Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi hành án dân sự: Cần sự vào cuộc quyết liệt

Hà Phong| 06/04/2013 06:47

(HNM) - Theo Nghị quyết 37/2012/QH13 của Quốc hội, năm 2013, tỷ lệ hoàn thành thi hành án dân sự (THADS) phải đạt trên 88% về số vụ, trên 77% về số tiền trong tổng số án có điều kiện thi hành. Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, để hoàn thành chỉ tiêu trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ chấp hành viên khi thi hành án.


Giải pháp đột phá

Giải pháp Bộ Tư pháp xác định mang tính đột phá trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về THADS năm 2013 là giao chỉ tiêu cho Tổng cục THADS, tiếp đó Tổng cục giao nhiệm vụ chi tiết cho các cục. Cục giao lượng việc cụ thể cho mỗi chi cục và từng chấp hành viên, đánh giá hiệu quả công việc hằng tuần. Qua 3 tháng đầu năm, có thể thấy đây là cách đốc thúc sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ làm công tác THA khá hiệu quả. Mặc dù trong quý I-2013 số thụ lý mới tới trên 140 nghìn việc, với số tiền trên 12.000 tỷ đồng, nhưng THADS địa phương đã có nhiều sáng tạo, cùng toàn ngành phấn đấu giải quyết hầu hết các vụ việc nổi cộm. Đáng chú ý nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có lượng án rất lớn đã thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ từ nơi ít đến nơi nhiều án, từ đơn vị mạnh chi viện cho các đơn vị yếu đã mang lại những kết quả tích cực. Với quân số khá đồng đều ở mỗi địa bàn, Hưng Yên, Hải Phòng, Lai Châu, Quảng Trị đã chọn giải pháp phát động các chiến dịch cao điểm giải quyết án tồn đọng. Do đó lượng án phải thi hành giảm dần ngay từ những tháng đầu năm.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thi hành án, đòi hỏi đội ngũ chấp hành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảm thông và chia sẻ với người dân



Cùng với việc giao chỉ tiêu đến từng đơn vị, công tác xây dựng thể chế cũng được ngành tư pháp xác định là một trong những công cụ quan trọng để giảm mạnh lượng án phải thi hành. Thông tin mới nhất, sắp tới, bên phải THA là doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định, không có mặt ở nơi cư trú đã quá 5 năm mà cơ quan THA không xác định được địa chỉ mới sẽ được xét miễn THA (chỉ áp dụng đối với các trường hợp cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng vẫn không thể thi hành được). Đây là nội dung của dự thảo Nghị quyết về việc miễn THA đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước đang được Bộ Tư pháp xây dựng, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây. Đề xuất này xuất phát từ tình trạng hiện nay, toàn quốc vẫn còn gần 230.000 việc THADS, tương ứng với số tiền gần 30.000 tỷ đồng, chưa được thi hành dứt điểm. Trong số đó, không ít việc không thuộc phạm vi được miễn theo Nghị quyết 24 và cơ quan THA đã dùng mọi biện pháp thi hành nhưng không có kết quả. Theo tính toán của Bộ Tư pháp, nếu thực hiện miễn cho các đối tượng nêu trên tương đương với 17.000 việc, tương ứng 209 tỷ đồng, là cách Nhà nước chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời sẽ tiết kiệm được hàng nghìn ngày công lao động. Còn hiện nay, dù án không thể thi hành nhưng theo luật, định kỳ cơ quan THA vẫn phải tốn công tiến hành xác minh.

Cần nhưng chưa đủ

Ai cũng hiểu cái lợi trước mắt từ đề xuất mang tính đột phá trên. Nhưng từ diễn biến xét xử vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng trong thời gian này cho thấy, các giải pháp trên cần nhưng chưa đủ. Để lượng án phải thi hành giảm vững chắc và tránh tối đa tình trạng người phải THA không tâm phục khẩu phục, cần nhất là chấp hành viên phải nắm chắc kiến thức pháp luật, không được vô cảm khi thi hành công vụ.

Căn cứ Bản án số 01/2010/HCST ngày 27-1-2010 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng và các văn bản liên quan, Chi cục THADS huyện Tiên Lãng đã phối hợp với các cơ quan chức năng thi hành phần quyết định hành chính trong bản án hành chính. Sau đó, anh em Đoàn Văn Vươn đã chống trả cơ quan chức năng quyết liệt. Súng đã nổ. Nhiều người tham gia cưỡng chế bị thương. Trong trường hợp này, giá như cơ quan THA địa phương nghiên cứu kỹ đối tượng phải THA, để phát hiện ra những điểm chưa rõ, gây khó khăn cho việc THA thì có lẽ vụ việc sẽ không xảy ra.

Công tác THA đang đứng trước nhiều khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ này, cùng với hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, đòi hỏi đội ngũ chấp hành viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và cả sự cảm thông, chia sẻ với người dân. Chỉ khi cán bộ có bản lĩnh nghề nghiệp, không vô cảm trước cuộc sống người dân, mới có thể nắm được tâm tư, nguyện vọng, thông suốt về tư tưởng cho họ. Có như vậy đội ngũ làm công tác THA sẽ giúp người dân bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng "tự nguyện THA trên giấy", đồng thời hạn chế tối đa những xung đột có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi hành án dân sự: Cần sự vào cuộc quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.