gói thầu. Chưa có mẫu hồ sơ mời thầu mua thuốc kèm theo các tiêu chí xét thầu để áp dụng thống nhất, dẫn đến việc xây dựng hồ sơ mời thầu khác nhau giữa các cơ sở y tế. Điều này dẫn đến tình trạng chỉ định thầu giữa BV và doanh nghiệp cung ứng thuốc. "Tức là BV muốn chọn mặt hàng A trúng nên lấy các tiêu chí của mặt hàng này xây dựng tiêu chí chung để đánh giá các hồ sơ khác khiến các mặt hàng khác dễ bị rớt thầu" - bà Yến giải thích.

Đại diện Cục Quản lý dược Bộ Y tế cũng cho biết, trong 7 năm qua việc đấu thầu thuốc được triển khai thường xuyên, song những kẽ hở tại thông tư cũ đã tạo cơ hội cho nhiều BV lạm dụng gói thầu biệt dược để mua các loại thuốc thông thường. Đây cũng là lý do khiến chi phí cho thuốc chiếm đến 50% tổng chi phí y tế tại các BV tuyến cơ sở và lên tới 60% ở các BV trung ương.

Giá thuốc sẽ giảm 20-30%

Theo Thông tư 01 của Bộ Y tế về đấu thầu thuốc được áp dụng đại trà trong năm 2013, giá trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt. Các cơ sở y tế phải lập kế hoạch đấu thầu tối thiểu một lần/năm, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm thuốc đó, thay vì 7 - 10 thuốc cùng trúng thầu như trước đây... Thuốc sẽ được phân chia nhóm dựa trên mặt bằng tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ để lựa chọn mặt hàng đáp ứng các điều kiện với giá dự thầu thấp nhất vào BV. Thông tư 01 quy định giá trúng thầu từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá của mặt hàng thuốc đó trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt. Đồng thời, giá đề nghị trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch đã được phê duyệt và không được cao hơn giá bán buôn kê khai hoặc kê khai lại đang còn hiệu lực.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, nếu áp dụng đúng quy chế đấu thầu mới, giá nhiều loại thuốc có thể giảm từ 20 đến 30% so với hiện nay. Trong quá trình chấm thầu những mặt hàng đạt 70 điểm trở lên sẽ được vào vòng trong, sau đó đấu giá, thuốc nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu.

Tuy nhiên, với Thông tư mới, đại diện nhiều BV lo ngại với cách tính điểm từ mức thấp nhất đến cao nhất cách nhau tới 29 điểm có thể xảy ra tình trạng nhiều loại thuốc của các nước Châu Á (Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan)… sẽ được xếp chung với thuốc của các nước Châu Âu (Pháp, Italia). Nếu so sánh về giá thành thì thuốc của Ấn Độ sẽ rẻ hơn nhiều nước Châu Âu nhưng nếu "đo đếm" về chất lượng rõ ràng có sự cách biệt rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ mất đi cơ hội sử dụng những loại thuốc có chất lượng tốt bởi cùng loại thuốc, cùng hoạt chất nhưng giá thấp nhất đương nhiên trúng thầu.

Theo Bộ Y tế, việc áp dụng các giải pháp mới trong đấu thầu với các quy định rõ ràng, thống nhất sẽ khắc phục tối đa hạn chế trước đây, nhằm bảo đảm mục tiêu các cơ sở khám, chữa bệnh lựa chọn được thuốc trúng thầu bảo đảm chất lượng với giá cả hợp lý. Dù chưa biết khi nào chi phí cho thuốc trong túi tiền của người bệnh sẽ giảm 20-30% nhưng với "công cụ" mới này người bệnh có quyền hy vọng sẽ phần nào hạn chế được tình trạng loạn giá thuốc, tù mù về giá thuốc vốn đã tồn tại từ nhiều năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẹp loạn giá thuốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.