Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học đau xót sau vụ nổ làm 14 người thương vong

Hà Tuấn - Thọ Sơn| 25/02/2013 05:51

(HNM) - Đến chiều hôm qua (24-2), sau một ngày cứu hộ cứu nạn, cơ quan chức năng đã xác định danh tính 10 người tử vong và 4 người bị thương trong vụ nổ kinh hoàng...

Vụ nổ cũng được xác định xuất phát từ căn nhà do ông Lê Minh Phương thuê để chứa đạo cụ làm phim, chuyên tạo các cảnh cháy nổ, khói lửa và là tai nạn cháy nổ nghiêm trọng nhất từ trước tới nay của giới làm phim…

Lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm người bị nạn.


Hậu quả kinh hoàng: 14 người thương vong

Theo xác định ban đầu, vào lúc 0h15 ngày 24-2, hai tiếng nổ lớn phát ra từ căn nhà số 384/9 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Vụ nổ làm sập hoàn toàn ba căn nhà số 384/7, 384/7A và số 384/9, khi nhiều người trong các căn nhà trên đang còn chìm sâu trong giấc ngủ.

Ngay sau đó, người dân xung quanh đã ào tới tìm kiếm, cứu người bị nạn trong đống đổ nát. Công an TP Hồ Chí Minh lập tức huy động người xuống phong tỏa hiện trường và phối hợp với hơn 100 chiến sỹ của Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và lực lượng cứu hộ cứu nạn thành phố cứu người bị nạn. Các cơ quan chức năng đã phải điều động 2 xe cẩu và xe máy xúc để phá, cào múc đống bê tông cốt thép tìm người bị nạn. Lực lượng công binh cũng được điều động đến hiện trường để rà phá bom mìn, chất nổ.
Đến chiều cùng ngày, công tác cứu hộ cứu nạn đã hoàn tất. Theo cơ quan chức năng, khả năng vụ nổ xuất phát từ những "đạo cụ" làm phim tại căn nhà số 384/9 do ông Lê Minh Phương (sinh năm 1955, ở số 486 đường Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh) thuê để chứa đạo cụ làm phim, chuyên tạo các cảnh cháy nổ, khói lửa. Ông Phương (thường gọi là "Phương khói lửa") nguyên là chuyên viên đạo cụ cháy nổ của hãng phim Lạc Việt, hãng sản xuất nhiều phim được khán giả yêu thích như Chàng Sửu làm du lịch, Hương cỏ dại, Vườn đời… Theo ban điều hành khu phố, gia đình ông Phương mới dọn về căn nhà trên cách nay hai tháng. Được biết trước khi xảy ra vụ nổ, tối 23-2 nhiều người bạn ông Phương còn nghe ông nói chuẩn bị đạo cụ đi Vũng Tàu quay một phim vào ngày 24-2.

Cũng chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã xác định có 10 người chết tại chỗ, 4 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Trong đó, gia đình ông Phương có 6 người thiệt mạng.

Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo PC45, PC54, Công an quận 3 tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng có liên quan và phối hợp điều tra để xác định nguyên nhân vụ nổ.

Vụ nổ làm sập hoàn toàn ba căn nhà.


Sinh nghề tử nghiệp

Họa sĩ thiết kế phim Mã Phi Hải, người từng hợp tác với ông Lê Minh Phương trong một số phim như: Áo lụa Hà Đông, Đường đua… bày tỏ sự bàng hoàng của mình khi nghe thông tin. Họa sĩ Hải cho biết, ông Phương là một người rất hòa đồng, vui vẻ, hay giúp đỡ đồng nghiệp và làm việc rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Do đó, sự việc trên xảy ra rất bất ngờ đối với đồng nghiệp. Có thể, vụ nổ xảy ra do lượng chất gây hiệu ứng nổ trên phim trường được ông Phương tập kết về nhà lớn hơn mức quy định hoặc do để trong nhà, chật hẹp lại kín, không khí nóng nực nên chỉ cần va chạm nhẹ hay để chung với chất dễ cháy trong nhà cũng có thể phát nổ.

Trên thực tế, phim trường cũng đôi khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn nhưng không bao giờ gây thiệt hại về người do lượng chất nổ tạo hiệu ứng ít, được tập kết chỗ rộng và thoáng, đoàn làm phim luôn luôn chủ động các tình huống. "Người ta nói, "sinh nghề tử nghiệp". Bản thân anh Phương là người cẩn trọng như thế nhưng chỉ một tích tắc lơ là phải trả cái giá quá đắt. Mong rằng, những người làm phim nói chung, người làm hiệu ứng khói lửa nói riêng, xem đó là một bài học xương máu để càng cẩn trọng với nghề hơn". - Họa sĩ Hải chua xót nói.

Tuy nhiên, bài học từ vụ việc đau lòng này không chỉ như vậy. Đây là cảnh báo đối với các hoạt động có sử dụng chất nổ, đặc biệt là hoạt động trái phép, như dùng mìn khai thác đá, tận diệt thủy sản... và nhất là công tác quản lý loại “vật liệu thần chết” này.

10 người chết trong vụ việc đau lòng trên gồm: Bà Nguyễn Thị Tân Xuân (sinh năm 1969), em Hồ Kiều Anh (sinh năm 1996), ông Lê Minh Phương (sinh năm 1955), bà Mạc Thị Phước (sinh năm 1965), em Lê Nam Phương (sinh năm 2006), em Lê Khánh Phương (sinh năm 1996) cùng ngụ số 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3; ông Nguyễn Thanh Minh (sinh năm 1962), chị Phạm Ngọc Thùy (sinh năm 1987) cùng ngụ tại 384/7A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3; còn 2 thi thể chưa xác định danh tính. Thi thể người tử vong hiện được đưa về BV An Bình (quận 5).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài học đau xót sau vụ nổ làm 14 người thương vong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.