Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngôi nhà của những số phận bất hạnh

Bài, ảnh: Quỳnh Anh| 29/01/2013 07:36

(HNM) - Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội IV (Trung tâm) đã tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc hàng nghìn trẻ em có số phận kém may mắn. Dưới bàn tay dạy dỗ đầy tình thương yêu của những người thầy, người cô, các em như được sống dưới mái ấm gia đình. Nhiều em đã trưởng thành, trở thành sinh viên, bác sĩ, kỹ sư, ông chủ cơ sở sản xuất...


Cách trung tâm Hà Nội 60km, Trung tâm (thôn Cầu Bã, xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) được thành lập tháng 10-1984. Với khuôn viên khoảng 19.000m2, Trung tâm thật thoáng đãng, yên ả và thanh bình. Ngoài số người già không nơi nương tựa, hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc 62 trẻ mồ côi, trẻ lang thang, trẻ bị bỏ rơi. Khác hẳn sự tưởng tượng của tôi, các em ở đây dù tuổi đời còn rất nhỏ nhưng đã biết chăm sóc, sẻ chia và sống rất chan hòa, thân mật với nhau.


Dạy nghề ở Trung tâm Bảo trợ xã hội IV.


Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV cho biết, trẻ sống ở đây luôn được tạo mọi điều kiện cắp sách đến trường. Với trẻ sức khỏe yếu, không có đủ điều kiện và khả năng học tập thì được học lớp xóa mù chữ ngay tại Trung tâm. "Chỉ cần các em có nguyện vọng, ý chí học tập là chúng tôi tạo mọi điều kiện và hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh việc học văn hóa, hằng năm các em còn được tham gia vào các lớp học nghề, giáo dục, trang bị kiến thức và kỹ năng sống để có thêm hành trang trước khi hòa nhập cộng đồng" - ông Nguyễn Văn Bằng khẳng định.

Sau quá trình học tập, nuôi dưỡng ở Trung tâm nhiều em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp và có việc làm ổn định, thậm chí có em đã nhận được học bổng và đi du học nước ngoài. Chị Hán Thị Liên, giáo viên dạy văn hóa ở Trung tâm Bảo trợ xã hội IV cho biết, nhiều em do thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình hoặc do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn không đủ nuôi dưỡng, chăm sóc nên có lối sống buông thả. Vào Trung tâm, sống trong môi trường mới, được sự dạy bảo tận tình của các thầy cô, các em đã dần dần thay đổi tính cách, ngoan hơn và có ý chí phấn đấu trong học tập. "Chăm sóc, dạy dỗ các em khá vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì các em không phụ công sức của mình, nhiều em đã thi đỗ vào các trường ĐH và có việc làm ổn định như em: Đình Cương thi đỗ ĐH Ngoại thương. Em Trần C, và em Thanh B, thi đỗ ĐH Văn hóa và hiện đang công tác ở Bộ Ngoại giao...", chị Liên nói.

Nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm khá khiêm tốn nên Trung tâm tổ chức tăng gia sản xuất. Hằng ngày, sau giờ học, các em thường xuyên chăm sóc vườn rau và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mùa nào thức ấy, vườn rau luôn có đủ loại rau, củ, quả. "Trung tâm chính là mái nhà thứ hai của chúng cháu. Ở đây, chúng cháu được học tập, vui chơi, có cơ hội thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, trở thành người có ích cho xã hội" - em Kim Oanh tâm sự.

Rời Trung tâm khi ánh nắng xế chiều, trong tôi chợt vang lên câu hát "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thật đúng với những gì mà Trung tâm Bảo trợ xã hội IV đã và đang làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi nhà của những số phận bất hạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.