Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên loại bỏ chính sách khó khả thi từ khâu dự thảo

Minh Bắc| 03/04/2013 09:39

(HNMO) - Lâu nay khi thực hiện chính sách ta thường gặp tình trạng bị phản ứng từ dư luận xã hội vì sự bất hợp lý, sai trái hoặc không có tính khả thi. Vì thế, rất cần có cơ chế loại bỏ những chính sách dạng này ngay từ khâu dự thảo.



Ảnh minh họa (nguồn: docbao.vn)



Chính sách có thể được thể hiện qua luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thậm chí cả các quy định, kiến nghị liên quan. Trong thời gian gần đây dư luận thỉnh thoảng lại “ồn ào” với những nghị định, thông tư, kiến nghị, quy định của các cơ quan chức năng hay cá nhân những vấn đề liên quan đến đất đai, giao thông, giáo dục, y tế, văn hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự... bởi những nghị định, thông tư, quy định, kiến nghị mới ra đời hoặc đang nằm trong dự thảo lấy ý kiến này đã bị phản đối từ nhiều phía vì không sát với thực tế cuộc sống. Điều này đang đặt ra vấn đề chất lượng của các loại văn bản này cũng như cơ chế thực hiện nó.

Điển hình như Thông tư 04 ngày 21/2/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT mới ra đời đã buộc phải sửa ngay do sai sót vì đưa ra quy định không được phát tán thông tin bằng chứng vi phạm quy chế thi cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Dư luận cũng đã kịp thời chỉ ra điều này là trái với Luật Khiếu nại, tố cáo mà Luật này đã ghi rõ công dân có quyền tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền, không có chuyện bắt buộc vi phạm ngành nào chỉ được tố cáo đến cơ quan quản lý ngành đó. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định Luật Khiếu nại, tố cáo cho phép người dân phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật có quyền tố cáo với cơ quan có thẩm quyền bất kỳ lúc nào, chứ không giới hạn thời gian như trong Thông tư 04 của Bộ GD-ĐT. Ngay sau đó, ngày 1/3/2013, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT kèm theo Thông tư 04 và Bộ GD-ĐT đã bãi bỏ quy định người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất cứ hình thức nào trong vòng 7 ngày, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng. Kèm theo đó, Bộ GD-ĐT cũng rút lại quy định xử lý kỷ luật với hình thức huỷ kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm, đối với người cung cấp thông tin không đúng quy định ở Thông tư 04 nói trên.

Hay chuyện xử phạt xe không chính chủ của Bộ GTVT cũng là một ví dụ về tính không khả thi như đã đưa ra trong dự thảo. Tất nhiên, quy định xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được khẳng định trong luật hiện hành, các nghị định đã ban hành trước đây như Nghị định 15, Nghị định 34, Nghị định 71. Khi dư luận bàn tán râm ran làm thế nào mà phạt được ngay xe không chính chủ khi mà chưa thể chứng minh được rõ ràng cụ thể để phạt. Mà quy trình xác minh này là của người thực thi công vụ chứ không phải của người sử dụng phương tiện. Một dẫn chứng về tính không khả thi khi thi hành là: Người tham gia giao thông mượn xe vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, họ nộp phạt để lấy xe đi ngay, nhưng người thực thi công vụ chưa chứng minh được phương tiện đã chuyển chủ hay chưa chuyển chủ và tiếp tục giữ lại để phạt là rất vô lý và gây phiền hà rắc rối cho người dân. Do không có tính khả thi nên quy định xử phạt xe không chính chủ vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) công bố tạm rút khỏi dự thảo Nghị định (lần 2) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng những văn bản pháp luật một cách đồng bộ, khi xét thấy việc xử phạt có tính khả thi cao, khi hệ thống văn bản hướng dẫn được đầy đủ thì mới đề nghị bổ sung vào Nghị định 71 hoặc đưa vào văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp hơn, công khai và minh bạch hơn.

Và cách đây không lâu, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đã có văn bản đề xuất lên Chính phủ và các Bộ, ngành về việc đánh thuế thu nhập tiền lãi đối với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng. Mong muốn của đề xuất là chuyển dòng tiền này đi vào sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay để giúp nền kinh tế Việt Nam đang sa sút được phục hồi. Ông Chủ tịch HoREA lấy dẫn chứng ở các nước không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm mà yêu cầu người dân lập doanh nghiệp làm ăn để tạo thu nhập. Do vây, thay vì gửi ngân hàng lấy lãi, cần huy động toàn bộ nguồn lực làm giàu cho đất nước, cho gia đình, cá nhân. Nếu không đưa tiền vào sản xuất mà cứ gửi ở ngân hàng sẽ làm cho nền kinh tế càng khó khăn hơn… Đây là một đề xuất về chính sách nhưng thực ra lại là một kiến nghị lập pháp vì Luật Thuế thu nhập đã quy định lãi tiền gửi tiết kiệm không phải chịu thuế thu nhập.

Rồi một loạt các quy định như cấm hút thuốc nơi công cộng, không nghe điện thoại tại các trạm bán xăng dầu, nuôi chó, mèo phải đăng ký… đang ở dạng để làm cảnh vì thực hiện cũng được mà không cũng chẳng thấy ai phạt hay nhắc nhở…

Có thể thấy rằng khi soạn thảo các thông tư, nghị định dù ở dạng dự thảo lấy ý kiến mà nặng về chủ quan duy ý chí, thiếu tầm nhìn, không khả thi, đều gây nên những bức xúc trong xã hội. Do vậy để tăng cái uy của các văn bản này thì trước hết cần phải chú ý ngay từ khâu dự thảo, muốn vậy các công chức ngoài sự mẫn cán, tâm huyết còn phải có một trình độ nhất định. Ngoài ra, phải tuân thủ quy trình công bố dự thảo trước một thời gian đủ dài để lấy ý kiến của nhân dân. Qua đó, các cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá tác động của chính sách trong thực tế trước khi ban hành nhằm hạn chế thấp nhất các sơ sót xảy ra. Tất nhiên khi lắng nghe ý kiến phản biện của nhân dân thì cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc trao đổi, nghiên cứu chính sửa để sớm đưa chính sách vào thực hiện tránh tình trạng ngâm quá lâu hay “quên”, còn các quy định thì phải tuyên truyền rộng rãi và phải có cơ chế thực thi giám sát…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên loại bỏ chính sách khó khả thi từ khâu dự thảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.