Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm y tế: Ba vấn nạn không dễ khắc phục

Hà Phong| 12/09/2013 06:00

(HNM) - Việc xử lý tình trạng quá tải, tăng cường giám sát y đức, hạn chế tối đa việc cấp trùng thẻ BHYT là ba vấn đề cần được nhanh chóng khắc phục.



Vì thế, việc xử lý tình trạng quá tải, tăng cường giám sát y đức, hạn chế tối đa việc cấp trùng thẻ BHYT là ba vấn đề cần được nhanh chóng khắc phục. Đó cũng là yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đặt ra đối với Bộ Y tế sau khi nghe Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012 vào ngày 11-9.

Đánh giá những diễn biến tại các địa phương và số liệu chính thức của đoàn giám sát công bố ngày 11-9 cho thấy, giai đoạn 2009-2012, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã tăng từ 58,2% (năm 2009) lên 66,8% (năm 2012). Quỹ BHYT từ chỗ bị bội chi hơn 3.000 tỷ đồng đến năm 2012 đã cân đối và kết dư lũy kế gần 13.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, triển vọng thực hiện BHYT toàn dân vẫn còn đầy thách thức nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Đa phần người có Bảo hiểm y tế đến bệnh viện đều mong muốn được đối đãi văn minh hơn. Ảnh: Bích Ngọc


Đối lập giữa kết dư bảo hiểm và chất lượng khám bệnh

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, Luật BHYT quy định, đến năm 2014, 3 nhóm cuối cùng phải tham gia BHYT đó là nhóm thân nhân người lao động, xã viên hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể. Thế nhưng, hết năm 2012, vẫn còn nhiều tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%. Trong đó, 4 tỉnh đạt mức thấp, dưới 50% dân số; 14 tỉnh tỷ lệ tham gia BHYT tăng chậm (dưới 5%) và có 6 tỉnh tỷ lệ tham gia BHYT giảm từ 1% đến 7%.

Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến bất cập nêu trên, bà Trương Thị Mai cho rằng hiệu quả của công tác vận động còn thấp, kinh phí tuyên truyền hạn chế. Các cấp chính quyền chưa quan tâm đầy đủ việc triển khai chính sách, pháp luật BHYT. Ngay cả sở y tế ở nhiều địa phương cũng chưa chỉ đạo, phối hợp với cơ quan BHXH trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng tỷ lệ dân số tham gia BHYT. Trong khi đó, hoạt động khám chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện chưa thực sự hấp dẫn, thu hút người dân…

Cần nhìn thẳng vào sự thật

Ở một góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước khẳng định, hiện số ca trái tuyến tăng quá nhanh. Quá tải chủ yếu tập trung ở các bệnh viện TƯ đóng tại hai TP lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Do đó, về quy hoạch xây dựng cần có tầm nhìn dài hạn. Hiện cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên mới đang xây dựng bệnh viện ung bướu. Tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ có một bệnh viện chuyên về lĩnh vực này. Thế nên, người dân mắc bệnh nan y phải đổ dồn lên tuyến trên quá đông là dễ hiểu, điều đó khiến chất lượng khám chữa bệnh chưa bảo đảm.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn dẫn câu chuyện ông đi tiếp xúc cử tri, các bác về hưu phản ánh, khám chữa bệnh bằng BHYT mà không có tiền biếu kèm theo sẽ rất khổ. Ngay chuyện nhỏ nhất, nếu làm dịch vụ, cô y tá chích thuốc vào người cũng đỡ đau hơn. Trong bối cảnh người có thẻ BHYT không được đối xử công bằng, nhiều người bệnh được cấp thuốc chất lượng chưa cao, theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, để mở rộng BHYT toàn dân, trước tiên, ngành y tế cần nhìn thẳng vào sự thật nêu trên để có hướng khắc phục cụ thể. Hiện nay, số kết dư quỹ BHYT là gần 13.000 tỷ đồng. Trong khi đó, đa phần người có BHYT đến bệnh viện đều than vãn mong muốn được đối đãi văn minh hơn, cấp thuốc tốt hơn nhưng không được đáp ứng. Có tỉnh nghèo như Gia Lai mà chi không hết tiền BHYT nên phải trả lại TƯ. Điều tra mới biết khi khám chữa bệnh bà con phải cùng chi trả một phần, nhưng đồng bào không có tiền để nộp, nên không thanh toán được bảo hiểm. Như vậy có thẻ BHYT vừa bị phân biệt đối xử, vừa không thể thanh toán đã làm giảm tính ưu việt của chính sách BHYT.

Cấp trùng 700.000 thẻ BHYT

Ngoài chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT chưa tốt, kết quả giám sát cũng cho thấy, công tác quản lý thẻ còn nhiều bất cập. Cụ thể, hiện có trên 700.000 thẻ BHYT cấp trùng. Với số thẻ BHYT cấp trùng (đã được phát hiện) như vậy thì số tiền bội chi từ ngân sách nhà nước về việc này cũng lên đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng điều đáng nói là không cơ quan chức năng nào đứng ra nhận sai sót. Việc chi tiêu quỹ BHYT cũng có những biểu hiện không công bằng, có thể gây thiệt thòi cho người dân có BHYT. Cụ thể, theo phương thức thanh toán định suất, đang được 43,3% số bệnh viện áp dụng, đã dẫn đến mặt trái là bệnh viện có thể cắt giảm quyền lợi của người bệnh bằng việc khống chế loại thuốc, hạn chế chuyển lên tuyến trên đúng với bệnh tật mà người bệnh được hưởng. Và mặc dù QH nhiều lần có ý kiến nhưng cho đến nay Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra các giải pháp hợp lý, hiệu quả về tổ chức đấu thầu, cung ứng thuốc phục vụ khám chữa bệnh BHYT, nhất là các biện pháp quản lý về giá thuốc...

UBTVQH đã bàn giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên trong Dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, để mở rộng lượng khách hàng tham gia BHYT, cần tính đến giải pháp tăng cường giám sát chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời xử lý nghiêm những y, bác sĩ vi phạm y đức. Trường hợp người tham gia BHYT không liên tục, thẻ BHYT vẫn có giá trị sử dụng sau 90 ngày kể từ khi đóng BHYT (quy định hiện nay là 30 ngày). Dự thảo cũng cần bổ sung quy định chi trả toàn phần khi số tiền người bệnh cùng chi trả vượt quá 12 tháng lương cơ bản đối với người có thời gian đóng BHYT 5 năm hoặc 10 năm. Khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT, người thứ nhất đóng bằng mức quy định. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ sáu trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Bên cạnh đó, nâng mức hưởng BHYT của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95% nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng này…

Đến dự và phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận ngành y tế còn nhiều hạn chế và với điều kiện hiện nay thì chắc chắn vài thập kỷ nữa vẫn chưa thể khắc phục. Theo người đứng đầu ngành y tế, ở các nước đều có Bộ Y tế và an sinh xã hội đảm trách hoạt động của ngành y tế. Tại Việt Nam, Bộ Y tế quản lý nhà nước về y tế nhưng không được quản lý tiền. Chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ BHYT thuộc BHXH quản. Như vậy là dù Bộ Y tế quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quyền thì không đủ…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm y tế: Ba vấn nạn không dễ khắc phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.