Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rào cản hôn nhân của người khuyết tật

Lâm Vũ| 23/02/2013 07:18

(HNM) - Người khuyết tật (NKT) hiện chiếm 15,5% dân số nước ta với khoảng 12 triệu người. Trong khi nhiều vấn đề của NKT như giáo dục, công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe nói chung có nhiều tiến bộ thì việc được yêu, được kết hôn, sinh con… vẫn gặp nhiều cản trở.


Hôn nhân bị phản đối

NKT hiện là nhóm thiểu số lớn nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, NKT chiếm 15,5% dân số, khoảng 12 triệu người. Nghiên cứu định tính trên gần 100 NKT của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số cho thấy, NKT gặp sự phản đối tình yêu từ phía gia đình mình và gia đình người yêu diễn ra ở mức độ rộng. Nếu hai NKT yêu nhau thì có thể cả hai gia đình đều phản đối. Tuy nhiên, việc phản đối này chủ yếu xuất phát từ gia đình nam giới, bởi vì cơ hội yêu, kết hôn của nam giới bị khuyết tật với người bình thường nhiều hơn so với nữ giới. Trong trường hợp NKT yêu người không khuyết tật thì việc phản đối thường xảy ra ở gia đình người không khuyết tật. Trường hợp anh Th. (39 tuổi) ở Hà Nội là điển hình. Tình yêu đầu của anh với một NKT đã gặp phải sự phản đối của gia đình nhà gái, bởi họ cho rằng cả hai anh chị đều là NKT nên con gái họ không thể dựa vào anh được. Sự phản đối của gia đình quá lớn khiến hai người phải chia tay. Đến tình yêu thứ hai với một người bình thường, anh lại bị phản đối. Tuy nhiên, lần này ý chí của hai người rất mạnh mẽ và bạn gái anh quyết tâm kết hôn mà không cần có sự chấp thuận của gia đình. Đến giờ, sau hai năm kết hôn, gia đình bên ngoại vẫn chưa nhìn nhận anh là con rể.


Cần có các chương trình hỗ trợ về học tập và việc làm để NKT có thể bảo đảm quyền được yêu, kết hôn trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận.Ảnh: Phương Thảo


Ở Việt Nam, con cái có ý nghĩa quan trọng và có vị trí rất cao trong hệ giá trị gia đình. Với gia đình của NKT, bố mẹ họ càng kỳ vọng về đứa cháu được sinh ra để hỗ trợ cho bố, mẹ bị khuyết tật trong cuộc sống sau này. Vì vậy, việc có thể sinh những đứa cháu khỏe mạnh hay không luôn là câu hỏi đầu tiên. Nhiều gia đình phản đối tình yêu của NKT vì lo lắng rằng NKT sẽ không sinh được con, hoặc con cái sinh ra sẽ có khuyết tật giống bố mẹ chúng, đặc biệt là trong trường hợp cả hai người cùng khuyết tật. Một phụ nữ khuyết tật, 30 tuổi, chia sẻ: "Anh nào mà dám lấy một cô khuyết tật, theo tôi là phải cực kỳ cứng rắn và mạnh mẽ. Ai biết NKT có mang bầu được không, sinh con được không?".

Nguyên nhân từ định kiến

Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo. Theo đó, nam giới được coi là người trụ cột và phụ nữ là thứ yếu. Nam giới là người đi làm và kiếm tiền chính trong khi trách nhiệm của phụ nữ là nội trợ, sinh con và chăm sóc con cái. Trong nghiên cứu này, gia đình NKT nữ phản đối tình yêu và hôn nhân của NKT vì họ nghĩ rằng phụ nữ lấy chồng thì phải dựa vào người chồng, trong khi "bóng tùng" của con họ lại là người "yếu ớt" và ít khả năng có thu nhập cao. Cũng do định kiến về giới, lo ngại về việc người phụ nữ khuyết tật không thể thực hiện được chức năng làm dâu, làm vợ là những lý do khiến gia đình phản đối tình yêu và hôn nhân của NKT nam.

Bà Nguyễn Thị Vịnh, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số cho rằng ở nước ta, gia đình được nhìn nhận chủ yếu là mối quan hệ hôn phối được thừa nhận giữa phụ nữ và nam giới, trong đó hai người phải có khả năng thực hiện những trách nhiệm giới và sản phẩm được mong đợi nhất chính là những đứa con không khuyết tật để nương tựa. Cách nhìn như vậy vô hình trung đã loại NKT ra khỏi mối quan hệ hôn nhân, do họ không phù hợp với các khuôn mẫu giới truyền thống trong gia đình. Việc thiếu các dịch vụ xã hội, cuộc sống khó khăn và thường phải phụ thuộc vào gia đình của NKT nói chung chính là những yếu tố làm cho cách nhìn của gia đình về NKT không được lạc quan.

Các nhà khoa học khuyến nghị, các chương trình truyền thông và can thiệp về vấn đề tình yêu, hôn nhân và gia đình cần chú ý không nhấn mạnh thêm các chuẩn mực xã hội liên quan đến vai trò của người vợ, người chồng trong gia đình, không nhấn mạnh việc các cặp vợ chồng bắt buộc phải sinh con. Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ về học tập và việc làm để giúp NKT đáp ứng được khuôn mẫu xã hội về gia đình, đồng thời xóa bỏ các định kiến giới, cũng như thay đổi quan niệm về hôn nhân, gia đình để NKT có thể bảo đảm quyền được yêu, kết hôn trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rào cản hôn nhân của người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.