Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước mắt người Lệ Thủy

Tống Thanh - Ngọc Hải| 09/10/2013 06:20

(HNM) - Sáng 8-10, chúng tôi tìm về Lệ Thủy (Quảng Bình), quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dọc hai bên đường, nhiều cây cối, cột điện gãy đổ, nhiều ngôi nhà tốc mái chưa được khắc phục do hậu quả nặng nề của cơn bão số 10 để lại.

Ảnh: Dân trí



Quảng Bình còn mang trên mình những vết đau sau bão đã lại thêm một lần quặn lòng khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi ở tuổi 103. Vẫn biết tử, sinh là lẽ thường của tạo hóa, nhưng khi hay tin, người dân Quảng Bình, đặc biệt ở huyện Lệ Thủy, xã Lộc Thủy, ai cũng thấy bần thần, quặn thắt. Cả làng An Xá, xã Lộc Thủy đã vài đêm không ngủ…

Đường vào làng An Xá, xã Lộc Thủy nghiêng nghiêng trong nắng vàng mùa thu nhưng dường như trầm mặc hơn. Dọc hai bên đường Nguyễn Tất Thành, cầu Kiến Giang, đường Lý Thường Kiệt đang được các em học sinh trường Lệ Thủy dọn dẹp sạch sẽ để đón người con kiệt xuất của quê hương trở về với tổ tiên. Khuôn mặt ai cũng thẫn thờ dù biết ngày này rồi sẽ đến. Nhưng trong lòng người Lệ Thủy, ngày này đến nhanh quá, bất ngờ quá!

Ông Võ Đức Tôn, năm nay đã 66 tuổi, cháu gọi Đại tướng bằng bác nói với chúng tôi mà dường như vẫn chưa tin đó là sự thật: “5h ngày 5-10, ông Võ Đại Hàm sang báo tin mà tui vẫn không nghĩ là Bác đã ra đi nên tui cũng không báo tin cho ai cả. Sau này, nhiều nhà có người thân ở Hà Nội báo tin họ mới biết". Rồi khắp làng quê ngõ xóm, mọi người truyền tin cho nhau "Bác Giáp mất rồi!". Ông Nguyễn Chất, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình cũng kể lại: "Tối 5-10, cháu gái tôi đang học ở Hà Nội gọi điện về thông báo tôi mới biết tin. Từ khi bác trở bệnh nặng, tôi cũng đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận tin đau đớn này, nhưng khi nó đến, trong lòng không khỏi xót xa bàng hoàng!".

Ông Võ Đại Hàm năm nay 70 tuổi, gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông và được Đại tướng giao nhiệm vụ trông coi ngôi nhà của gia đình Đại tướng, kể: "Khi nhận được thông tin từ gia đình Đại tướng điện vào thông báo: Ông đã mất! Tôi gần như chết lặng". Thông tin đến với ông Hàm bất ngờ quá. "Hôm 29-9, chú Võ Điện Biên về thăm nhà tôi có hỏi thăm, chú bảo ông vẫn bình thường. Thế mà mới có mấy ngày…" - Ông Hàm nghẹn ngào nói, ánh mắt ngước nhìn lên di ảnh Đại tướng đang đặt giữa nhà để hàng vạn lượt người đang lần lượt xếp hàng vào thắp nén tâm nhang. Bà Bùi Thị Viễn, năm nay đã 81 tuổi, ở Đội 1, làng An Xá cũng không giấu được niềm xót thương: "Ui chao! Đau xót lắm, thương tiếc lắm, nhưng biết làm sao được. Cả làng An Xá mấy đêm nay không ngủ rồi. Dù còn ngổn ngang việc nhà, nhưng ai cũng đi tới, đi lui ở nhà Bác mà chẳng muốn về!". Em Đào Thị Thanh Huyền, học sinh lớp 8A, Trường THCS Lộc Thủy rơm rớm nước mắt kể: "Sáng nay em đến lớp thì nghe các bạn thông báo. Cả lớp em ai cũng buồn và thương Bác Giáp! Thế nên khi được giao việc dọn dẹp đường sá, dọn dẹp lại căn nhà của Bác sau bão, em xin được đến dọn ở nhà Bác".

Sau những mất mát to lớn bởi thiên nhiên, khi hậu quả vẫn còn nặng nề, người Quảng Bình lại gánh thêm một nỗi đau tinh thần quá lớn khi Đại tướng ra đi. Nỗi tiếc thương vô hạn không chỉ làm nghẹn lòng bao thế hệ cha anh, những người đã chiến đấu cùng chiến hào với Đại tướng năm xưa, mà với cả những người dẫu chưa một lần được gặp Đại tướng. Bởi với người dân xứ Quảng, "Bác Giáp" không chỉ là người con lỗi lạc, kiệt xuất của quê hương mà còn là người vô cùng giản dị, tình cảm, gắn bó với từng người dân quê Lệ Thủy. Trong ký ức ùa về những ngày được ngóng chờ Đại tướng về thăm quê, bà Võ Thị Lài, một người cháu họ của Đại tướng ứa nước mắt: "Mỗi lần bác về, cả làng lại ùa sang nhà thăm bác, chật kín cả sân, cả lối đi. Lần nào bác tui cũng bắt tay, hỏi thăm rồi động viên từng người trong làng, trong xóm. Bác vẫn dặn quê mình còn nghèo nên phải làm tốt phong trào Hai giỏi của quê hương, phải tiết kiệm, đoàn kết…".

Trong đoàn người vào viếng, chúng tôi gặp CCB Nguyễn Thanh Hoanh, trú tại thành phố Đồng Hới. Vẫn ngỡ ngàng trước sự ra đi của Đại tướng, ông Hoanh nghẹn ngào: "Biết tin Đại tướng mất, tôi khóc òa, thương quá chẳng biết phải làm sao. Lật đật dắt xe ra chợ Đồng Hới mua bó huệ và nắm nhang rồi ngược về Lệ Thủy tiễn biệt cụ. Tôi là người lính, đã từng phục vụ Đại tướng khi cụ vào thăm đường 20 Quyết Thắng, tháng 3-1973. Đến Binh trạm 14, Đại tướng ôm lấy tôi khi biết tôi là đồng hương. Cụ dặn dò, động viên tôi và anh em trong đơn vị phải chiến đấu giỏi vì miền Nam ruột thịt... Nghe tin Đại tướng mất, lòng tôi hụt hẫng vô cùng".

Túc trực thường xuyên trong lễ viếng Đại tướng tại quê nhà, ông Bùi Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy nghẹn ngào: "Thế là từ nay, quê hương Lộc Thủy mất đi một người thân, đất nước mất đi một vị tướng tài ba". Theo ông Đức, ngay khi nhận được tin Đại tướng từ trần, Thường vụ Đảng ủy xã Lộc Thủy đã tổ chức họp khẩn để triển khai một số công việc chuẩn bị cho lễ tang. Ngay từ mùng 5-10, chính quyền xã đã huy động các tổ chức, đoàn thể tham gia dọn vệ sinh tại khu vườn, lối vào nhà lưu niệm và tổ chức lễ viếng Đại tướng. Đến chiều tối ngày 8-10-2013, đã có gần 600 đoàn khách đến dâng hương tiễn biệt Đại tướng".

Vùng chiêm trũng Lệ Thủy đang gắng gượng vực dậy khắc phục hậu quả sau bão. Sự ra đi của Đại tướng một lần nữa là cơn bão lòng bởi trong tâm khảm của mỗi một người con quê hương Quảng Bình, ai nấy đều kính trọng Đại tướng không chỉ vì ông là một vị tướng lẫy lừng, mà còn là người luôn nặng lòng với quê hương bằng một tình cảm chân thành, giản dị nhất.

Chiều 8-10, Ban tổ chức Lễ viếng và Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống nhất TP Hồ Chí Minh đã có thông báo về thời gian và địa điểm tổ chức Lễ viếng và Lễ truy điệu Đại tướng.
Thời gian Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 ngày 12-10, Lễ truy điệu bắt đầu từ 7h ngày 13-10.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước mắt người Lệ Thủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.