Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một số quy định cần cụ thể hơn

Thúy - Hằng| 06/05/2013 06:37

(HNM) - Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản ngày càng gia tăng

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn tuần tra bảo vệ rừng.Ảnh: Thái Hiền



Ông Võ Hùng Anh (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức): Câu chữ cần chặt chẽ hơn

Điều 14 Dự thảo quy định hành vi vi phạm (HVVP) các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng, trong đó tại Khoản 1 ghi các hành vi như: Mang dụng cụ thủ công, cơ giới vào rừng để săn bắt động vật; săn bắt động vật trong mùa sinh sản; sử dụng phương pháp, công cụ săn bắt bị cấm; săn bắt động vật rừng ở những nơi có quy định cấm săn bắt; nuôi, trồng, thả trái phép vào rừng đặc dụng các loài động vật, thực vật không có nguồn gốc bản địa… sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi băn khoăn vì không hiểu những hành vi này có phụ thuộc vào hậu quả xảy ra không và nếu chỉ cần có hành vi mà chưa có hậu quả thì có bị xử lý? Quy định như trong dự thảo còn chưa rõ, nếu căn cứ vào câu chữ có thể vẫn còn cách hiểu không đồng nhất. Tôi đề nghị, những hành vi nào cần hay không cần phải có hậu quả xảy ra mới quy kết được vi phạm thì nên nói rõ ngay trong điều luật đó.

Ông Phan Văn Toàn (phường Mai Động, Hoàng Mai): Cần bổ sung hình thức, mức xử phạt đối với HVVP của đơn vị quản lý, bảo vệ rừng

Những năm gần đây, không ít diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn cả nước bị đơn vị được giao quản lý, bảo vệ tiếp tay cho tổ chức, cá nhân tàn phá, hủy hoại. Đơn cử như ở Hà Nội, hơn 2.000ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ Sóc Sơn bị tàn phá nặng nề. Do buông lỏng quản lý, thậm chí một số cán bộ địa phương tiếp tay cho vi phạm nên không ít hộ dân đã ngang nhiên biến đất rừng thành đất ở, nhà hàng kinh doanh, khu du lịch sinh thái… Tuy nhiên, trong Dự thảo chưa thấy đề cập đến hình thức và mức xử phạt đối với HVVP của đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng để xảy ra vi phạm, mà chỉ thấy xử phạt đối với hành vi khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp… Vì vậy, nên bổ sung hình thức, mức xử phạt đối với HVVP của đơn vị quản lý, bảo vệ rừng vào dự thảo.

Bà Vũ Thị Huyền (phường Khương Đình, Thanh Xuân): Có nhất thiết việc cho thuê, mượn phương tiện phải bằng văn bản?

Điều 2 "về một số thuật ngữ được sử dụng trong Nghị định" ghi: "Việc cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện phải được giao kết bằng văn bản giữa chủ sở hữu hợp pháp và người được thuê, được mượn theo quy định của pháp luật trước khi HVVP xảy ra. Bản giao kết phải ghi rõ nội dung sử dụng phương tiện cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển và trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phương tiện bị tạm giữ, người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật phải xuất trình văn bản giao kết đó cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc", tôi cho là chưa khái quát hết các tình huống xảy ra trên thực tiễn. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể và trong thực tế việc thuê, mượn phương tiện vẫn có thể bằng lời nói hoặc bằng hành vi. Nếu Dự thảo quy định việc thuê, mượn… phải bằng văn bản thì những trường hợp giao kết không bằng văn bản sẽ xử lý thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hà (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì): Địa phương để các tổ chức, cá nhân quảng cáo về động vật rừng cũng phải bị xử lý

Để xử lý hành vi quảng cáo kinh doanh về động, thực vật rừng, tại khoản 2, Điều 14 của Dự thảo quy định: Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng nếu vi phạm quảng cáo kinh doanh về thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, người có HVVP còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Theo tôi, mức phạt đối với HVVP này còn thấp, chưa đủ tính răn đe. Theo tôi, Dự thảo cần nâng mức phạt lên 3 - 5 triệu đồng đối với mỗi HVVP, thậm chí cao hơn. Hơn nữa, chưa thấy Dự thảo quy định mức xử phạt đối với địa phương (chính quyền sở tại) buông lỏng quản lý, để các tổ chức, cá nhân ngang nhiên quảng cáo kinh doanh các loại động, thực vật rừng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức, mức xử phạt đối với địa phương để xảy ra tình trạng quảng cáo kinh doanh về động vật rừng bừa bãi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số quy định cần cụ thể hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.