Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể chỉ tuyên truyền vận động

Quỳnh Dung| 05/03/2013 06:51

(HNM) - Các ngành chức năng đã ráo riết kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm quản lý tận gốc việc dùng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng chỉ như

Quá trình kiểm tra các cơ sở sản xuất nông nghiệp cho thấy mức độ vi phạm không ngừng tăng, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… Đây là những nhận định trong Hội nghị về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 4-3.

Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ bảo đảm khi người sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Ảnh: Bá Hoạt


Vi phạm tràn lan...


Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN& PTNT), trong 2 tháng đầu năm 2013, các ngành chức năng đã tổ chức thanh, kiểm tra 1.045 lượt cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, phát hiện và xử lý 18 cơ sở vi phạm (chiếm 2%); thanh, kiểm tra 262 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện 36 cơ sở vi phạm (chiếm 14%) về an toàn thực phẩm (ATTP), 27/108 mẫu vi phạm về chỉ tiêu chất lượng nông nghiệp (chiếm 25%). Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với các địa phương kiểm tra 172 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, phát hiện và xử lý 24 cơ sở không đạt yêu cầu về ATTP (chiếm 14%). Trong đó, đáng chú ý là phát hiện và yêu cầu cơ sở giết mổ HTX Hòa Phước (Đà Nẵng) ngừng giết mổ gia cầm do sử dụng nhựa thông để làm sạch lông gia cầm trong quá trình giết mổ; phối hợp với Đội cảnh sát môi trường Đà Nẵng tiêu hủy 820kg lòng lợn đã qua sơ chế không rõ nguồn gốc... Năm 2012, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã phát hiện 73 mẫu rau, củ, quả tươi, (chiếm 6,8%) có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép. Ngay trong 2 tháng đầu năm 2013 đã lấy xét nghiệm 1.308 mẫu chất lượng thuốc BVTV, phát hiện 16 mẫu không bảo đảm chất lượng.

Đối với lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, mới đây Cục đã thành lập các đoàn kiểm tra chất lượng thức ăn bổ sung cho động vật, kết quả cho thấy, tất cả các sản phẩm phổ biến là kém chất lượng, sai nhãn mác, hết hạn sử dụng. Chẳng hạn như trong tháng 2, Cục đã kiểm tra, phát hiện việc nhập khẩu 200 tấn thức ăn của một doanh nghiệp, trong đó hàm lượng phốt pho trên 17%, không đạt chất lượng. Doanh nghiệp này đã xin chuyển sang dùng vào việc xây dựng nhưng Cục không cho phép và buộc tái xuất trở lại nước nhập khẩu. Thực hiện đánh giá phân loại các cơ sở giết mổ, hiện đã có 59 tỉnh báo cáo, nhưng số cơ sở đạt loại C chiếm tỷ lệ cao (tới 52,2%), cho thấy thịt sử dụng hằng ngày của người dân vẫn chưa bảo đảm chất lượng...

Các ngành chức năng của TP kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị Intimex
Ảnh: Tuấn Vũ

Tăng cường tuyên truyền đi đôi với xử phạt


Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, mặc dù các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nhưng vấn đề chất lượng ATVSTP vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, để từng bước chấn chỉnh việc dùng các hóa chất độc hại trong nông nghiệp, các đơn vị của ngành cũng như chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cơ chế chính sách, pháp luật quản lý ATVSTP nông nghiệp, trong đó ưu tiên phương thức tuyên truyền vận động trực tiếp tới người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Ngoài ra, cần tuyên truyền để người dân chuyển đổi hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo chuỗi thực phẩm để kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm. Từ tháng 3- 2013, Cục sẽ phối hợp với các địa phương hoàn thành việc xây dựng mô hình thí điểm kiểm soát ATTP chuỗi nông sản tại 8 tỉnh phía bắc và thủy sản tại 4 tỉnh phía nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần thực hiện mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người sản xuất và phải xác định đây là việc làm thường xuyên. Hiện một số địa phương đã quản lý theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu dùng trên một số sản phẩm như rau, thịt, trứng nhưng ở quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao. Do đó, các ngành phải tập trung vào phân tích nguy cơ rủi ro, hoàn thiện khâu yếu, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu mà phải thường xuyên kiểm tra ở tất cả các khâu và có giải pháp hiệu quả từng khâu. Công tác kiểm tra đã được thực hiện, nhưng chưa kiểm soát được tận gốc việc nông dân sử dụng thuốc BVTV và hóa chất trong sản phẩm thịt, rau, củ quả. Do vậy, các địa phương cần thành lập các tổ hợp hoặc HTX và các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, thuốc thú y, thuốc BVTV chỉ bán và cung cấp cho các HTX, sau đó HTX bán, hướng dẫn người dân sử dụng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra xử phạt những cơ sở vi phạm, nếu vi phạm nhiều lần Bộ NN&PTNT sẽ tịch thu giấy phép hành nghề và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể chỉ tuyên truyền vận động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.