Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu quy định, doanh nghiệp liêu xiêu

Hà Tuấn| 20/03/2013 06:38

(HNM) - Từ các vụ tiêu hủy mũ bảo hiểm mới đây trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng mới phát hiện ra lỗ hổng lớn trong việc quy định cấp phép mẫu mã và đăng ký kiểu dáng công nghiệp riêng cho từng thương hiệu…

Việc không có quy định nào về KDCN đang gây nhiều thiệt thòi cho các doanh nghiệp.


Mới đây, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã buộc tiêu hủy 96 chiếc MBH vì cho rằng nhái thương hiệu MBH Nón Sơn (Công ty TNHH thời trang Nón Sơn, quận 3) tại cơ sở sản xuất Trí Liễu (phường 16, quận 8). Sau vụ việc, ông Đỗ Hữu Trí, chủ cơ sở sản xuất MBH Trí Liễu cho biết, trong quá trình sản xuất, ông đã không biết MBH mang thương hiệu Suport đã được Công ty Nón Sơn đăng ký độc quyền. Trước đó, loại MBH Suport của Trí Liễu đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, tuân thủ quyết định của cơ quan chức năng, cơ sở Trí Liễu đã ngừng sản xuất, thu hồi trên thị trường và tiêu hủy. Qua vụ việc, ông Trí cho rằng, việc không có bất cứ quy định nào của cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký KDCN, vô hình trung tạo thành cái "bẫy" khi doanh nghiệp MBH sản xuất, từ đó việc thiệt hại là không hề nhỏ. Ở Việt Nam chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp làm MBH, nhưng kiểu dáng hầu như hao hao giống nhau và dù làm đúng chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng không tránh khỏi việc "đụng" nhau về mẫu mã, có chăng chỉ khác cách trang trí và phụ họa.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tý (Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn) cho hay, trong vụ vi phạm KDCN của Nón Sơn, chính cơ sở sản xuất Trí Liễu đã chủ động báo là họ vi phạm kiểu dáng, nên ông Tý mới biết. "Qua đây cho thấy, các cơ quan chức năng chỉ bảo hộ kiểu dáng MBH, còn việc quy định rõ ràng về mẫu mã vẫn chưa có, điều này khiến cả doanh nghiệp chân chính cũng đau đầu trong việc sản xuất!" - ông Tý nói.

Không chỉ 2 doanh nghiệp trên, ông Hồ Lê Phong, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH sản xuất, thương mại nhựa Chí Thành (quận Bình Tân) cũng thẳng thắn cho rằng, hiện các cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật mà quên rằng đăng ký mẫu mã và KDCN cũng là vấn đề then chốt để tạo nên thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất MBH. Thực tế, trong các quy định cấp phép MBH cũng vậy, việc một nhà sản xuất đưa mẫu mã đến đăng ký lại không được chú ý, chỉ cần đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng trên sẽ được cấp tem CR và giấy chứng nhận hợp quy.

Theo phân tích của luật sư Nguyễn Tư Thúc, (Đoàn Luật sư TP - Giám đốc Công ty Luật sở hữu trí tuệ Thúc), với thực tế trên, kể cả doanh nghiệp chân chính cũng vô tình rơi vào cảnh "tình ngay mà lý gian" bởi dù có sản phẩm được chứng nhận hợp quy, nhưng nếu vi phạm về kiểu dáng đăng ký độc quyền (mà họ không hề biết vì thiếu quy định cụ thể) thì vẫn bị xử lý theo luật sở hữu trí tuệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu quy định, doanh nghiệp liêu xiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.