Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Nhiều ý kiến trái chiều

Bảo Bảo| 28/02/2013 07:42

(HNM) - Mặc dù mới chỉ là đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) song thông tin tăng tuổi nghỉ hưu đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Với nhiều người, tăng tuổi nghỉ hưu cũng chính là cơ hội để được làm việc và cống hiến, nhưng với không ít người, điều này đồng nghĩa với tăng "gánh nặng".


Để đối phó nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt thêm 5 năm so với quy định hiện hành. Ngoài phương án tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ thêm 5 năm để áp dụng từ ngày 1-1-2014, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất phương án hai: Tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ theo lộ trình. Hai phương án này đang được Bộ đưa ra lấy ý kiến và nhận được nhiều phản hồi trái chiều.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhận được nhiều ý kiến trái ngược. Ảnh: Thái Hiền

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho rằng, xu thế tiếp cận từ nghĩa vụ của lao động nữ đối với sự phát triển bền vững trong điều kiện tận dụng tối đa nguồn nhân lực có chất lượng, bình đẳng giới trong hội nhập quốc tế là hướng cần được quan tâm trong quá trình tham gia xây dựng Nghị định quy định chi tiết Điều 187 về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động. Việc nghiên cứu tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là việc làm cần thiết, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Xã hội ngày càng hội nhập sâu rộng, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định, do đó tạo điều kiện để nữ giới được làm việc và cống hiến là phù hợp.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tăng "gánh nặng" lên NLĐ, đồng nghĩa với việc người trẻ bị giảm cơ hội việc làm. Mặt khác, ở một số lĩnh vực, NLĐ chưa hẳn đã muốn tăng thời gian làm việc. Chẳng hạn, NLĐ trực tiếp sản xuất, nếu đã lớn tuổi thì tay yếu, mắt kém, hiệu quả làm việc không cao. Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ tạo áp lực cho NLĐ mà còn tạo gánh nặng cho cả đơn vị sử dụng lao động do phải trả lương cao nhưng nhận lại hiệu quả lao động thấp.

Thực tế, tăng tuổi nghỉ hưu không còn là "quan điểm" của riêng ai vì Điều 187 Bộ luật Lao động đã quy định rõ sẽ tăng ở một số nhóm đối tượng như người làm việc có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý ở những lĩnh vực đặc biệt... Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu là việc đương nhiên phải làm, nhưng vấn đề tăng như thế nào và tăng với đối tượng nào, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nghiên cứu thật kỹ để có phương án phù hợp.

Nghiên cứu của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cũng cho thấy, việc quy định tăng hay giảm tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ nói chung, lao động nữ nói riêng, phụ thuộc nhiều yếu tố như: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội; thị trường lao động; tuổi thọ trung bình của NLĐ; khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội; môi trường, điều kiện làm việc và tính chất công việc. Trong đó, môi trường, điều kiện làm việc và tính chất công việc là yếu tố quan trọng nhất để xác định tăng - giảm tuổi nghỉ hưu. Từ thực tế này, TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, với những cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp - nơi có môi trường, điều kiện làm việc tốt, công việc không nặng nhọc, độc hại - nên đưa vào đối tượng kéo dài thời gian làm việc nhưng nên chia ra các giai đoạn và mức độ khác nhau, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố khác.

Điều 187, Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu:
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
2. NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 điều này.
3. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 điều này
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Nhiều ý kiến trái chiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.