Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cầu vượt và một “nén tâm hương”...

Long Hà| 07/05/2013 05:53

(HNM) - Đến giờ phút này có thể khẳng định, quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội về cách giải quyết đối với nút giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa là khá rõ ràng và hợp lý.

Điều này được thể hiện rất rõ qua Thông báo kết luận cuộc họp ngày 25-4 của Chủ tịch UBND thành phố, cũng như Công văn số 1146- CV/VPTU của Văn phòng Thành ủy Hà Nội (được sự ủy quyền của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị) ngày 2-5, trong đó khẳng định cách làm hết sức "trọn lý, vẹn tình" trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Cầu vượt sẽ giải quyết tình trạng xung đột giao thông tại khu vực Ô Chợ Dừa. Ảnh: Thái Hiền


Mặc dù sức ép về giao thông ở khu vực này hết sức lớn và cho đến lúc này đã có không dưới 5 phương án được các cơ quan chức năng đề xuất, song xác định đây là công việc cần phải được xem xét trên cơ sở có đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, nên thành phố vẫn chưa "chốt" một phương án nào. Ngược lại, theo dự kiến, hàng loạt công việc sẽ còn được tiếp tục tiến hành như: Tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các tổ chức, hiệp hội, các nhà khoa học, các nhà sử học, văn hóa; xin ý kiến của cộng đồng dân cư tại khu vực này; xin ý kiến thỏa thuận của các bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Xây dựng... Sau khi chọn được phương án tối ưu xây dựng cầu vượt phù hợp quy hoạch, bảo đảm yêu cầu về kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, giao thông, bảo tồn di tích tại khu vực Xã Đàn, thì quy hoạch và thiết kế sẽ được công bố công khai trước khi triển khai xây dựng theo quy định.

Thời gian vừa qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng, đã có nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, văn hóa và đông đảo các tầng lớp nhân dân trình bày quan điểm khác nhau của mình về việc cải tạo, chỉnh trang nút giao thông đặc biệt này. Tuy các ý kiến đều rất tâm huyết, thậm chí có những ý kiến rất quyết liệt, song hầu hết lại chưa làm rõ được những câu trả lời cần thiết về "lối ra" cho vấn đề này. Cụ thể ở đây là hai câu hỏi rất quan trọng: Đàn Xã Tắc có quy mô, hình hài ra sao, với điều kiện hiện nay thì nên bảo tồn như thế nào? Nên làm thế nào để vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa lịch sử đã phát lộ mà vẫn bảo đảm được việc cải tạo cho thông thoáng nút giao thông này?

Chính vì chưa có được lời giải đáp thỏa đáng cho hai câu hỏi mang tính "điểm nút" này, nên vấn đề xây dựng cây cầu vượt qua đây - đã vội bị "chụp" cho những cái "mũ" hết sức nhầm lẫn: nào là làm như vậy thì sẽ "phá nát" trung tâm của đàn Xã Tắc; nào là xây cầu vượt thì giống như "con cháu dám trèo cả lên đầu tổ tiên"?! Thậm chí có ý kiến còn đề nghị phải giải phóng mặt bằng khu dân cư xung quanh rộng hơn để khảo cổ kỹ hơn rồi... phục dựng lại đàn Xã Tắc, biến đây thành một khu du lịch (!).

Đã có nhiều bài báo phân tích về các nhận định này. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn bàn tới một giải pháp cho xử lý vấn đề này.

Trước hết cần phải khẳng định rằng việc xây dựng và hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 1 trong đó có nút giao thông Ô Chợ Dừa là có đầy đủ cơ sở pháp lý, là công việc mang tính cấp bách mà thành phố phải triển khai thực hiện theo đúng các quy hoạch đã được Trung ương phê duyệt.

Công việc này tiến hành là nhằm đáp ứng nhu cầu về giao thông và phải đáp ứng yêu cầu về kiến trúc cũng như cảnh quan đô thị xung quanh. Quá trình triển khai công việc phải bảo đảm bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa theo quy định của Luật Di sản. Và cuối cùng là phải bảo đảm lợi ích của người dân sống tại khu vực xung quanh.

Trong sơ đồ tổ chức giao thông, tuyến đường Vành đai 1 đã quan trọng. Tuyến đường Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng cũng là một trục giao thông huyết mạch của thành phố. Bởi thế, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 9-7-2008) quy định, nút giao thông này phải ở dạng lập thể - có nghĩa là các tuyến đường qua đây phải "khác mức" với nhau. Muốn khác mức - thì chỉ có hai cách: Hoặc hầm chui, hoặc làm cầu vượt. Làm hầm chui ở đây, thì tương tự như làm hầm chui Kim Liên - Đại Cồ Việt, đều phải đào sâu trên 15m, rồi đổ bê tông từ dưới lên. Như vậy, rõ ràng giải pháp làm hầm chui sẽ thật sự "tàn phá" mạnh mẽ các dấu tích văn hóa lịch sử ở đây.

Không làm hầm chui, thì nghiêng về phương án cầu vượt là hợp lý và cùng đồng nghĩa là giải pháp duy nhất. Vì thế, điều đáng bàn là nên làm cầu vượt thế nào, theo hướng nào, chứ không thể "bàn lùi" là không làm gì!

Nhưng làm cầu vượt thì "vướng" băn khoăn là liệu các trụ cầu đi qua đây có xâm hại tới vùng lõi (!?) của di tích. Điều này có ảnh hưởng hay ảnh hưởng tới đâu?

Trả lời phỏng vấn Báo Vietnamnet ngày 29-4, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ), Trưởng đoàn khảo sát di tích này năm 2006 khẳng định, phần đảo giao thông chỉ có một phần là khu trung tâm của vùng di tích đã phát lộ và ông cũng khẳng định, không nên phục dựng lại toàn bộ đàn Xã Tắc. Như vậy, việc nghiên cứu để xây dựng một cầu vượt ở đây là hoàn toàn hợp lý.

Vậy thì làm cầu vượt theo trục giao thông Xã Đàn - Hoàng Cầu là phù hợp cả về giải quyết nhu cầu giao thông, cũng như bảo tồn các giá trị di tích. Để có thêm phương án so sánh, căn cứ cơ sở hạ tầng hiện có của tuyến đường Xã Đàn, ngoài phương án cầu vượt đơn, nên nghiên cứu thêm phương án xây cầu vượt trên cao với hai nhánh đi rẽ đôi "ôm" lấy đảo giao thông. Như vậy, sẽ thuận tiện hơn trong việc xử lý với các giá trị của di tích đã phát lộ, cũng như tạo yếu tố cảnh quan đô thị hài hòa hơn.

Đồng thời, để giải quyết yếu tố tôn trọng lịch sử tốt hơn, có thể nghiên cứu xây dựng ở đây một biểu tượng mới cho di tích đàn Xã Tắc thay cho viên đá tạm thời hiện nay. Biểu tượng này có thể là một trụ cao hoặc một công trình có chiều cao vượt lên phía trên cầu vượt - có ý nghĩa vừa là một dấu mốc, song cũng là một công trình văn hóa.

Ở Thủ đô một số quốc gia trong khu vực đã có những công trình mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh sâu sắc. Đơn cử như tháp Monas ở thủ đô Jakarta (Indonesia) là một trụ đá cao 137m, trên cùng là một ngọn lửa được mạ vàng, tượng trưng cho khát vọng độc lập tự do đời đời ở đất nước này. Tham khảo công trình này, với phương án xây dựng cầu vượt chia làm hai nhánh ỏ nút giao thông Ô Chợ Dừa, chúng ta cũng có thể nghiên cứu thiết kế, xây dựng một cột tháp bằng đá (hoặc ốp đá) "đặt" tại khoảng trống giữa hai nhánh cầu vượt. Khi đó trụ đá này sẽ giống như một “nén tâm hương” mà thế hệ hôm nay thể hiện tấm lòng luôn thành kính tưởng nhớ tổ tiên đã xây dựng non sông gấm vóc, nhưng cũng giống như một lời nguyện cầu, một khát vọng cho Thủ đô, đất nước mãi thanh bình, giàu đẹp. Hoặc cũng có thể tổ chức thi thiết kế để có được một công trình tương tự ghi dấu trang trọng vị trí của đàn Xã Tắc tại khoảng không gian giữa hai nhánh cầu vượt này, mà ý nghĩa sâu xa của công trình chùa Một Cột là một ví dụ hoàn toàn có thể tham khảo.

Hy vọng là tới đây khi nghiên cứu các giải pháp cụ thể trong bối cảnh xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa, ý tưởng này của chúng tôi sẽ được các nhà kiến trúc, quy hoạch quan tâm, tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một cầu vượt và một “nén tâm hương”...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.