Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tình trạng mất cân bằng giới tính bằng 3.000 tỷ đồng: Phải có luận cứ rõ ràng!

Hải Hà| 18/03/2013 07:46

(HNM) - Ngay khi Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Dương Quốc Trọng cho biết đã đề xuất Chính phủ về khoản ngân sách 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020, trong đó có hỗ trợ tài chính cho gia đình sinh con một bề là gái, nhiều ý kiến đã lo ngại về tính khả thi của đề xuất này.


Chính sách không mới

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đang có tình trạng mất cân bằng giới tính (MCBGT) nghiêm trọng ở 2 nhóm tuổi: Ở lứa tuổi trên 60, cứ 1 cụ ông thì có tới 1,5 cụ bà; ở nhóm sơ sinh, năm 2012 vừa qua, 112,3 cháu trai mới sinh mới có 100 cháu gái. Thậm chí tại một số địa phương Đồng bằng sông Hồng, chỉ số này lên đến 130 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính còn tiếp tục gia tăng và đây là chỉ tiêu duy nhất trong số các nhiệm vụ của ngành y tế được Chính phủ giao thực hiện năm 2012 không đạt.

Dự báo, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng.



Theo dự báo, Việt Nam sẽ phải đối mặt tình trạng thừa nam giới nghiêm trọng trong thời gian tới. Bài học nhãn tiền của các nước láng giềng cho thấy, sự mất cân bằng này kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Bởi vậy, ở nhiều nước, các giải pháp hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh con một bề là gái đã được triển khai, điển hình là Trung Quốc. Quốc gia này hiện dư thừa 67 triệu nam giới và chính quyền đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực và lâu dài cho các gia đình sinh con gái như: Chính sách "một con rưỡi" đối với các gia đình ở nông thôn - nếu sinh con đầu là gái sẽ được sinh thêm 1 con, trong khi chính sách gia đình 1 con vẫn được quốc gia này triển khai quyết liệt; các gia đình sinh con gái khi cha mẹ già mà không có lương hưu hoặc sinh kế sẽ được hỗ trợ 300 tệ/tháng/người, tương đương 1 triệu đồng/tháng/người hay gia đình có 1 con gái cũng được chia nhà với diện tích tương đương cho 4 người ở.

Còn ở nước ta, theo ông Dương Quốc Trọng, tại một số địa phương các hoạt động tôn vinh gia đình thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ mà sinh con một bề là gái đã được triển khai. Ví dụ, Phú Yên tôn vinh các bà mẹ sinh con một bề là gái sản xuất kinh doanh giỏi; Thái Bình tặng các gia đình sinh con một bề là gái một chiếc quạt cây trị giá 1 triệu đồng nhân dịp tổng kết công tác dân số năm 2012. Tuy các hoạt động này đem lại kết quả tuyên truyền cao nhưng vẫn chỉ mang tính tôn vinh chứ chưa phải là chính sách hỗ trợ trực tiếp.

Những băn khoăn cũ

Những khảo sát gần đây cho thấy, gần 100% bà mẹ biết giới tính của con trước khi sinh, trong khi quy định hiện hành cấm thông báo giới tính trước sinh. Kết quả này chứng tỏ các quy định đã được ban hành và kể cả việc xử phạt… thời gian qua không có nhiều tác dụng trong một xã hội mà tư tưởng coi trọng con trai còn khá nặng nề như Việt Nam. Bởi vậy, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng cho rằng, trong số các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tuyên truyền, vận động được coi là giải pháp lâu dài, nhưng không mang lại hiệu quả ngay bằng giải pháp hỗ trợ tài chính.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề ở tầm quốc gia, đã có nhiều ý kiến lo ngại đề xuất này, sẽ làm tăng bất bình đẳng nam nữ, càng khoét sâu khoảng cách giới, làm thiệt thòi cho các gia đình "vô tình" sinh toàn con trai, hoặc khiến các gia đình sinh toàn con gái "tủi thân" hơn. Trong khi đó, với những người "khát" con trai, hoặc phải chịu áp lực sinh con trai, hỗ trợ về kinh tế không có nhiều ý nghĩa. Thống kê cũng cho thấy, những gia đình giàu có tỷ lệ sinh con trai nhiều hơn những gia đình nghèo. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, làm thế nào để xác định đâu là gia đình sinh con một bề là gái để hỗ trợ bởi có thể vài năm sau, thậm chí mươi năm nữa, họ lại sinh thêm con…

GS, TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, nêu ý kiến, để làm giảm tỷ số mất cân bằng giới tính ở Việt Nam, cần hoàn thiện cơ sở pháp luật liên quan đến vấn đề này. Đối với các gia đình không có con trai, cha mẹ khi về già được ưu tiên hưởng trợ cấp xã hội, ưu tiên sử dụng dịch vụ y tế, trại dưỡng lão.

Bởi còn không ít băn khoăn nên dù cho rằng đây là đề xuất có tính nhân văn nhưng ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương vẫn đặt vấn đề rằng, việc hỗ trợ cho gia đình sinh con một bề là gái phải có luận cứ rõ ràng, trả lời cho thấu đáo câu hỏi vì sao phải hỗ trợ và hỗ trợ như thế nào(?).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tình trạng mất cân bằng giới tính bằng 3.000 tỷ đồng: Phải có luận cứ rõ ràng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.