Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình nào phù hợp?

Đức Trung| 10/06/2013 06:57

(HNM) - Đi đầu là Hà Nội trong việc đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về quận, huyện quản lý mới là mô hình đem lại hiệu quả cao.


Ông Lương Thế Khanh (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết, thời gian đầu triển khai thực hiện Thông tư 05, phần lớn các tỉnh, thành đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ trong việc thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh. Chỉ có Hà Nội, Quảng Trị và Gia Lai lựa chọn mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Đến nay, thực tế tại Hà Nội đã chứng minh, mô hình này có nhiều ưu việt.

Cộng tác viên dân số xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) trao đổi kế hoạch công tác tuyên truyền sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Bảo Lâm



Công tác DS-KHHGĐ không đơn thuần là cung cấp các dịch vụ y tế mà còn mang đặc thù xã hội sâu sắc. Bởi thế, nó cần có sự thống nhất chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, có sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Điều này có được khi Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc cấp huyện. Chịu trách nhiệm về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn, các phó chủ tịch phụ trách văn xã của 29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều có nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của hoạt động này trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhận thức đó đã trở thành những việc làm cụ thể. Đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đã ban hành Nghị quyết của HĐND, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân số. Ngoài việc hỗ trợ khoảng 76 tỷ đồng/năm cho các cộng tác viên DS-KHHGĐ bằng ngân sách của thành phố, các quận, huyện đều dành riêng ngân sách cho công tác dân số trên địa bàn. Nhờ đó mà trong hai năm 2011 và 2012, khi kinh phí chương trình mục tiêu của trung ương cấp muộn, nhưng cấp huyện đã có nguồn đối ứng trước, do vậy bảo đảm được tiến độ cũng như các mục tiêu đề ra. Ngoài kinh phí cho các hoạt động thường xuyên, mỗi quận, huyện, thị xã đều đầu tư hơn 100 triệu đồng/năm cho các hoạt động cao điểm của Ngày Dân số Thế giới (11-7), Ngày Dân số Việt Nam (26-12), chiến dịch lồng ghép truyền thông với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ…

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết, hiện nay, cả 29 giám đốc Trung tâm đều là Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ của địa phương. Do đó, các tham mưu về công tác dân số của đội ngũ này khi được UBND quận, huyện phê duyệt đều được các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện một cách nhanh chóng, đồng bộ. Tương tự ở cấp xã, phường, thị trấn cán bộ chuyên trách (là viên chức dân số của trung tâm) trực tiếp tham mưu đề xuất với Đảng ủy, UBND, Ban Dân số xã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động về dân số trên địa bàn; huy động và phân công các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác truyền thông, vận động ở các thôn xóm, hội, đoàn thể phụ trách…

Đến mô hình cho toàn quốc

Từ bài học kinh nghiệm của Hà Nội và một số địa phương triển khai mô hình này ngay từ thời điểm sáp nhập công tác DS-KHHGĐ vào ngành y tế cũng như quá trình chuyển đổi trung tâm DS-KHHGĐ từ chi cục về quận, huyện ở một số tỉnh, thì có đến 61% phó chủ tịch tỉnh, huyện và 58% lãnh đạo chi cục/trung tâm DS-KHHGĐ ủng hộ mô hình này.

Bên cạnh sự đồng thuận của cả nơi "giao" là cơ quan DS-KHHGĐ và nơi nhận là UBND quận, huyện, thì theo phân tích của ông Lương Thế Khanh, việc chuyển đổi mô hình rất thuận lợi vì không gây xáo trộn về tổ chức, cán bộ, không làm "phình" thêm biên chế và kinh phí. Thực chất của việc chuyển đổi này chỉ là chuyển đổi cơ quan quản lý mà không làm ảnh hưởng tới chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, con người. Ở tuyến xã, theo Thông tư 05, cán bộ DS-KHHGĐ được biên chế về trạm y tế và được hưởng lương sự nghiệp y tế nhưng quá trình này diễn ra rất chậm. Tuy đây là "mơ ước" của những người làm công tác DS-KHHGĐ nhưng hiện mới chỉ có trên 40% tổng số xã trên toàn quốc hoàn thành được việc tuyển dụng viên chức chuyên trách công tác DS-KHHGĐ. Tại những nơi này, tình trạng "loại cựu chiến binh, tuyển tân binh" không phải là hiếm, trong khi người làm công tác này rất cần phải có uy tín trong cộng đồng, có kỹ năng truyền thông tốt, có tiếng nói với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã.

Ông Lương Thế Khanh cũng cho rằng, do hiện nay vẫn còn gần 50% số xã trên cả nước vẫn đang để cán bộ DS-KHHGĐ làm việc tại xã, trên 90% cán bộ DS-KHHGĐ xã vẫn giữ vai trò quan trọng trong Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ xã và hiện vẫn do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện ký hợp đồng và trả lương, cán bộ DS-KHHGĐ nếu được chuyển trở lại làm việc tại UBND xã sẽ không gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục công việc của mình.

Mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở thời kỳ nào cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của công tác dân số. Mô hình mà Hà Nội đang triển khai thành công và Tổng cục DS-KHHGĐ đang kiến nghị sửa đổi chính là cách làm hay, tập trung được sức mạnh của cả cộng đồng để công tác DS-KHHGĐ đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình nào phù hợp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.