Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ dân vận phải bám sát đời sống

Quốc Bình| 04/04/2013 06:23

(HNM) - Thực hiện hướng dẫn của Ban Dân vận TƯ, mô hình tổ dân vận ở khu dân cư, tổ dân phố đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn Hà Nội. Tinh thần triển khai hết sức khẩn trương và thực tế nhằm đưa công tác dân vận ngày càng bám sát với đời sống.


Chọn những người uy tín

Ông Trần Văn Liêm, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên cho biết, đến thời điểm này, toàn quận đã thành lập xong 320 tổ dân vận. Long Biên có lợi thế là đã thống nhất được cách tổ chức tổ dân phố trên toàn quận, nghĩa là không còn mô hình khu dân cư hay chuyện hai tổ dân phố một chi bộ. Mô hình tổ chức nhân sự tổ dân vận ở đây là từ 7 đến 15 người. Trong đó, cơ cấu bí thư chi bộ là tổ trưởng, hai tổ phó là tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận. Các thành viên là trưởng các đoàn thể, cảnh sát khu vực và mời thêm một số công dân có uy tín.

Nhờ làm tốt công tác hòa giải, khu dân cư Trường Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên nhiều năm liền đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa. Ảnh: Bảo Kha



Theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong, quận đã thành lập xong 181 tổ dân vận của khu dân cư. Mỗi khu dân cư của quận có một chi bộ và 3-5 tổ dân phố, nên cơ cấu tổ dân vận gồm bí thư chi bộ làm tổ trưởng, một tổ phó là trưởng ban công tác mặt trận, không có tổ phó là tổ trưởng tổ dân phố.

Mặc dù cách tổ chức của mỗi quận, huyện có phần khác nhau, nhưng mục tiêu, cách lựa chọn người tham gia tổ dân vận là giống nhau. Đó là những người có uy tín trong cộng đồng. Có nơi mời trưởng họ, cán bộ hay đảng viên về hưu, có nơi như quận Long Biên mời cả giáo viên tham gia. Trong khi đó, huyện Phú Xuyên lại mời các vị chức sắc tôn giáo vào tổ dân vận. Điều này xuất phát từ thực tế thành công của nhiều cuộc vận động, mới nhất là vận động áp dụng hình thức hỏa táng. Nhân việc một vị chức sắc Phật giáo có người thân mất đã chọn hình thức hỏa táng, Ban Dân vận của huyện đã nhờ vị này viết bài nói rõ lý do lựa chọn hỏa táng. Bài viết được phát trên hệ thống truyền thanh của huyện, tuyên truyền rộng khắp xuống từng xóm làng. Hiệu quả của việc dùng người có uy tín làm dân vận thấy rõ: Chỉ 3 tháng đầu năm, toàn huyện đã có 54 trường hợp hỏa táng, bằng một nửa của cả năm 2012.

Số người có uy tín trong cộng đồng tham gia các tổ dân vận là khá lớn. Ví dụ như thị xã Sơn Tây đã mời được 216 người có uy tín tham gia các tổ dân vận cơ sở. Đây có thể coi là điểm nhấn, là sức mạnh mới của công tác dân vận ở cơ sở.

Người thực, việc thực

Trong quá trình thành lập tổ dân vận, có nhiều ý kiến thắc mắc tại sao đã có ban công tác mặt trận làm nhiệm vụ vận động, nay lại thành lập thêm tổ dân vận, liệu có bị chồng chéo? Lại có ý kiến cho rằng, vẫn là những người đó (ý nói là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận..), do đó không thành lập tổ thì vẫn phải làm công tác dân vận. Hiện nay nhiều nơi vẫn lúng túng trước những câu hỏi như vậy.

Tuy nhiên, hầu hết quận, huyện đều đã đả thông tư tưởng. "Đây là một tổ chức phối hợp, là sự khẳng định lại nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ đảng trong vận động nhân dân" - Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên Trần Văn Liêm cho biết. Thực tế trong công tác giải phóng mặt bằng, có những trường hợp là đảng viên, cán bộ không chấp hành. Khi lãnh đạo giao cho ban công tác mặt trận vận động không có hiệu quả. Nhưng với mô hình tổ dân vận, trực tiếp là bí thư chi bộ làm tổ trưởng thì chắc chắn có tác động tích cực hơn.

Vấn đề tài chính cho hoạt động của tổ dân vận đang là đề tài thảo luận sôi nổi tại nhiều địa phương. Có nơi xây dựng định mức hoạt động cho mỗi tổ dân vận là 5 triệu đồng/năm. Có nơi chỉ dừng ở mức 2 triệu đồng. Số tiền đó chưa thể là động lực để các tổ dân vận hoạt động, mà chỉ mang tính khích lệ. Đáng chú ý là một số địa phương xây dựng định mức căn cứ vào nội dung, chương trình công tác của tổ dân vận. Nghĩa là có việc mới chi kinh phí, mức kinh phí gắn liền với hiệu quả công tác. Một số quận, huyện đã khẩn trương xây dựng quy chế hoạt động của các tổ dân vận, làm cơ sở giúp các tổ dân vận hoạt động quy củ, chặt chẽ và thực chất.

Mô hình tổ dân vận trước khi được thành lập ở Hà Nội và nhiều địa phương khác đã được thí điểm và kiểm chứng về hiệu quả tại 21 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với hàng nghìn tổ dân vận bám sát tận cơ sở, có thể nói, ngành dân vận nói riêng và hệ thống chính trị thành phố nói chung đã được bổ sung sức mạnh mới để làm công tác vận động quần chúng. Điều này càng trở nên có ý nghĩa ở Hà Nội, nơi công tác vận động quần chúng là nhu cầu thường xuyên, trong nhiều trường hợp là cấp bách để giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận. Vấn đề giờ đây phụ thuộc vào sự chu đáo, tích cực trong chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy địa phương, sự giám sát, hỗ trợ từ các cơ quan thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ dân vận phải bám sát đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.