Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế bạo lực gia đình đối với phụ nữ có HIV

Lâm Vũ| 02/02/2013 08:39

(HNM) - Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc công bố, có tới 58% phụ nữ Việt Nam được hỏi cho biết, họ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đặc biệt, với nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội là người có HIV, bạo lực gia đình đang rất trầm trọng.

Bạo lực nhiều tầng

Nghiên cứu tiến hành trong bốn năm, từ năm 2008 đến năm 2012, trên 30 người có HIV ở Hà Nội của Thạc sĩ Phan Hồng Giang, Trường đại học KHXH&NV, cho thấy, hầu hết người có HIV bị bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau: Bị đánh đập, bỏ đói, ném đồ vật vào người, thậm chí bị trói, nhốt, ép buộc quan hệ tình dục hay mắng nhiếc công khai, bí mật đuổi ra khỏi nhà… Và họ phải chịu bạo lực từ mọi thành viên trong gia đình: Ông bà, bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em. Tình trạng bạo lực gia đình nhiều tầng đã đè nén rất nặng lên cuộc sống của họ. Một phụ nữ 36 tuổi ở Hà Nội chia sẻ: "Hôm nào tôi cũng bị anh ấy và gia đình đánh. Có lúc đang ăn thì bị ném cả bát cơm, hất cả mâm vào mặt. Rồi gia đình bên chồng cấm không cho tôi được lại gần con cái. Họ nói với hai thằng bé là mẹ bị "ết" rồi, kinh lắm, phải tránh xa".


Nhân viên y tế tư vấn, hỗ trợ, kiểm tra định kỳ cho người có HIV.


Đáng lưu ý, người có HIV do nhận thức hạn chế, có thái độ, phản ứng sai lầm hoặc chưa đúng đắn, hiệu quả. Số liệu cho thấy, 93,3% người có HIV tham gia phỏng vấn nhóm nghĩ rằng nên giữ sự im lặng, không nên nói chuyện bị bạo lực gia đình với bất kỳ ai và phụ nữ nên chịu đựng nếu bị bạo lực gia đình, để gia đình được yên ấm. Có không ít người còn cho rằng mình đáng bị như vậy hoặc việc mình bị bạo lực là chuyện rất bình thường. Điều đó dẫn đến thái độ phản ứng sai lầm và hành vi giải quyết vấn đề chưa đúng đắn: 80% suy nghĩ nhiều về tình trạng có HIV của mình, 56,7% cảm thấy đau khổ và thường dằn vặt bản thân vì tình trạng có HIV, 23,3% muốn tách biệt khỏi gia đình, 53,3% từng có ý định tự tử. Diễn biến tâm lý ở người có HIV bị bạo lực gia đình thường phát triển theo chiều hướng từ im lặng, âm thầm chấp nhận đến trở nên tiêu cực, hoặc muốn kết thúc cuộc sống của mình hoặc là bất cần, sẵn sàng đáp trả một cách gay gắt bất cứ hành vi bạo lực gia đình nào. Một số ít còn có xu hướng quay trở lại trả thù.

Nguyên nhân từ sự kỳ thị

Kỳ thị, phân biệt đối xử là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực nhiều tầng ở người có HIV. Vì lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên người có HIV bị bạo lực gia đình thường im lặng, âm thầm chịu đựng, khiến bạo lực gia đình có tính chất ẩn, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận, hỗ trợ. Một phụ nữ 30 tuổi, ở Hà Nội, đã kết hôn, cho biết: "Nói ra làm sao được? Nói ra là liên quan đến bao nhiêu người chứ không phải một mình mình đâu. Không nói ra có khi còn sống được, chứ nói ra rồi, người ta biết mình có HIV, người ta sẽ kỳ thị, miệt thị cả họ nhà mình".

Người có HIV thường bị gán nhãn với sự lệch lạc về đạo đức, giống như nhiều căn bệnh khác có liên quan đến vấn đề tình dục (giang mai, lậu…). Và có HIV được coi là một dạng "phi đạo đức" luôn đồng hành với câu hỏi "chắc nó phải làm sao thì mới bị HIV". Vì vậy, nhiều người nghĩ rằng, người có HIV xứng đáng bị bạo lực gia đình do phạm phải chuẩn mực về đạo đức.

Hiện nay, vai trò của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, các dịch vụ hỗ trợ đối với người có HIV bị bạo lực gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, những người thuộc hệ thống can thiệp và hỗ trợ này cũng còn nhận thức rất hạn chế về HIV và người có HIV. Nhiều trường hợp, người đi tiếp cận, giải quyết, hỗ trợ người có HIV bị bạo lực gia đình lại có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử. Số liệu cho thấy, 76,7% người trả lời các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không giải quyết tốt việc họ bị bạo lực gia đình. Một số phụ nữ chia sẻ: "Họ còn chả dám gọi mình lên trụ sở để giải quyết hay nói gì đâu. Chỉ đến nhà nói vài câu chung chung thôi vì họ cũng sợ bị lây nhiễm HIV mà. Mời họ ngồi họ còn chả dám ngồi. Họ cũng chả quan tâm mình bị đánh hay sao đâu".

Bạo lực gia đình đối với người có HIV diễn ra hết sức phức tạp. Theo Thạc sỹ Phan Hồng Giang, do tính chất nhạy cảm của đối tượng bị bạo lực gia đình nên công tác tiếp cận, hỗ trợ người có HIV đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng, thời gian, sự đầu tư nguồn nhân lực và tài chính. Đặc biệt, cần có những chương trình nhằm phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống can thiệp, hỗ trợ và tiếp cận nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ cũng như hành vi của chính người có HIV bị bạo lực gia đình theo chiều hướng tích cực hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế bạo lực gia đình đối với phụ nữ có HIV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.