Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chi hàng nghìn tỷ đồng chống ngập, vẫn… ngập

Hà Tuấn| 08/05/2013 06:43

(HNM) - Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP) vừa có vài trận mưa đầu mùa tuy không lớn nhưng đã gây ngập úng trên nhiều tuyến đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.

Hồ Chí Minh (TP) vừa có vài trận mưa đầu mùa tuy không lớn nhưng đã gây ngập úng trên nhiều tuyến đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. Điều đáng nói, TP đã bỏ hàng tỷ đồng đầu tư xây mới nhiều công trình nhưng ngập vẫn hoàn ngập. 

Những trận mưa đầu mùa đã gây ngập úng nhiều khu vực trên địa bàn thành phố.


Những ngày đầu tháng 5 này, cảnh người dân TP lội, tát nước trong nhà hay cảnh từng đoàn xe máy phải dắt bộ… lại tiếp diễn dù những cơn mưa đầu mùa chỉ có tính chất "giải nhiệt". Hàng loạt khu vực của TP đã ngập úng như khu Bàu Cát (quận Tân Bình) chỉ 15 phút sau mưa, nước tràn vào các nhà dân, hàng quán; các tuyến đường An Dương Vương, Tân Hòa Đông (quận 6), Tân Hóa (quận 11), Lũy Bán Bích (Tân Phú), Hồ Ngọc Lãm (Bình Tân) và Âu Cơ (Tân Bình), nước ngập sâu đến gần 50cm khiến người đi đường phải bì bõm dắt xe chết máy.

Điều đáng nói, TP đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho các dự án cải tạo và xây dựng các dự án chống ngập nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Cụ thể, theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, hàng loạt công trình như dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chống ngập cho các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình); dự án Cải thiện môi trường nước (chống ngập cho quận 1, 3, 5, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh), đã hoàn thành trục chính nhưng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước hiện hữu nên không phát huy hiệu quả. Ngoài ra, trong thi công một số dự án trên, đơn vị chức năng thiếu biện pháp dẫn dòng, gây bít dòng chảy, cửa xả, làm sụp tuyến cống hiện hữu và thay thế tuyến cống có tiết diện nhỏ đã làm phát sinh các điểm mới, gây ngập nghiêm trọng trong khu vực thi công.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP), hệ thống cống hiện hữu ở TP chưa đủ dung tích chứa nước, khi xảy ra mưa lớn đã vượt tần suất thiết kế. Hiện TP có khoảng 75 hầm ga, cửa xả đang bị lấn chiếm, làm cho công tác nạo vét, duy tu bị hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước đô thị cho rằng, những bất cập từ các dự án chống ngập có nhiều nguyên nhân. Ngoài chuyện khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, vốn là một trở ngại. Đơn cử, dự án "Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm" do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư, có thời gian thi công từ tháng 12-2012 và đến giữa tháng 4-2013 hoàn thành. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn thi công ì ạch bởi giải phóng mặt bằng cũng như nguồn vốn khó khăn. Mặt khác, nhiều công trình chống ngập, thoát nước chỉ được TP bố trí khoảng 20% đến 30% tổng vốn khiến các dự án chậm trễ. Đó là trong quá trình thi công, nhiều dự án thoát nước đã vướng nhiều công trình ngầm. Thậm chí, có dự án không có hồ sơ và bản vẽ các công trình ngầm như thoát nước, điện thoại, điện lực, viễn thông… Nhiều chuyên gia cho rằng TP phải mạnh tay xử lý các đơn vị thi công, chủ dự án sai phạm, "cởi trói" các thủ tục để thu hút vốn đầu tư cho các dự án tiêu thoát nước và xây dựng cơ sở hạ tầng và kịch bản ứng cứu với tình trạng ngập lụt, biến đổi khí hậu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi hàng nghìn tỷ đồng chống ngập, vẫn… ngập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.