Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đê điều - vi phạm nhiều, xử lý được bao nhiêu?

Chí Kiên| 06/05/2013 06:09

(HNM) - Mùa mưa bão năm 2013 đã bắt đầu, song tình trạng vi phạm Luật Đê điều và phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn phổ biến và ngày càng trầm trọng.

Hầu hết các tuyến đê đều bị xâm hại, làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều và thoát lũ. Tình trạng vi phạm này ngày càng gia tăng trong khi việc xử lý thiếu kiên quyết nên đã xảy ra nhiều vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thời gian xử lý kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Đổ phế thải lên thân đê là tình trạng vi phạm rất phổ biến tại Hà Nội. Ảnh: Đỗ Chí


Kiểm điểm lại công tác PCLB năm 2012, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội Lưu Văn Hải đã đưa ra con số đáng lo ngại: Mặc dù lũ cao nhất trên các hệ thống sông chính, đặc biệt là sông Hồng chưa đạt đến báo động I nhưng đã xảy ra 28 sự cố về đê khá nghiêm trọng trên sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Đáy, sông Tích. Các sự cố xảy ra chủ yếu là sạt lở bờ sông, sạt lở mái đê... đã ảnh hưởng đến an toàn đê điều, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Tình hình trên xuất phát từ nguyên nhân quan trọng là các vụ vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi diễn ra phổ biến và phức tạp. "Việc xử lý còn chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp. Công tác quản lý trật tự xây dựng ở một số địa phương ven đê còn lỏng lẻo; việc tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật về đê điều và PCLB chưa được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, các cấp chính quyền còn thiếu kiên quyết, thậm chí né tránh trong việc xử lý vi phạm dẫn đến kết quả thấp, tính răn đe, giáo dục không cao, tình trạng tái vi phạm vẫn còn diễn ra"- ông Lưu Văn Hải cho hay.

Theo thống kê của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, thành phố còn tồn đọng khoảng trên 1.000 vụ vi phạm Luật Đê điều chưa được xử lý. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 49 vụ vi phạm nhưng số vụ được xử lý của cơ quan chức năng đạt rất thấp. Tại thời điểm này, nhiều vụ vi phạm có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn đê điều vẫn ngang nhiên diễn ra. Đó là tình trạng hút cát ngày đêm với khối lượng lớn trên địa bàn huyện Thường Tín của Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Hoàng Gia và Công ty TNHH Hoàng Hàm...; trồng cây, đổ phế thải lên mái đê địa bàn các phường Phú Thượng, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Yên Phụ thuộc quận Tây Hồ; trường hợp tiếp tục vi phạm của chùa Yên Dục tại Km0+450 và ông Đỗ Đình Sáng tại Km0+650 đê hữu sông Đáy, thuộc địa bàn xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ. Tại thôn Đại Gia, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên một số người dân còn tự ý dùng máy xúc múc đất, san gạt mái đê đổ bê tông làm dốc lên xuống đê hữu Hồng. Tình trạng "nhờn luật" cũng xảy ra ở Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ sản xuất Chiến Thắng. Năm 2012, công ty này đã xây dựng mới 9 lò gạch ở bãi sông và đốt gạch trên 5 lò cũ tại khu vực K19+150 đê tả Đuống, huyện Gia Lâm nhưng chưa được xử lý. Đến nay, đơn vị này tiếp tục vi phạm, đào ao ở bãi sông Đuống dài 100m, rộng 35m, sâu trung bình 3m khi chưa có thỏa thuận với Sở NN&PTNT.

Đáng lo ngại nhất là qua kiểm tra 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) của cơ quan chức năng chỉ có 17/200 bãi được cấp phép, chiếm 8,5%. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất ven sông làm bãi chứa VLXD đối với 34 tổ chức, cá nhân tại các huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, TX Sơn Tây và quận Long Biên, Hoàng Mai đã phát hiện 19 bãi (chiếm hơn một nửa số bãi được kiểm tra) chứa khoảng 161.000m3 cát đen không rõ nguồn gốc. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều hợp đồng cho thuê đất trái phép bị hủy nhưng một số tổ chức, cá nhân ở các xã thuộc huyện Thường Tín, Phúc Thọ vẫn sử dụng đất làm bãi chứa. Quá trình khai thác, tập kết VLXD, các doanh nghiệp, cá nhân bất chấp quy định, vẫn chất cát sỏi cao như núi, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của kè, bờ sông. Bên cạnh đó, nạn "cát tặc" đang hoành hành dữ dội dọc sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu (địa phận Hà Nội) ngày càng phức tạp. Theo thống kê có tới 13/18 khu vực khai thác không phép và sai phép.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Đê điều và PCLB Hà Nội, ngoài thực hiện các giải pháp thường xuyên, thành phố sẽ thành lập đoàn công tác làm việc với một số tỉnh liên quan để phối hợp ngăn chặn, xử lý tình trạng hút cát trái phép trên một số tuyến sông; thành lập các tổ công tác tuần tra kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác cát không phép; kiên quyết giải tỏa các bến bãi kinh doanh vật liệu cản trở thoát lũ và các hành vi vi phạm khác. Ông Thịnh cũng đề nghị thành phố xây dựng Quy hoạch bến bãi khai thác, bốc xếp, trung chuyển vật liệu trên các tuyến sông; UBND TP chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương nghiên cứu tham mưu đề xuất thành lập khu vực tạm giữ tàu, thuyền, phương tiện hút cát trái phép trên sông để xử lý theo quy định. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an TP, Sở NN&PTNT thống nhất biện pháp ngăn chặn xe quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đê kết hợp giao thông... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đê điều - vi phạm nhiều, xử lý được bao nhiêu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.