Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ảm đạm thị trường lao động cuối năm

Kim Vũ| 07/02/2013 06:27

(HNM) - Có thể nói đây là thời điểm rất khó khăn của thị trường lao động. Người lao động (NLĐ) thất nghiệp gia tăng, số doanh nghiệp tuyển dụng giảm mạnh. Những khó khăn dồn dập vào những ngày giáp tết khiến nhiều NLĐ lao đao.

Nhà trọ vắng vẻ

Tại các khu trọ dành cho công nhân ở KCN Bắc Thăng Long - Nội Bài, KCN vừa và nhỏ Từ Liêm… những ngày cuối năm vắng vẻ hơn ngày thường. Không phải vì công nhân làm tăng ca, bận bịu, mà vì họ bỏ việc về quê do thiếu việc làm hoặc từ 2-3 tháng nay không nhận được lương. Anh Nguyễn Quang Huy, ở xóm trọ xã Phú Diễn, Từ Liêm cho biết, công ty nợ lương đã 3 tháng. Tối đến, Huy phải đi bốc vác thuê để đủ tiền sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người cùng xóm trọ chọn cách mưu sinh tạm thời bằng những gánh rau, sọt hoa quả bán rong khắp thành phố. Một chủ nhà trọ cho biết, chưa năm nào người thuê trọ trả phòng nhiều như năm nay. Công nhân bị nợ lương, không có khả năng trả tiền thuê trọ nên đành phải ghép phòng với người khác, nhiều người bỏ việc về quê.


Các phiên giao dịch việc làm vắng hơn trong tháng cuối năm. Ảnh: Thái Hiền


Được biết, đây là tình trạng chung trên cả nước: Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngừng hoạt động, tinh giản bộ máy; hàng chục nghìn doanh nghiệp tuyên bố phá sản, đẩy hàng nghìn LĐ vào tình cảnh thất nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2012 cả nước có gần 1 triệu người thất nghiệp, hơn 1,3 triệu người thiếu việc làm, trong đó, TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (khoảng 150.000 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp). Tại Hà Nội, tỷ lệ đăng ký thất nghiệp trong năm 2012 theo báo cáo của Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội là gần 25.000 người. Đến tháng 1-2013, số lao động thất nghiệp tiếp tục tăng thêm 2.228 người. Tại các phiên giao dịch việc làm luân phiên và lưu động của TTGTVL Hà Nội những ngày cuối năm, các doanh nghiệp và NLĐ tham gia đã giảm gần 1/2 so với các tháng trước. Nếu trước đây, trung bình mỗi phiên giao dịch có 55-60 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng thì nay chỉ có 30-32 doanh nghiệp. Trong các phiên giao dịch trước có gần 2.000 LĐ tới tìm việc thì nay chỉ còn 600 LĐ tham gia.

Có tìm được lời giải?

Bức tranh LĐ trở nên ảm đạm hơn khi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa cảnh báo tình trạng thất nghiệp gia tăng trở lại trên toàn cầu. Trong tương lai, dự báo mức độ hồi phục kinh tế toàn cầu không đủ mạnh để giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp và số LĐ tìm việc sẽ tăng lên hơn 210 triệu người trong vòng 5 năm tới. Điều đáng lo ngại là ngày càng nhiều LĐ trẻ phải chịu thất nghiệp dài hạn. Khoảng 35% lao động trẻ thất nghiệp ở các nền kinh tế phát triển không có việc làm trong vòng 6 tháng hoặc dài hơn.

Từ thực trạng của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, các chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải cùng nhau tìm được lời giải cho cuộc khủng hoảng. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, giải pháp hữu hiệu hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp, gắn tăng trưởng, phát triển kinh tế và quy hoạch phát triển với việc làm. Cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó, thúc đẩy sự phát triển về chất lượng của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ giúp tạo động lực, tạo cơ hội và việc làm cho NLĐ. Các ngành chức năng cần tổng hợp, nghiên cứu đánh giá chính xác về thực trạng đời sống NLĐ để tìm đúng nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề xuất thay đổi linh hoạt giải quyết LĐ thất nghiệp. Ví dụ, sẽ chuyển số LĐ thất nghiệp sang doanh nghiệp đang thiếu LĐ và Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm chi phí đào tạo, giảm bớt trường hợp NLĐ rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Đại diện ILO cho biết, hiện cung cầu LĐ bị mất cân bằng nghiêm trọng. Thiếu việc làm, song các doanh nghiệp cần công nhân lại không thể tuyển được LĐ có kỹ năng phù hợp. Bên cạnh đó, chất lượng LĐ kém, năng suất LĐ thấp và thiếu nhân lực có kỹ năng và đủ tiêu chuẩn cũng là những hạn chế. ILO đề nghị các nhà hoạch định chính sách đồng thời nên giải quyết 3 vấn đề liên quan với nhau: Phối hợp hành động để hỗ trợ tổng cầu, đặc biệt thông qua đầu tư công khi đầu tư của tư nhân vẫn còn dè dặt; giải quyết sự khập khiễng đang gia tăng trong thị trường LĐ thông qua các chương trình đào tạo và đào tạo lại kỹ năng; tập trung vào vấn đề thất nghiệp trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ảm đạm thị trường lao động cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.