Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch để giảm bất bình đẳng

Lâm Vũ| 24/08/2013 07:44

(HNM) - Bộ Nội vụ dùng máy tính; huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bỏ thi vấn đáp chuyển sang thi viết để tuyển công chức… và nhiều biện pháp khác đang được áp dụng ở nhiều nơi để hạn chế tiêu cực...

Bởi có một thực tế người ta vẫn rỉ tai nhau là phải hối lộ hay có mối quan hệ thân quen mới có thể kiếm được việc làm như giáo viên, bác sĩ và trở thành công chức. Đây cũng là một trong những vấn đề được nêu trong Báo cáo Đánh giá nghèo năm 2012 của Ngân hàng Thế giới với nhận định khái quát: Trong 5 năm gần đây, tình trạng bất bình đẳng ở Việt Nam đang gia tăng, trong đó có sự bất bình đẳng về "vị thế, tiếng nói và mối quan hệ".

Được làm việc tại một bệnh viên lớn là mơ ước xa vời đối với nhiều bác sĩ trẻ.
Ảnh: Khánh Nguyên



Bất bình đẳng từ việc nhỏ đến việc lớn

Nghiên cứu chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2012 cho thấy, 29% số người được phỏng vấn đồng ý là cần phải hối lộ mới có thể vào làm việc ở khu vực công và gần 50% số người trả lời tin rằng các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng trong việc được vào làm ở khu vực nhà nước. Tình trạng lạm dụng vị thế, chức quyền và các mối quan hệ để tìm việc làm trong khu vực nhà nước đang diễn ra phổ biến và gây thất vọng lớn cho giới trẻ, đặc biệt là những người đã đầu tư đáng kể vào việc học hành ở trình độ cao. Một người dân xã Cẩm Hưng, thành phố Hải Dương cho biết: "Ở quê tôi, có một số thanh niên phải lao động chân tay dù đã học xong đại học vì gia đình không có 50-70 triệu đồng để "chạy" chân thư ký hành chính. Trong khi đó có người học hành chả ra làm sao vẫn có việc làm trong cơ quan nhà nước".

Có một giai đoạn trước đây, khi quá trình chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp diễn ra ồ ạt, người có vị thế chức quyền, quan hệ, thông tin kiếm lời rất nhiều từ đầu cơ đất đai. Họ mua đất khi giá còn thấp và bán với giá cao hơn rất nhiều. Bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ công cũng là một mối lo ngại, bởi có sự khác biệt trong đối xử với những người có địa vị xã hội và người bình thường. Bất bình đẳng diễn ra ở nhiều loại hình dịch vụ công khác nhau, từ các thủ tục hành chính nơi công quyền cho tới chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, giá trị của đồng tiền đã lấn át các giá trị đạo đức truyền thống.

Minh bạch là quan trọng nhất

Theo PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), vị thế, tiếng nói và mối quan hệ liên quan đến vốn xã hội. Ai cũng có vốn xã hội nhưng mức độ, quy mô, tính chất khác nhau. Vốn xã hội của mỗi con người không tự nhiên mà có. Nó được tạo nên từ việc tiếp thu nền giáo dục, rèn luyện và nỗ lực. Tuy lúc sinh ra bình đẳng như nhau, nhưng sau này có bình đẳng về mặt cơ hội hay không lại là chuyện khác. Một cá nhân nếu phải gánh chịu các rủi ro hoặc bị sống trong một môi trường không thuận lợi và không cố gắng thì vốn xã hội sẽ kém hơn. Vị thế, tiếng nói và mối quan hệ có quan hệ tương thích với nhau. Con người có vị thế nào đó thì sẽ có nguồn vốn xã hội tương ứng. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, hiện nay, bất bình đẳng về vị thế, tiếng nói và mối quan hệ đang tồn tại và độ doãng ra ngày càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường. Hậu quả của việc này khá nghiêm trọng.

Theo các nhà nghiên cứu, trong thời gian tới, bất bình đẳng về vị thế, tiếng nói và mối quan hệ có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, nếu xây dựng thành công Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, thực hiện được những nhiệm vụ lớn như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được chỉ số phát triển con người, chúng ta sẽ đẩy lùi được bức tranh ảm đạm kia bởi lẽ khi trình độ phát triển tăng lên thì bất bình đẳng sẽ giảm xuống. Còn TS Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, để giảm bất bình đẳng về nguồn vốn xã hội và bảo đảm tăng trưởng một cách công bằng, việc khuyến khích các quá trình minh bạch là điều kiện quan trọng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch để giảm bất bình đẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.