Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện và kết nối hạ tầng đường bộ

Hà Tuấn| 16/02/2013 08:57

(HNM) - Xác định 2013 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ TPHồ Chí Minh lần thứ IX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), ngành giao thông đường bộ thành phố quyết tâm tăng vốn đầu tư để mở rộng đường sá nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai, thi công cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông trọng điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.


Ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, năm nay, ngành phấn  đấu  đầu tư tăng thêm 18km đường và 525 nghìn mét vuông diện tích mặt đường. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ bản và công trình sử dụng vốn ODA là 8.111 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2012, chưa kể vốn dành cho các công trình đầu tư theo các hình thức BT, BOT... là 4.444 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến hết năm, sẽ có khoảng 40 công trình giao thông trên địa bàn thành phố hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành chức năng thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình đường vành đai phía đông (đoạn từ Liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc); mở rộng tỉnh lộ 10; xây dựng tỉnh lộ 10B; cầu Kênh Lộ; cầu vượt bằng thép tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn - Cộng Hòa; cầu Kinh Thanh Đa; nút giao thông hoàn chỉnh tại cổng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; nâng cấp mở rộng Xa lộ Hà Nội; đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khép kín đường Vành đai 2 (đường nối vành đai phía đông - Xa lộ Hà Nội, đường nối cầu vượt nút giao thông Gò Dưa và đường nối Bình Thái - Gò Dưa), các dự án xây dựng đường hướng tâm (cầu đường Bình Triệu 2, đường Bắc- Nam, đoạn từ đường Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh), cầu Thủ Thiêm 2, đường Lương Định Của...

Bên cạnh đó, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ GTVT để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình: đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đoạn 4km nối nút giao An Phú; đường cao tốc liên vùng phía nam; mở rộng quốc lộ 50, đường nối Võ Văn Kiệt đến đường nối Tân Tạo - Chợ Đệm...

Theo ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở GTVT TP, để thực hiện được mục tiêu trên cần 4 giải pháp đồng bộ gồm: xây dựng tiến độ thực hiện theo các giai đoạn đầu tư, khống chế thời gian thi công từng hạng mục và kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc; xây dựng mô hình quản lý dự án hiện đại như đưa vào sử dụng các phần mềm; thanh tra, kiểm tra các hồ sơ dự án và triển khai thi công chậm tiến độ, riêng các công trình trọng điểm phấn đấu giải quyết 2/3 thời gian so với quy định; đặc biệt, thành lập Tổ giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhằm rút ngắn thời gian thi công các dự án.

Bên cạnh quyết tâm và giải pháp của thành phố, Sở GTVT cho rằng, các bộ, ngành liên quan cũng phải đồng hành, tạo điều kiện sớm triển khai lập và phê duyệt các dự án thành phần đường Vành đai 3 và 4; xem xét ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 50, đoạn đi qua địa bàn thành phố; ưu tiên tập trung các nguồn lực (đặc biệt là vốn ODA) nhằm hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, các công trình trọng điểm cấp bách; cho phép UBND TP Hồ Chí Minh được quyền tự quyết hình thức lựa chọn nhà đầu tư lập dự án và đàm phán hợp đồng khi thực hiện theo hình thức BOT, BT, PPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện và kết nối hạ tầng đường bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.