Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động về chất lượng cầu, đường

Hà Tuấn| 03/04/2013 07:30

(HNM) - Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều công trình cầu, đường trọng điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa mới khánh thành đã xảy ra lún, nứt. Điều lạ là khi xảy ra chuyện, nhiều cơ quan chức năng đổ lỗi cho xe tải, trong khi đó mục tiêu dự án không giới hạn trọng tải.


Chưa bàn giao đã lún

Đó là cây cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức. Cầu dài 570m, mặt cầu rộng 16m với 4 làn xe, không cho xe gắn máy lưu thông, ô tô không giới hạn tải trọng, có tuổi thọ 100 năm với vốn đầu tư 277 tỷ đồng do Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thi công theo hình thức chỉ định thầu. Đây là cây cầu vượt bằng thép đầu tiên của TP Hồ Chí Minh, với kỳ vọng làm tiền đề để thành phố đầu tư tiếp hàng loạt cầu khác tại Lăng Cha Cả (đang được thi công) và 3 nút giao thông trọng điểm, gồm: Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Tri Phương - 3/2 - Lý Thái Tổ và nút giao vòng xoay Cây Gõ.

Cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức vừa đưa vào sử dụng đã phải sửa chữa.


Nhưng thực tế ra sao? Ngày 10-7-2012 cầu thép tại ngã tư Thủ Đức được khởi công và ngày 27-1-2013 được thông xe. Nhưng chỉ 2 tháng sau, đoạn từ chân cầu tới đỉnh cầu (hướng từ thành phố ra cầu Đồng Nai), kéo dài khoảng 30-40m, lớp nhựa trên mặt cầu bị lún và trồi tạo thành các rãnh sâu từ 3-5cm. Đơn vị thi công đã buộc phải cào bóc toàn bộ lớp nhựa mặt cầu dày 7cm để thay bằng lớp nhựa đặc biệt.

Không chỉ cây cầu trên, đường Mai Chí Thọ (quận 2) cũng chẳng khá hơn khi quãng đường dài gần 1km (từ đoạn tiếp giáp với liên tỉnh lộ 25B kéo dài đến xa lộ Hà Nội) vừa xuất hiện hàng loạt các vết lún thành từng rãnh sâu khoảng 10cm đến 20cm. Tương tự, mặt cầu vượt Thủ Thiêm (quận Bình Thạnh), được thiết kế tuổi thọ 100 năm, nhưng tại chân nhánh cầu dẫn N1 (cầu dẫn từ cầu chính rẽ vào đường Nguyễn Hữu Cảnh về Tôn Đức Thắng), mặt cầu xuất hiện lún, nứt cục bộ. Hay như cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có phương án khắc phục…

"Đá bóng" cho xe tải

Liên quan đến cầu vượt bằng thép ngã tư Thủ Đức, tại văn bản mới đây, ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2 - Sở GTVT) cho biết, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long và tư vấn giám sát đã khảo sát và đi đến nhận định: Việc lún mặt bê tông nhựa trên cầu do lượng xe chở vượt tải và mật độ quá cao. Theo quy trình, tải trọng tối đa cho phép của các loại xe moóc kéo là 45 tấn. Trong khi, phần lớn xe loại này từ cảng Cát Lái qua cầu Thủ Đức có tổng tải trọng lên trên 80 tấn, vượt tiêu chuẩn thiết kế trên 1,7 lần.

Lý giải trên có phần mâu thuẫn với trả lời báo chí của ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh. Ông Cường cho rằng, do xe tải, container không tuân thủ quy định về khoảng cách qua cầu chứ cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức được thiết kế không giới hạn tải trọng. Tương tự đường Mai Chí Thọ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị thi công lại đưa ra điệp khúc "do xe tải nặng".

Trước nhận định của Khu 2 về sự cố cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức, Thạc sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đây là cách nói nhanh nhất để lấy sự đồng tình của những ai chưa qua trường lớp về cầu đường. Cách giải thích này cũng là một nguyên nhân làm xử lý sai hướng, vì xử lý quá nhiều lần nhưng hiện tượng trên vẫn cứ tiếp diễn".

Tương tự, ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP nhận định, cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức được thiết kế không giới hạn tải trọng. Như vậy, khi xây dựng, đơn vị thi công đã tính toán đến lưu lượng và tải trọng của các loại xe sẽ đi qua. Điều đáng nói, trong khi cầu vượt Thủ Đức bị lún mà nhiều cây cầu khác trên tuyến xa lộ Hà Nội lại không hề gì. Rõ ràng là chất lượng cầu, đường trên tuyến không đồng bộ và cần phải xem lại.

Mới đây, sau khi xảy ra các sự cố lún, nứt hàng loạt công trình, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã nêu ra hàng loạt thiếu sót của nhà thầu. Điều đáng bàn là khâu khảo sát, thiết kế và lập hồ sơ thiết kế, dự toán không phù hợp theo tiêu chuẩn, định mức đơn giá, chất lượng hồ sơ dự án thấp, sai sót số liệu nhiều, thiếu cập nhật quy hoạch.

Theo Thạc sĩ Phạm Sanh, việc triển khai quá nhiều dự án lớn trong lúc chưa chuẩn bị đào tạo hoặc trang bị lại các kiến thức cơ bản về tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến thiếu nguồn nhân lực có năng lực để kiểm soát chất lượng là điều cần cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động về chất lượng cầu, đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.