Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp lực trong quản lý cư trú

Bài, ảnh: Minh Luân| 24/04/2013 07:21

(HNM) - Với số lượng dân nhập cư ngày càng đông, cộng thêm áp lực tăng dân số tự nhiên quá


Theo kết quả khảo sát tình hình thực hiện Luật Cư trú của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh, trong 3 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú (từ 1-1-2010 đến 31-12-2012), tại một số quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu xuất hiện tình trạng "quá tải" và bất cập.

Dân nhập cư ngày càng đông đã đặt ra nhiều áp lực trong công tác quản lý cư trú đối với thành phố.



Điển hình, quận Bình Thạnh có trên 111.300 nhân khẩu tạm trú nhưng đến nay, công an quận mới chỉ giải quyết cư trú cho trên 1.390 hộ, với gần 4.000 nhân khẩu. Trong tổng số nhân khẩu chưa được giải quyết, theo Trung tá Phan Văn Chung, Phó Trưởng công an quận Bình Thạnh, số trường hợp không khai báo tạm trú, bỏ đi không khai báo tạm vắng, chuyển đi chưa được giải quyết đăng ký hộ khẩu (theo quy định phải nhập lại nơi ở cũ, nhưng không nhập lại) lên tới hàng nghìn trường hợp. Thậm chí, công an quận còn phát hiện có hơn 1.000 trường hợp đã qua đời, nhưng gia đình chưa thông báo tới chính quyền để xóa nhân khẩu…

Theo phản ánh của các quận, huyện, không ít trường hợp người dân có hộ khẩu thường trú một nơi nhưng cư ngụ nơi khác khiến cảnh sát khu vực rất khó quản lý. Nhiều người dân từ các địa phương khác vào cư trú tại thành phố nhưng chưa đến khai báo với chính quyền sở tại về đăng ký tạm trú, tạm vắng, dẫn đến nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm một cách đáng tiếc. Điển hình là tại Bình Thạnh, công an quận kiểm tra 9.730 lượt, đã phát hiện tới 2.123 trường hợp vi phạm.

Không chỉ cơ quan quản lý gặp nhiều trở ngại mà người dân cũng khổ sở. Không ít trường hợp người tạm trú có người nhà ở quê lên chơi nhưng chưa kịp đăng ký tạm trú thì công an phường đã tới kiểm tra và xử phạt hàng triệu đồng, gấp nhiều lần so với chi phí nhà trọ.

Nhiều bất cập


Một cảnh sát khu vực tại quận Tân Phú thừa nhận, Luật Cư trú cho đến nay đã qua một số lần sửa đổi, nhưng thực tế vẫn chưa khắc phục được những "hạt sạn" đã dẫn tới thực trạng trên. Đơn cử, trong quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương, Luật Cư trú quy định: "Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc trung ương và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên" thì mới được đăng ký thường trú (Khoản 1, Điều 20). Theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, hiện nay nhiều người dân, nhất là những gia đình khó khăn phải ở trọ nhiều năm, làm ăn tích cóp mới mua được một căn nhà đứng tên mình sở hữu. "Với quy định của luật hiện hành, không lẽ họ phải tiếp tục "tạm trú" trong căn nhà của chính mình thêm một năm nữa mới đủ điều kiện đăng ký tạm trú hay sao?", ông Chính đặt vấn đề.

Cũng theo phản ánh của các ĐBQH thành phố, Luật Cư trú hiện hành quy định, người dân không được đăng ký thường trú nhà ở tại khu vực đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều dự án "treo" trong một thời gian quá lâu lại là nguyên nhân khiến việc đăng ký thường trú của người dân gặp khó khăn. Trong khi đó, dự án "treo" thì lại không phải lỗi của dân.

Theo ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TP, thời gian qua Đoàn ĐBQH thành phố đã nhiều lần xuống cơ sở giám sát nhưng cũng chưa có câu trả lời thấu đáo cho một loạt vấn đề, như: Làm sao vừa bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, vừa hỗ trợ chính quyền quản lý chặt chẽ được hoạt động cư trú, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; người dân chuyển đến nơi ở mới, có cần thủ tục xin tạm vắng không?...

Thượng tá Hồ Văn Ngóng, Phó Trưởng công an quận Bình Tân cho rằng, nếu người dân đã tạm trú liên tục tại thành phố từ một năm trở lên, nay có nhà ở do mình đứng tên chủ sở hữu và hiện đang thực tế cư trú tại nơi ở đó thì cần được giải quyết đăng ký thường trú ngay, không nhất thiết phải tạm trú liên tục một năm như quy định hiện hành.

Ông Huỳnh Thành Lập cũng cho rằng, trong khi chờ Luật Cư trú (sửa đổi, bổ sung) được Quốc hội thông qua thì các quận, huyện trong khả năng và quyền hạn của mình, cái nào gỡ được cho dân thì gỡ, nhất định không được đẩy phần khó về cho dân. Đặc biệt, các thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện Luật Cư trú cần giảm bớt phiền hà cho dân, trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân thực hiện một cách thuận lợi về yêu cầu giải quyết đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực trong quản lý cư trú

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.