Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có cơ sở giải quyết khiếu nại về đất đai ở Dương Nội và ao Thước Thợ

Trọng Quang - Hiền Lương| 14/03/2013 18:37

(HNMO) - Ngày 14-3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh chủ trì cuộc đối thoại, giải quyết khiếu nại về đất đai với người dân khu vực ao Thước Thợ (quận Đống Đa) và phường Dương Nội (quận Hà Đông).

Nội dung các hộ dân khiếu nại: Năm 2001 UBND TP thu hồi đất tại khu vực ao Thước thợ để xây dựng Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi Đống Đa (Công viên Đống Đa), thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị giải tỏa không đúng theo Nghị định 22/1998/ NĐ-CP. Các hộ yêu cầu xem xét hỗ trợ tiền để mua một căn nhà tối thiểu cho một gia đình để ổn định đời sống. Ngoài ra, kiến nghị của các hộ dân còn cho rằng, việc thu hồi đất để thực hiện dự án công viên, nhưng trên thực tế đang bị sử dụng không đúng mục đích. Cụ thể là: Dự án này nhiều năm chưa được triển khai, trong khi UBND quận Đống Đa và UBND TP đã lấy đất cấp cho Cty CP Taxi Hà Nội làm bãi đỗ xe với diện tích 7.274m2 và cấp cho trường mầm non Trung Liệt 2.000 m2...

Theo báo cáo của các ban, ngành TP, khu đất ao Thước thợ là đất do Nhà nước quản lý từ năm 1966, đã nằm trong quy hoạch được phê duyệt để xây dựng công viên Đống Đa... Ngày 26/10/2001 UBND TP đã ra quyết định 6358/QĐ-UB thu hồi 70.928 m2 tại phường Trung Liệt (Đống Đa) và phường Thành Công (Ba Đình) giao cho BQL Dự án quận Đống Đa làm chủ đầu tư, tổ chức giải tỏa mặt bằng. Đồng thời ra một loạt quyết định về việc phê duyệt và điều chỉnh chính sách hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho các hộ dân khi bị giải tỏa ở khu vực ao Thước thợ, Trung Liệt. Các khỏan hỗ trợ chính được xác định năm 2001 là: Tiền hộ trợ di chuyển (3 triệu đồng); tiền hỗ trợ ổn định đời sống đối với các chủ sử dụng ăn ở thường xuyên (20 triệu đồng); tiền hỗ trợ ổn định đời sống đối với các chủ sử dụng không ăn ở thường xuyên (15 triệu đồng). Quận Đống Đa đã thực hiện giải tỏa di dời các hộ dân khu ao Thước thợ theo phương án đã được UBND TP phê duyệt, nhưng cũng từ đây đã phát sinh khiếu kiện của các hộ dân bị giải tỏa về phương án hỗ trợ, TĐC của UBND TP. Vụ việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm, và chưa được giải quyết dứt điểm.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, năm 2006 - 2007 UBND quận Đống Đa và các sở, ngành liên quan đã kiểm tra và có phương án báo cáo UBND TP giải quyết chính sách bán nhà cho các hộ dân bị thu hồi đất. Theo thống kê, có 135 hộ lấn chiếm đất bị giải tỏa, trong đó có 85 hộ dân không có chỗ ở khác được xem xét hộ trợ TĐC: Đợt 1 có 50 hộ đã làm thủ tục mua nhà theo giá nhà TĐC tại khu Đô thị mới Việt Hưng (Long Biên), nhưng có nhiều hộ đã bán lại xuất nhà TĐC này. Ngoài ra, 37 hộ còn lại đã được bố trí cho mua nhà TĐC tại Khu đô thị Sài Đồng, Long Biên... Qua rà sóat, cho thấy: Việc các hộ dân lấn chiếm, sử dụng đất lấn chiếm và mua đi - bán lại trong khu vực đất ao Thước thợ là vi phạm các quy định của Luật Đất đai, do vậy việc Nhà nước giải tỏa, thu hồi đất để thực hiện Dự án Công viên Đống đa không phải bồi thường mà chỉ hỗ trợ giải tỏa là phù hợp với quy định của Nghị định 22/1998/ NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ.

Tuy nhiên, ở thời điểm giải tỏa chưa xem xét hoàn cảnh cụ thể của từng hộ dân, dẫn đến các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, UBND TP đã kiểm tra cụ thể hoàn cảnh của từng hộ và có chính sách hỗ trợ TĐC, đã giải quyết cho 87 hộ được mua căn hộ theo chính sách giá nhà TĐC (có sự bù giá của Nhà nước), trong đó có 72 hộ đã làm thủ tục mua nhà theo quy định. Qua kiểm tra, các hộ có đơn khiếu nại đều đã có tên trong danh sách được mua nhà tại tầng H2 (CT 13B) Khu Đô thị mới Việt Hưng, trong đó có nhiều hộ đã "bán lúa non" lấy tiền... Vì vậy, việc hỗ trợ thêm kinh phí và nhà ở ( như yêu cầu hiện nay của người dân khu ao Thước thợ) là không có cơ sở...

Còn việc sử dụng đất sai mục đích, báo cáo của các ban, ngành TP cho rằng, việc cấp đất để XD trường mầm non Trung Liệt là do nhu cầu cấp bách về cơ sở giáo dục tại khu vực này và lãnh đạo TP đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch để xây dựng trường mầm non. Về bãi đỗ xe được tổ chức trên cơ sở cống hóa kênh mương, đảm bảo đủ mọi thủ tục pháp lý, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì dân khiếu kiện...

Sau khi nghe đại diện công dân phát biểu, ý kiến, các sở, ngành và đại diện UBND quận Đống Đa, Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh khẳng định, kiến nghị cấp cho mỗi hộ 1 căn nhà và một khoản kinh phí của các hộ dân là thiếu căn cứ pháp luật. Trong quá trình giải quyết chính sách liên quan đến thu hồi đất của các hộ dân, thành phố đã vận dụng chính sách, pháp luật để có lợi nhất cho người dân. 50 hộ dân cũng đã được hưởng chế độ chính sách là mỗi hộ được mua 1 căn hộ chung cư tại khu đô thị Việt Hưng với giá bằng giá nhà tái định cư. 37 hộ khác cũng đã được giải quyết quyền mua căn hộ thu nhập thấp tại Đặng Xá, nhưng chưa ai thực hiện thủ tục mua nhà. Phó chủ tịch cũng nêu rõ, kiến nghị được đền bù như đất hợp pháp đối với diện tích đất lấn chiếm (hoặc mua lại từ người lấn chiếm) của công dân cũng không có cơ sở pháp luật để giải quyết.

* Cùng ngày 14-3, tại trụ sở UBND quận Hà Đông, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh chủ trì cuộc đối thoại với người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Cuộc đối thoại nhằm mục đích nghe phản hồi của công dân về kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị mới nhất của các cơ quan chức năng, trước khi UBND thành phố bàn hành quyết định giải quyết cuối cùng về vụ khiếu nại liên quan đến thu hồi, GPMB tại phường Dương Nội.


Tại buổi đối thoại, bà Cấn Thị Thêu đại diện những người có đơn KNTC đã đưa ra nhiều lập luận, ý kiến và cho rằng kết luận 1078/KL-TTCP cuả Thanh tra Chính phủ nêu rõ việc UBND quận Hà Đông từ các khâu tổ chức họp dân, kiểm đếm tài sản trên đất, giải phóng mặt bằng, chi trả bồi thường và hỗ trợ… đã thể hiện tính minh bạch, dân chủ. Nhưng thực chất không phải như nêu ở trong kết luận, thực tế có rất nhiều hộ dân không được dự họp đầy đủ. Đến khi một số cán bộ các phòng, ban của quận và UBND phường giao quyết định thu hồi đất cũng như thông báo cưỡng chế đến tay mới hay biết sự việc. Bên cạnh đó, bà Thêu cũng có đề nghị mong UBND TP Hà Nội và UBND quận Hà Đông nghiên cứu, xem xét như: “Các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm đến đời sống của người dân phường Dương Nội trước và sau khi thu hồi đất, đồng thời tạo công việc cho các công dân đang ở độ tuổi lao đông chưa có việc làm. Xem xét lại việc hỗ trợ cho những hộ trồng cây đào có diện tích đã, đang bị thu hồi. Tạo điều kiện để những hộ dân vi phạm xây nhà trên đất nông nghiệp đang làm ăn ổn định ven trục đường 72 trên địa bàn phường được nhận phần đất hỗ trợ 60% tại các khu vực vi phạm đã làm nhà ở…”.

Trả lời câu hỏi bà Thêu đưa ra, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Lê Cường cho biết, trong 7 nội dung kiến nghị tại kết luận 1078/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ yêu cầu thực hiện, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đến nay đã thực hiện xong 4 nội dung như kiểm điểm 7 cán bộ, xử lý hình sự 2 đối tượng. Kiểm tra làm rõ tiến độ sử dụng đất của các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn phường Dương Nội. Tổ chức đối thoại trả lời những kiến nghị mới của công dân phường Dương Nội. Chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo, khó khăn bị thu hồi đất nông nghiệp. 3 nội dung còn lại gồm: Việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân; việc chi trả số tiền hỗ trợ diện tích đất chênh lệch tăng giữa thực tế so với GCNQSD đất; việc chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ và di chuyển mộ tại khu Giải Phướn. Các nội dung này, UBND quận đang tiếp tục thực hiện với tinh thần khẩn trương. Ngoài ra, UBND quận sẽ không thực hiện những yêu cầu khác ngoài kết luận thanh tra. Ông Cường khẳng định: “ Việc UBND quận triển khai thực hiện kết luận thanh tra đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng quy trình nhằm sớm giải quyết dứt điểm từng công việc và bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để thiệt thòi cho người dân để sớm ổn định ANTT”.

Sau khi nghe các sở, ngành liên quan và UBND quận Hà Đông báo cáo, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh chỉ đạo, đối với đoàn công dân do bà Dương Thị Khuê đại diện dù tự ý bỏ về, nhưng các cơ quan chức năng thành phố vẫn phải có trách nhiệm xem xét các nội dung kiến nghị của công dân. Đối với các kiến nghị của đoàn do bà Cấn Thị Thêu làm đại diện, Phó chủ tịch đã đề cập từng nội dung cụ thể. Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh giải đáp, kiến nghị giao lại 60% diện tích đất thu hồi của công dân là không có cơ sở pháp luật để thực hiện. Nghị định 84/CP của Chính phủ quy định, các hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được giao đất dịch vụ theo hạn mức của địa phương. Đối với đề nghị để lại 10% diện tích tại khu đô thị để công dân tự xây dựng, Phó chủ tịch khẳng định Nhà nước cũng không quy định, nên không thể thực hiện. Ông cũng không đồng ý với kiến nghị không xử lý các trường hợp xây dựng trái phép tại khu vực đường 72, vì vấn đề này phải căn cứ vào quy định pháp luật.

Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh giao UBND quận Hà Đông, UBND phường Dương Nội quan tâm rà soát để có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, đồng thời tiếp tục đề xuất, tìm giải pháp để chăm lo tới đời sống các hộ dân, chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với việc di chuyển mộ tại khu Giải Phướn, UBND quận, phường và tổ dân phố tiếp tục quan tâm để tuyên truyền, giải thích, đồng thời có biện pháp hỗ trợ phù hợp nhằm đạt sự đồng thuận với người dân. Phó chủ tịch đề nghị quận Hà Đông, phường Dương Nội và công dân liên quan phối hợp tốt thực hiện Kết luận 1078 của Thanh tra Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có cơ sở giải quyết khiếu nại về đất đai ở Dương Nội và ao Thước Thợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.