Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm từ thiện phải bắt đầu từ cái tâm

Thái Sơn - Linh Chi| 19/02/2013 07:37

(HNM) - Từ thiện là việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả trong xã hội. Mỗi độ xuân về, ở khắp nơi, các hoạt động tình nguyện làm từ thiện diễn ra rất sôi nổi.

"Chúng tôi muốn… đi đường thẳng"

PGS-TS Ngô Văn Toàn là Chủ tịch Hội Phẫu thuật bàn tay Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (BV Hữu nghị Việt - Đức) đồng thời là Chủ nhiệm CLB từ thiện Sala (salaclub.vn). Công tác từ thiện đến một cách ngẫu nhiên khi ông tham gia các chuyến phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở vùng sâu, vùng xa vào năm 1995. Từ đó, vị chuyên gia phẫu thuật hàng đầu của Việt Nam luôn đồng hành cùng các chương trình từ thiện.

PGS-TS Ngô Văn Toàn tâm sự: Để chuẩn bị cho chương trình 5-6 ngày phẫu thuật, tư vấn, chữa trị ở các nơi, ông phải viện tới sự trợ giúp của rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè. Một mặt nhằm thu xếp thời gian, vật chất cho các chương trình từ thiện; một mặt phải tiến hành sàng lọc đối tượng (theo tiêu chuẩn nghèo, hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật…), rồi sàng lọc y tế, kiểm tra sức khỏe, tìm hiểu hoàn cảnh, lo điều kiện hỗ trợ bệnh nhân đi lại, lưu trú, ăn ở… Từ đó vừa thực hiện phẫu thuật, chỉnh hình cho các bệnh nhân thuộc diện "đặc biệt", vừa tổ chức các chương trình hỗ trợ cho người nghèo ở các địa phương nên những thành viên của CLB từ thiện Sala vô cùng bận rộn, vất vả. Với PGS-TS Ngô Văn Toàn, chỉ riêng việc sắp xếp quỹ thời gian cho công tác này đã rất khó khăn. Tuy nhiên, theo ông, "chúng tôi rất vui vì đã được làm những công việc tạo ra niềm vui, giúp cho cả người cho và người nhận được hài lòng. Hơn nữa, chúng tôi được "đi đường thẳng", gặp gỡ, nói chuyện, trao quà trực tiếp cho những người xứng đáng được hỗ trợ, không phải thông qua một tổ chức, cá nhân nào. Điều đó đã tạo động lực cho chúng tôi phải làm việc tích cực, hiệu quả để bù đắp nhiều hơn, giảm bớt sự thiệt thòi cho một số thành viên của cộng đồng". Từ quan điểm đó, trong những chuyến đi làm từ thiện, các thành viên của CLB Sala luôn chấp nhận ăn bánh mỳ và uống nước lọc để vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm… kinh phí.

Những nhóm người tự nguyện tập hợp để làm việc thiện như CLB Sala xuất hiện ngày càng nhiều và có sự tham gia của đủ mọi thành phần trong xã hội. Tùy theo năng lực của bản thân và cộng sự, họ tổ chức hỗ trợ, trực tiếp tặng quà, áo quần, sách vở, học phí, viện phí, các bữa ăn; tạo cơ hội việc làm, học tập, chữa bệnh… cho những trường hợp kém may mắn. Bên cạnh việc thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với xã hội, điểm chung trong nhận thức của các cá nhân tham gia những tổ chức từ thiện tình nguyện này là mong muốn được trực tiếp đến với những gia đình, tiếp xúc với những hoàn cảnh cần chia sẻ, giúp đỡ.

Để phát huy sức mạnhcủa cả cộng đồng

Theo ước tính, Việt Nam hiện có hàng chục nghìn tổ chức thiện nguyện với các quy mô khác nhau. Đó cũng là điều bình thường bởi trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những số phận, những mảnh đời kém may mắn. Song vấn đề là ở chỗ tại sao ngày càng có nhiều người mong muốn được trực tiếp làm công việc này?

Có thể thấy, đã một thời gian nở rộ phong trào tổ chức các hoạt động từ thiện. Cuốn theo "vòng xoáy" đó, nhiều người đã lợi dụng cái nghĩa, cái thiện trong xã hội để xà xẻo, chuộc lợi cho bản thân. Nhiều công ty, tổ chức đã "mượn" danh nghĩa làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi hoặc PR cho thương hiệu đơn vị mình. Đã từng xuất hiện những buổi đấu giá từ thiện được truyền hình trực tiếp, nhưng số tiền hàng chục tỷ đồng quyên góp được chỉ là những lời hứa trống rỗng bởi sau khi kết thúc chương trình các "Mạnh Thường Quân" bạo mồm đều trốn biệt tăm. Phải chăng vì muốn nổi đình đám, người ta chà đạp lên cả niềm tin và nỗi đau của những con người bất hạnh? Rồi lại có cuộc, tiền quyên góp được để làm từ thiện khi tới địa chỉ cần thiết chỉ còn hơn một phần ba, chưa đầy một nửa, số còn lại được sử dụng vào mục đích "đánh trống, khua chiêng". Thậm chí có cả những tổ chức, cá nhân lợi dụng làm từ thiện để "thanh lý" hàng tồn kho, hàng kém phẩm chất… Và có thể thấy, lòng tin của cộng đồng vào khâu trung gian - tổ chức những hoạt động từ thiện - đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Với nền tảng truyền thống "lá lành đùm lá rách" sẵn có của người Việt, để tiến tới xây dựng một xã hội văn minh mà các hoạt động từ thiện là nhu cầu, công việc của cả xã hội, là trách nhiệm của mỗi công dân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động thiện nguyện. Làm từ thiện không phải là bố thí, ban ơn, cũng không phải nhàn rỗi thời gian làm cho vui. Làm từ thiện là phải xuất phát từ lòng yêu thương chân thành, sự quan tâm sâu sắc đối với những cảnh đời bất hạnh, phải đem tâm huyết ra làm chứ không nên làm hời hợt, hình thức.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá cho hoạt động từ thiện rất cần có sự giám sát, tư vấn để có thể thu được hiệu quả tối ưu, đúng đối tượng. Mặt khác, cần quản lý chặt chẽ việc thu, chi đối với các nguồn quỹ làm từ thiện cũng như cần có cơ chế quản lý đối với những tổ chức được lập ra để hoạt động trong lĩnh vực này. Có như vậy mới phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng, thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội tới mọi đối tượng để cùng phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm từ thiện phải bắt đầu từ cái tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.