Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên thông giải quyết thủ tục hành chính: Phải chuẩn hóa quy trình

Phong Thu| 27/08/2013 06:26

(HNM) - Thủ tục hành chính rườm rà vẫn đang là trở ngại với người dân, doanh nghiệp.

Song để những mô hình này được áp dụng trên thực tế, mang lại hiệu quả cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần phải chuẩn hóa các văn bản, quy trình cũng như có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan.

Nhiều bất cập

Một trong những vướng mắc đang làm khó DN là thủ tục đầu tư. Nhà đầu tư muốn xây dựng một nhà máy phải trải qua 18 TTHC "con" thuộc 4 lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng. Trong khi đó, không có quy định rõ thủ tục nào thực hiện trước, thủ tục nào sau nên nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, chưa kể mỗi địa phương lại áp dụng một quy trình khác nhau. Chẳng hạn, đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tại Hà Tĩnh, để được nghiên cứu lập dự án thì nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục theo trình tự từ chấp thuận chủ trương đầu tư (tại UBND tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế), giới thiệu địa điểm đầu tư (Sở Xây dựng, Ban quản lý khu kinh tế) đến quyết định cho phép khảo sát và phê duyệt quy hoạch dự án đầu tư.

Việc xây dựng mô hình liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ góp phần giảm bớt nhiều thủ tục rườm rà đang là trở ngại với người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Bảo Kha


Tại Hà Nội, nhà đầu tư thực hiện theo trình tự lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Còn tại Huế, nhà đầu tư phải thực hiện theo trình tự từ chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án, cấp chứng chỉ quy hoạch đến chấp thuận cho phép triển khai dự án… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành. Quy định khác nhau đã dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các địa phương về việc xác định cơ quan chủ trì trong việc thực hiện TTHC.

Tương tự, để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi, nếu hồ sơ đầy đủ, người dân thường mất ít nhất 6 buổi và 12 lần đi lại tại hai cơ quan khác nhau (UBND cấp xã, CA cấp xã). Công dân phải cung cấp cho mỗi cơ quan thẩm quyền giải quyết nhiều thông tin cá nhân, trong đó cơ bản các thông tin trùng lắp (họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú; họ và tên cha, mẹ…). Điều đáng nói là những TTHC này đều tồn tại trên toàn quốc nhưng lại chưa có VBQPPL hướng dẫn thống nhất về mặt trình tự cũng như cơ chế phối hợp giải quyết, dẫn đến việc thực hiện thủ tục khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài, gây tốn kém và lãng phí.

Cơ chế nào bảo đảm sự phối hợp?

Hiện một số địa phương như TP Hồ Chí Minh và một số huyện của tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… đã thí điểm mở rộng mô hình một cửa liên thông giải quyết TTHC. Kết quả cho thấy, đối với các TTHC như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại TP Hồ Chí Minh, thời hạn giải quyết được rút ngắn xuống còn 11 ngày, tỉnh Long An còn 10 ngày; với thủ tục đăng ký khai tử, xóa thường trú, tại TP Hồ Chí Minh thời gian giải quyết là 6 ngày, còn tỉnh Long An chỉ còn 4 ngày. Điều này đã giúp tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC và tạo nên sự liên thông trong việc quản lý dân cư giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và cơ quan đăng ký thường trú. Tuy nhiên, do mô hình này mới thực hiện đơn lẻ ở các địa phương nên mỗi địa phương xây dựng một đề án và tổ chức thực hiện riêng dẫn đến không thống nhất. Hơn nữa, việc triển khai mô hình liên thông này được thực hiện trên cơ sở quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh mà thẩm quyền thực hiện 5 TTHC trên lại chỉ có thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử thuộc UBND cấp xã, còn 3 thủ tục còn lại thuộc thẩm quyền của bảo hiểm xã hội và CA (chịu sự quản lý theo ngành dọc) nên công tác phối hợp còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện HĐTV cải cách TTHC đang nghiên cứu nhân rộng mô hình liên thông giải quyết TTHC đối với các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa thường trú. Nhóm nghiên cứu của Tổ công tác liên ngành của Cục Kiểm soát TTHC cũng đề xuất liên thông trong giải quyết TTHC trong thực hiện dự án đầu tư, theo đó sẽ duy trì một đầu mối cung cấp thông tin theo hướng một Cổng thông tin quốc gia tập trung. Như vậy, tổ chức, công dân trên cả nước cùng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về TTHC. Tuy nhiên, điều cốt lõi để gỡ "vướng" trong thực hiện thủ tục là phải có sự thống nhất từ các VBQPPL để bảo đảm thực hiện đồng bộ giữa các địa phương, đơn vị; tiếp đó, phải có quy trình chuẩn, rõ ràng đối với từng cơ quan, thời hạn giải quyết cũng như chế tài xử lý sai phạm thì mới tránh được tình trạng liên thông nhưng vẫn "tắc".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên thông giải quyết thủ tục hành chính: Phải chuẩn hóa quy trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.