Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Vũ Thủy| 17/07/2013 06:46

(HNM) - Sáu tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh có hơn 2.600 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó 80% xây dựng không phép.



Đặc biệt, tình trạng vi phạm gia tăng ngay khi có Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29-3-2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng, theo đó thanh tra ngành xây dựng chỉ còn ở cấp bộ và sở, dẫn đến tình trạng chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, lực lượng thanh tra của thành phố "không với tới".

Xây nhà không phép trên đất ruộng tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.


Có sự bao che?

Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn cho biết, trước khi Nghị định 26 có hiệu lực (từ ngày 1-1 đến 15-5), trên địa bàn thành phố có 1.117 trường hợp vi phạm, trong đó xây dựng không phép là 816 (73%), còn lại là xây dựng trái phép. Sau khi chấm dứt hoạt động của thanh tra xây dựng các quận, huyện, phường, xã, thị trấn theo Nghị định 26 của Chính phủ, số hộ vi phạm trật tự xây dựng tăng vọt. Chỉ trong 45 ngày (từ ngày 15-5 đến 30-6) có 1.509 trường hợp vi phạm, trong đó xây dựng không phép chiếm gần 89%, đa số ở ngoại thành. Đặc biệt, huyện Bình Chánh có hơn 600 căn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thuộc các xã Vĩnh Lộc, Bình Hưng A, Bình Hưng B… Đáng lo ngại nhất đối với chính quyền địa phương và ngành thanh tra xây dựng là các căn nhà xây dựng không phép đều được gắn đồng hồ điện, nước, số nhà…

Nguyên nhân làm gia tăng việc xây dựng không phép, trái phép là do lực lượng thanh tra xây dựng mỏng (kiện toàn theo Nghị định 26 của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh giảm từ gần 3.000 người xuống còn 1.060 người). Bên cạnh đó, trình độ, năng lực thực thi công vụ của lực lượng thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra xây dựng không đồng đều; nhiều trường hợp phải đào tạo, tập huấn lại. Thêm nữa, cũng có một số thanh tra xây dựng sao nhãng, lơ là trong công việc và cũng không loại trừ có tiêu cực, bao che của cả cán bộ địa phương và lực lượng thanh tra xây dựng.

Thực trạng quản lý đô thị lỏng lẻo của chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh khiến dư luận bức xúc. Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII, nhiều đại biểu băn khoăn, tại sao Sở Xây dựng để người dân xây lên cao tầng rồi mới xử lý mà không xử lý ngay từ khi bắt đầu xây? Phương án xử lý như thế nào đối với những căn nhà xây trái phép ở địa phương nhưng vẫn được cấp điện, nước, số nhà? Liệu có sự bao che của cán bộ địa phương và thanh tra?

Biện pháp mạnh để xử lý

Trả lời các câu hỏi của đại biểu HĐND về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ông Trần Trọng Tuấn khẳng định "Sai phạm tới đâu, xử lý tới đó". Thanh tra Sở Xây dựng thành phố đã có giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép như cắt điện, nước, số nhà; phối hợp với ngành công an không giải quyết thường trú, tạm trú cho những hộ thuộc diện này; không cấp giấy đăng ký kinh doanh và các loại giấy phép tương đương cho các cá nhân, tổ chức đăng ký hoạt động tại công trình xây dựng không phép, sai phép…

Về giải quyết tình hình vi phạm gia tăng ồ ạt trong trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh, UBND TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác đặc biệt gồm: Sở Xây dựng, UBND huyện Bình Chánh, Thanh tra TP, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, tổ công tác sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp, thực hiện cưỡng chế những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh theo quy định; xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm 681 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng trước ngày 15-8. Trước mắt, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo huyện Bình Chánh thực hiện việc tháo dỡ ngay các công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp khi mới phát hiện nhằm ngăn chặn tình trạng đối phó, đưa người vào ở. Đối với các đối tượng là "đầu nậu", người sử dụng đất có vi phạm, cần lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định. UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Bí thư Huyện ủy Bình Chánh chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm bí thư các xã, thị trấn để xảy ra tình trạng nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho biết, thành phố đã yêu cầu các ngành chức năng trong quá trình thực hiện, cần tổ chức tuyên truyền và giải thích để nhân dân hiểu rõ việc xử lý này là xử lý đối với các đối tượng cố tình vi phạm xây dựng, vi phạm pháp luật, chứ không phải cưỡng chế nhà dân. Tới đây, UBND thành phố cũng thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp quản lý địa bàn để xảy ra vi phạm nhằm bảo đảm kỷ cương pháp luật. Đối với địa bàn có quy hoạch "treo" gây khó khăn cho người dân, thành phố sẽ đồng ý cấp phép cho người dân xây nhà ở khi dự án chưa thực hiện, nếu sau 5 năm mới thực hiện dự án thì người dân sẽ được đền bù. Đây cũng là một chủ trương mới nhằm tạo điều kiện ổn định cho người dân, tuy nhiên trường hợp lợi dụng chính sách này để mua đất của người dân trục lợi sẽ xử lý nghiêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.