Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có chuyện “bán thịt thú rừng tại chùa Hương”!

Đỗ Minh| 04/03/2013 06:36

(HNM) - Trước một số thông tin có nhiều nhà hàng tại chùa Hương bày bán thịt động vật hoang dã, trong hai ngày 2 và 3-3, các cơ quan chức năng tổng kiểm tra tất cả các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chùa Hương.


Qua hai ngày, đoàn đã kiểm tra 49 cơ sở kinh doanh ăn uống, trong đó có 30 cơ sở có bày bán thịt nhím, đà điểu, hươu sao nhưng đều có giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ từ những cơ sở được phép gây nuôi sinh sản, 19 cơ sở còn lại chỉ bán thịt bò, thỏ… 3 nhà hàng bị đoàn kiểm tra xử phạt vì có giới thiệu thịt thú rừng trong thực đơn (đó là nhà hàng Quyết Thắng, Ánh Tuyết tại Thiên Trù, nhà hàng Khánh Hòa tại bến Yến Vĩ). Ngoài ra, cơ sở Hùng Cường (Thiên Trù) có bán thịt nhím, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc là động vật gây nuôi sinh sản nhưng chưa trình được hóa đơn mua bán.

Du khách trẩy hội chùa Hương. Ảnh: Bá Hoạt


Chủ nhà hàng Ánh Tuyết tại khu vực sân Thiên Trù khai nhận những động vật như nhím, hươu sao, đà điểu… đều được nuôi sinh sản, sinh trưởng tại các cơ sở được cấp phép gây nuôi tại Ninh Bình, Thanh Hóa. Còn lại là thỏ, mèo, chó… được "biến hóa" thành thịt thú rừng. Tương tự nhà hàng Năm Thành số 2, Chiến Thắng, Quỳnh Phương… cũng sử dụng cách thức tương tự để lừa du khách.

Thực tế, tình trạng bày bán thịt thú rừng giả vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), gây phản cảm ở chùa Hương đã diễn ra trong nhiều năm qua. Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Phó Trưởng phòng PC49 - Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu mùa lễ hội (ngày mùng 4 Tết), các cơ quan chức năng liên quan và cảnh sát môi trường đã tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại danh thắng chùa Hương phải thực hiện đúng quy định. Hiện tại, hầu hết các cơ sở đã bày bán thực phẩm trong các tủ bảo ôn, bảo đảm ATVSTP.

TS Đặng Tất Thế, Trưởng phòng Hệ thống học phân tử và Di truyền bảo tồn (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) khẳng định, động vật rừng được bán tại chùa Hương chỉ có 2 loài nhím và nai, nhưng đây đều là loài được phép nuôi sinh sản, sinh trưởng và không phải là động vật hoang dã như báo chí phản ánh. Hươu, nai là loài động vật rừng đang được nhiều trang trại nuôi nhốt, nhân giống thành công, bán thịt dưới sự giám sát của cơ quan kiểm lâm. Thực tế, để có thịt cầy vòi, chủ nhà hàng chỉ cần mua một con chó khoảng 7-8kg hoặc mèo, khi thịt cầm búa đập vỡ hàm ra rồi dùng khò (sắt uốn hình) đẩy dài hàm trên với mũi ra rồi giữ nguyên đem thui là gần giống như cầy vòi khiến du khách khó phân biệt. Còn chồn thì được "biến hóa" từ mèo. Với thỏ khi chưa được cắt tai, nếu du khách muốn ăn thì sẽ là thịt "thỏ rừng", còn nếu được cắt tai, cho lên thui sẽ thành… thịt dúi.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quân, đa số các nhà hàng "qua mắt" lực lượng kiểm tra bằng cách không ghi thịt thú rừng "xịn" trong thực đơn mà chỉ chào mời khách bằng miệng nên tình trạng du khách bị lừa vẫn thường xuyên xảy ra. Hiện có 3 vi phạm nhìn thấy để xử lý như: bán thịt bò, bê không có hóa đơn chứng từ, chưa qua kiểm dịch thú y; thực phẩm không được lưu giữ, bảo quản theo quy định; hoặc kinh doanh hàng ăn uống khi chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP. Theo quy định, mức phạt trung bình từ 300.000 đồng đến 750.000 đồng/lỗi.

"Treo đầu dê, bán thịt chó" là những cảnh báo xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng để du khách biết khi hành hương về đất Phật Hương Sơn. Song, nhiều người vẫn không để ý, dễ bị mắc lừa. Được biết, nhím thương phẩm ngoài thị trường có giá khoảng 200 nghìn đồng/1kg nhưng các nhà hàng tại chùa Hương bán với giá từ 600-800 nghìn đồng/1kg. Thịt "hươu sao rừng" mà thực chất là hươu nuôi được bán với giá thị trường là 240-250 nghìn đồng/1kg...

Ngày 3-3, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương Nguyễn Văn Hậu cho biết: Từ mùng 2 Tết đến nay, chùa Hương đã đón hơn 480.000 lượt khách tham quan, trẩy hội, tương đương số lượng khách cùng kỳ năm 2012. An ninh trật tự, an toàn giao thông được bảo đảm, tuy nhiên đã xảy ra 1 vụ móc túi; 3 vụ xô xát nhỏ do mâu thuẫn giữa những người dân địa phương, 1 vụ tai nạn ngoài khu vực lễ hội làm 1 người chết, 1 người bị thương. Công tác kiểm tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ăn xin, mê tín dị đoan, đốt vàng mã… so với năm trước đã giảm. Tuy nhiên, tình trạng đeo bám khách để làm dịch vụ chở đò, đổi tiền, du khách xả rác bừa bãi… vẫn chưa chuyển biến rõ nét.

Kim Nhuệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có chuyện “bán thịt thú rừng tại chùa Hương”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.