Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗn loạn tại lễ khai ấn đền Trần

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 25/02/2013 07:38

(HNM) - ... Song sau rất nhiều cố gắng, lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) đêm 14 tháng Giêng năm Quý Tỵ (23-2) vẫn diễn ra cảnh hỗn loạn khiến dư luận bức xúc. Báo Hànộimới tóm lược ý kiến bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Cảnh xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để xin ấn tái diễn tại lễ hội đền Trần. Ảnh: Lê Hiếu


Ông Vũ Triều (phường Hoàng Cầu, quận Đống Đa):Nhận thức của nhiều người chưa thay đổi

Hàng trăm công an, cảnh sát cơ động… đã được huy động, nhưng không thể chống lại được biển người ào ào lao vào kiệu, lao vào đền khi sắp đến giờ phát ấn. Cảnh người dân thi nhau ném tiền vào kiệu, nhét tiền vào đầu rồng, “cướp” hoa, lộc trên ban thờ càng làm xấu đi hình ảnh lễ hội. Tôi cho rằng, những người có cách hành xử như vậy vì họ đến đền Trần với tâm niệm cầu cho bản thân mình có được nhiều tiền, tài, lộc… mà không nhận thức được rằng đây là lễ hội có ý nghĩa cầu mong thiên hạ thái bình, thịnh trị, nhà nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần… Theo tôi, việc phát ấn chỉ nên làm tượng trưng, không phát cho riêng một ai vì nếu còn phát ấn chắc chắn lễ hội sẽ khó thoát khỏi “thảm cảnh” nêu trên.

Chị Hoàng Hải Ninh (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm): Cần tránh xu hướng sống thực dụng...

Những lộn xộn tại lễ hội này chưa có chuyển biến và văn hóa lễ hội ở đây thật đáng báo động. Trong những năm qua, những đền, chùa theo dân gian là linh thiêng, “xin” được nhiều tài, lộc, như đền bà Chúa Kho, đền Trần… thường thể hiện rất rõ xu hướng sống thực dụng của một bộ phận người dân. Họ đổ xô đến để cầu mong một năm mới ăn nên, làm ra... Điều này là nguyện vọng chính đáng của mỗi người song cách hành xử thiếu văn hóa tại chốn linh thiêng của không ít người đã làm lệch lạc, biến tướng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông. Để những lễ khai ấn năm sau diễn ra theo đúng chuẩn mực văn hóa, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu để việc hành lễ, hội giữ đúng hồn cốt truyền thống, lễ khai ấn chỉ mang tính biểu trưng và cắt hẳn việc phát ấn đến du khách và người dân bởi đây là lễ hội cầu cho Quốc thái dân an và nhà nhà đều được hưởng lộc đền Trần thì cần gì phải phát ấn cho những người đến lễ?

Ông Trần Lộc (phường Kim Mã, quận Ba Đình): Đừng quá mê muội

Đọc báo và xem loạt ảnh người dân chen nhau đến “bẹp ruột” nhằm cướp lộc, mua ấn Trần, tôi thấy thật không thể chấp nhận được. Việc đóng ấn đền Trần vốn là một truyền thống văn hóa, một trong những tập tục đẹp trong những ngày đầu năm mới của người Việt được gìn giữ lâu đời. Thế nhưng qua thời gian, thật đáng buồn là lễ hội này đã bị biến tướng, hiểu sai. Trên thực tế, ngày xưa không có chuyện nhà Trần cứ ra Tết lại đóng ấn ban chức tước mà việc khai ấn giống như khai bút, với ý nghĩa mong muốn công việc được thông suốt, tốt hơn. Tâm lý đám đông đã lôi kéo hàng vạn người tham gia tranh cướp ấn dẫn đến tình trạng hỗn loạn, chen lấn, hòng cố gắng lấy ấn đầu xuân làm lộc. Dù chẳng tin lắm vào tờ ấn cướp hay mua được nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn muốn có một tờ như một kiểu trấn an tinh thần. Đừng quá mê muội dẫn đến hiểu sai lễ hội văn hóa có ý nghĩa lịch sử to lớn này.

Bà Nguyễn Thị Tâm (phường Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân):Tăng cường tuyên truyền ý nghĩa đích thực của tục khai ấn


Năm nào cũng vậy, cứ đến giờ khai ấn là cảnh chen lấn, xô đẩy nhau tại đền Trần lại tái diễn. Và năm nào cũng vậy, kết thúc lễ hội, cơ quan quản lý, ban tổ chức cũng rút kinh nghiệm, nhưng thực tế nhiệm vụ quản lý, giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn nét đẹp văn hóa này dường như vẫn đang là “nhiệm vụ bất khả thi”. Tôi cho rằng, một khi chính quyền còn kinh doanh dịch vụ hóa lễ hội; cơ quan quản lý, thay vì giải thích ý nghĩa đích thực của tục khai ấn, lại chạy theo tâm lý đám đông, chắc chắn tình trạng tranh cướp ấn sẽ cứ mãi tiếp diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗn loạn tại lễ khai ấn đền Trần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.