Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị

Bài và ảnh: Dạ Khánh| 29/03/2013 06:45

(HNM) - 5 năm trở lại đây, trước sự phát triển của các mạng di động, cùng với giá cước viễn thông liên tục giảm, điện thoại thẻ dần ít người sử dụng. Các bốt điện thoại thẻ trên nhiều tuyến phố đô thị đang ở trong tình trạng hoang phế.


Hàng loạt bốt điện thoại thẻ... "máy hỏng"

Khảo sát trên các tuyến phố: Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, phóng viên ghi nhận bốt điện thoại thẻ tại các khu vực trên đều ở tình trạng... mất liên lạc. Cụ thể, trên phố Bà Triệu, đoạn từ phố Nguyễn Du đến phố Hàng Khay có tổng cộng 5 bốt điện thoại thẻ thì cả 5 đều "chết máy". Các bốt điện thoại trước cửa Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội - 67 Bà Triệu và góc ngã ba Bà Triệu- Hàm Long, trước cửa Đài Tiếng nói Việt Nam có đầy đủ dây nối, ống nghe song màn hình đen xì, không hoạt động; còn bốt điện thoại trước Thư viện Hà Nội và góc ngã tư Bà Triệu - Hai Bà Trưng thì trên màn hình dán thông báo: "Máy hỏng - xin quý khách vui lòng đến máy khác". Tất cả các bốt điện thoại này đều ở tình trạng "bỏ hoang", lâu ngày không được bảo trì, cabin đầy bụi, nhem nhuốc, nhếch nhác; có bốt bị vỡ kính chắn; thậm chí bốt điện thoại trước Thư viện Hà Nội còn là nơi "trút bầu tâm sự" của người qua đường, bốc mùi xú uế và bị hoen gỉ.

Máy hỏng, bốt điện thoại mất hoàn toàn kính chắn và bị vẽ bậy. (góc ngã tư Trần Hưng Đạo - Hàng Bài).



Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, bốt điện thoại thẻ dày đặc hơn (16 bốt), và cũng ở trong tình trạng... "tắc tị". Thậm chí, các bốt điện thoại ngay bên cạnh và trước Bưu điện Hà Nội, cũng không thể liên lạc được. Cụ thể, trước cửa chính ra vào Bưu điện Hà Nội, chiếc bên trái mất tai nghe; còn chiếc bên phải màn hình vẫn hoạt động nhưng khi chúng tôi cắm thẻ điện thoại (còn 50.000 đồng trong tài khoản) để gọi thì nhận được yêu cầu: "Xin gác máy", đồng thời xuất hiện dòng chữ: "Chỉ gọi số khẩn cấp". Thử bấm các số điện thoại khẩn 114, 115 thì màn hình hiện dòng chữ: "Cuộc gọi bị cấm. Xin gác máy"...

"Bỏ thì thương, vương thì tội"?

Theo thống kê của Công ty Viễn thông (VNPT) Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng 1.300 bốt điện thoại công cộng. Song đơn vị này cũng chưa có con số thống kê chính thức số trạm bị hỏng. Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, đại diện của VNPT Hà Nội khẳng định: "Vẫn tiếp tục duy trì loại hình dịch vụ này với lý do VNPT là doanh nghiệp hướng tới cộng đồng và thực hiện công tác viễn thông công ích: phục vụ mọi nhu cầu tối thiểu của cộng đồng dân cư, đặc biệt chú trọng tạo điều kiện hỗ trợ những người nghèo, thu nhập thấp, giúp họ có cơ hội sử dụng các dịch vụ viễn thông, chia sẻ lợi ích với cộng đồng". Thế nhưng, trước khảo sát thực tế của phóng viên ở các tuyến phố chính và khu vực hồ Hoàn Kiếm thì dường như mục đích "phục vụ nhu cầu tối thiểu của cộng đồng dân cư" như chia sẻ ở trên của VNPT Hà Nội là không tốt. Không được đầu tư, nâng cấp hay có sự cải tiến, đổi mới, dịch vụ điện thoại thẻ đang ở trong tình trạng lay lắt. Hiện nay, nhiều bốt điện thoại bị chiếm dụng làm nơi để chứa đồ của các hàng quán gần đó, nhiều bốt điện thoại thẻ đã bị hoen gỉ, bục trần, vỡ kính, mất ống dẫn, tai nghe, rất nhếch nhác. Phải chăng loại hình thông tin điện thoại thẻ đang ở trong tình trạng "Bỏ thì thương mà vương thì tội..."?

Để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, thiết nghĩ đã đến lúc VNPT Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tìm ra hướng đi mới, đổi mới để loại hình dịch vụ thẻ có thể "sống" được. Ngược lại, nếu không thể duy trì hoạt động hiệu quả được nữa, thì nên sớm loại bỏ, tránh kéo dài tình trạng nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.