Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần hạn chế xe quá tải

Tuấn Lương| 06/04/2013 07:54

(HNM) - Sắp tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) sẽ phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thí điểm sử dụng trạm cân lưu động để kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ (QL) 5 và QL10. Trong điều kiện đầu tư xây dựng trạm cân cố định còn nhiều khó khăn, trạm cân lưu động sẽ góp phần hạn chế tình trạng xe quá tải phá nát đường bộ.


Hạ tầng giao thông tan nát

Những năm gần gây, việc gia tăng lưu lượng xe tải, đặc biệt là xe tải trọng lớn, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hạ tầng giao thông bị hư hỏng, xuống cấp nhanh và gây mất an toàn giao thông. Theo Tổng cục ĐBVN, kết quả một khảo sát cho thấy chỉ riêng trên QL5, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 xe quá tải hoạt động, có xe quá tải tới 200% so với quy định. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tuyến QL khác.

Sử dụng trạm cân lưu động sẽ giảm bớt tình trạng xe quá tải trên quốc lộ 5 và quốc lộ 10.



Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Lê Đình Thọ cho biết, xe quá khổ, quá tải đã làm nát nhiều tuyến đường chỉ trong một thời gian ngắn. Có những con đường đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng bị hỏng chỉ trong vòng 2 tháng bởi xe quá tải. Các lực lượng chức năng đã cố gắng kiểm soát nhưng chưa hiệu quả. Chính quyền nhiều địa phương còn chưa vào cuộc ngăn chặn tình trạng này với lý do làm mạnh sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương, gây thất thu ngân sách. Để khắc phục tình trạng này, các đơn vị quản lý cầu đường đã nhiều lần đầu tư kinh phí lớn để nâng cấp, sửa chữa, đồng thời, cắm biển hạn chế tải trọng xe. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế.

Hiện, cả nước có 29 trạm cân xe cố định. Tuy nhiên, chỉ có 2 trạm ở Đồng Nai trên QL1 và ở Quảng Ninh trên QL18 áp dụng công nghệ hiện đại. 27 trạm còn lại, trang thiết bị lạc hậu nên việc kiểm tra, phát hiện xe quá tải mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ngay cả với 2 trạm cân hiện đại cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Đã có nhiều vụ tiêu cực bị phát hiện, lập biên bản, thậm chí, đã có nhân viên trạm Dầu Giây (Đồng Nai) vướng vòng lao lý vì dính dáng đến tiêu cực.

Gia tăng tiêu cực?

Tháng 10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư dự kiến gần 6.500 tỷ đồng. Theo đó, sẽ có 45 trạm cân cố định với công nghệ hiện đại được xây dựng. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các trạm cân này còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và cần nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục giao đất, xây dựng hệ thống nhà cân, kho dỡ tải... Trong khi đó, các trạm cân lưu động có thể triển khai được ngay mà không ảnh hưởng đến giao thông liên tuyến; thay thế mạng lưới trạm cân cố định mà không tốn kém chi phí xây dựng nhà trạm, chi phí tổ chức bộ máy vận hành; có khả năng di dời địa điểm lắp đặt với chi phí thấp, thời gian lắp đặt chỉ 1-2 giờ, độ chính xác cao... Việc này càng trở nên cấp thiết vì gần đây đã xuất hiện tình trạng xe quá tải đi vòng qua các tỉnh lộ để tránh kiểm tra, kiểm soát tại các trạm cân cố định.

Đầu năm 2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo giai đoạn năm 2013-2015, lập dự án đầu tư, xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe trên 7 tuyến QL, trang bị 67 bộ cân lưu động cho 63 sở GTVT và 4 khu Quản lý đường bộ. Hiện nay, Tổng cục ĐBVN đang lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cân lưu động với yêu cầu thiết bị phải hiện đại, gọn nhẹ, hiệu quả. Trước mắt, từ đầu tháng 4-2013 sẽ thí điểm sử dụng các trạm cân lưu động để kiểm soát tải trọng xe trên QL5 và QL10, sau đó sẽ nhân rộng.

Trước việc Tổng cục ĐBVN thí điểm sử dụng trạm cân lưu động để kiểm soát tải trọng xe, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải đã bày tỏ sự đồng tình bởi xe quá tải, thường là của tư nhân, "quen thói chạy bừa, chạy ẩu", còn các doanh nghiệp lớn đều hoạt động khá quy củ. Song cũng có nhiều ý kiến băn khoăn rằng kiểm tra, xử phạt lưu động liệu có nghiêm minh hay lại góp phần gia tăng tiêu cực? Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN khẳng định, trạm cân lưu động thuộc thế hệ mới nhất ở Châu Âu đã được triển khai ở 104 nước. Việc kiểm soát kết quả chủ yếu là do máy móc, hạn chế tới mức thấp nhất sự can thiệp của con người để tránh tiêu cực. Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ tăng cường tuyên truyền, kiểm soát hoạt động của nhân viên các trạm cân. Đối với lo ngại của doanh nghiệp về việc dỡ tải sau kiểm tra sẽ gây ùn tắc giao thông và gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Tổng cục ĐBVN cho biết sẽ nghiên cứu, tìm các địa điểm dỡ tải gần vị trí đặt trạm cân và tổ chức dịch vụ dỡ tải có quy định về giá. Tuy nhiên, để xử lý nghiêm tình trạng xe quá khổ, quá tải, qua đó bảo vệ có hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông đường bộ, mấu chốt nhất vẫn là phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần hạn chế xe quá tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.