Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thiết thực và tăng tính khả thi

Minh Thúy| 10/05/2013 07:13

(HNM) - Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Bộ Y tế soạn thảo bao gồm khá nhiều các nhóm hành vi VPHC về khám bệnh, chữa bệnh; về thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; về phòng, chống tác hại của thuốc lá; về dân số... đang thu hút sự chú ý của người dân.

Ảnh minh họa



Chị Phạm Hồng Nhung, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Cầu Giấy): Quy định chưa sát với thực tiễn

Khoản 2, Điều 18 của Dự thảo quy định "Phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bàn ghế nơi dạy học có kích thước không phù hợp với tầm vóc học sinh; không đủ ánh sáng thiên nhiên hoặc nhân tạo trong lớp học; không bảo đảm tiêu chuẩn diện tích theo một học sinh; không đủ nước uống, nước rửa hoặc hố xí hợp vệ sinh cho học sinh theo quy định". Tôi cho rằng với điều kiện này nhiều trường học ở ngoại thành Hà Nội còn chưa đạt được, nói gì đến các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Quy định này là đúng nhưng chưa phù hợp với thời điểm hiện nay khi áp dụng cho toàn quốc. Do vậy, điều khoản này chỉ nên đưa vào quy định riêng cho từng tỉnh, thành phố ở những nơi có đủ điều kiện để thực thi; còn khi chưa thể bảo đảm thực hiện ở mọi vùng, miền thì nên cân nhắc.

Ông Bùi Văn, phường Phú La (Hà Đông): Nên thay chữ "hành nghề"

Từ "hành nghề" theo cách hiểu thông thường là làm một công việc phải tiến hành hằng ngày để sinh sống, có nghĩa đây là cả quá trình hoạt động lâu dài. Tuy nhiên, tại điểm d, Khoản 1, Điều 25 quy định với hành vi "sử dụng rượu, bia, thuốc lá trong khi đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Để cho sát nghĩa và có cách hiểu chính xác, theo tôi nên thay từ "đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" bằng "đang khám bệnh, chữa bệnh". Bên cạnh đó, tôi thấy băn khoăn vì nếu người khám, chữa bệnh không uống rượu, bia khi đang khám nhưng ngay trước đó uống rượu, bia... thì có vi phạm không? Để kín kẽ, nên quy định thêm: Nếu người đang khám, chữa bệnh mà trong người có nồng độ cồn làm ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh (phải có mức quy định cụ thể) sẽ bị xử lý VPHC.

Bà Hoàng Thị Hoa, phố Hàng Cháo (Đống Đa): Xử phạt đơn vị cấp thẻ trước

Trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay đều dành diện tích nhất định để dán ảnh của người được cấp thẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người có thẻ đều không phải dán ảnh, do vậy mới xảy ra hiện tượng cho mượn thẻ. Để ngăn chặn hành vi này, Điều 72 của Dự thảo quy định hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tùy mức độ. Theo tôi, việc để xảy ra vi phạm này lỗi trước tiên phải do chính cơ quan cấp thẻ BHYT vì đã không làm đúng, đầy đủ các nội dung trong thẻ nên mới tạo kẽ hở để người dân làm sai.

Chị Lâm Huyền Thu, phố Quan Nhân, phường Trung Hòa (Cầu Giấy): Hình thức xử phạt bổ sung cần nghiêm khắc hơn

Điều 98 quy định hành vi bói toán, bắt mạch, xét nghiệm, siêu âm... để chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi là VPHC. Quy định như vậy là cần thiết song rất khó xử lý trong thực tiễn vì đó là những việc mang lại lợi ích cho cả hai bên nên không dễ có bằng chứng để quy kết. Do đó, với những hành vi như vậy cần xử lý mạnh tay, nhưng ngoài việc phạt tiền, Dự thảo chỉ đưa ra hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh từ 1 đến 6 tháng hay tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh từ 3 tháng đến 12 tháng (tùy mức độ vi phạm)... Nên chăng, hình phạt bổ sung này cần kéo dài thời gian đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh và thời gian tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề để tăng tính răn đe. Tương tự, hình thức xử phạt bổ sung khi có hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi (Điều 99), hành vi loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính (Điều 100)... cũng cần có mức phạt nghiêm khắc hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết thực và tăng tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.