Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Hà Nội “xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại”

Minh Hạnh| 31/01/2014 08:03

(HNM) - Trong rất nhiều văn bản pháp quy quan trọng có tầm chiến lược của thành phố Hà Nội như “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Luật Thủ đô”, “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”,


“Không gian văn hóa” Hà Nội

Lịch sử nghìn năm, văn hóa Thăng Long - Hà Nội được hình thành, xây dựng, vun đắp qua tầng tầng lớp lớp thời gian; được hội tụ, sàng lọc, kết tinh để tỏa sáng và thăng hoa qua mọi thời đại. Đến thời đại Hồ Chí Minh, với những cống hiến lớn lao cùng truyền thống nghìn năm văn hiến, Thủ đô Hà Nội được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới trao tặng những danh hiệu cao quý: “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”... Vì thế, văn hóa luôn là niềm tự hào, là cốt cách, là giá trị bền vững của Hà Nội.



Sau mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (từ tháng 8-2008), một trong những mục tiêu chính của Hà Nội là phải xây dựng hình ảnh Thủ đô - một đô thị lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng, phát triển và bảo tồn được đặc thù riêng. Trên tinh thần đó, tiêu chí “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” được đề ra. Như thế, không gian đô thị Hà Nội được mở rộng, kéo dài cùng với những tài sản văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị còn lưu giữ được, chính là tiềm năng, là cơ hội để kỳ vọng vào mục tiêu này. Bên cạnh các yếu tố “văn hiến - văn minh - hiện đại” thì không gian xanh, không gian văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị của di sản được ưu tiên. “Không gian văn hóa” được hình thành theo 3 vùng chính: Vùng văn hóa Thăng Long (trung tâm Hà Nội); Vùng văn hóa Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam) và Vùng văn hóa xứ Đoài (phía Bắc) Thủ đô. Trong đó, Thăng Long và xứ Đoài là hai vùng có những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng, phong phú.

Sự hòa quyện giữa yếu tố truyền thống, đặc sắc của mỗi vùng miền với văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã và đang được phát huy cả bề rộng và chiều sâu. Khi phát triển các đô thị sinh thái, Hà Nội sẽ tạo được quỹ đất xanh, tránh nguy cơ đô thị hóa; xen kẽ những vành đai xanh đó, các thiết chế văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và xây dựng, trở thành những công viên lịch sử văn hóa, những điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố.

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Trong quá trình phát triển, thách thức hay bài toán khó của Hà Nội chính là làm thế nào để tạo sự hài hòa, cân đối giữa bảo tồn di sản với phát triển đô thị, xây dựng hình ảnh và bản sắc của một Thủ đô văn hiến?

Hà Nội đậm đặc di tích, phong phú làng nghề, đa dạng không gian văn hóa - đó là nét đặc sắc nhất nhưng cũng là thành phố lớn và đông dân, lại đang trong quá trình đô thị hóa. Di sản văn hóa vật thể của Thủ đô là khối đồ sộ gồm gần 5.200 di tích, số di tích đã xếp hạng chiếm tới 42,65%; trong đó có ba di sản văn hóa nhân loại là Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Di sản văn hóa phi vật thể là một bảo tàng đa dạng, phong phú và giá trị. Qua thống kê sơ bộ của Sở VH-TT&DL Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 1.350 làng nghề với 244 nghề truyền thống, 1.095 lễ hội trong đó có các lễ hội lớn như chùa Hương, Cổ Loa, Thánh Gióng...

Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trước nguy cơ mai một, từ tháng 8-2013, thành phố đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL triển khai Đề án “Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể” giai đoạn 2013-2015 với yêu cầu vừa thống kê, vừa phân tích thực trạng để tìm ra biện pháp thích hợp đối với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Bên cạnh đó, rất nhiều dự án khôi phục bảo tồn và phát huy giá trị vốn văn nghệ dân gian như các điệu múa cổ, dân ca chèo, chèo tàu, hát dô, múa bài bông, rối nước... đã và đang triển khai. Ví dụ, để giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đất Kinh kỳ không ngừng chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác, một trong những dự án tiếp tục được đầu tư kinh phí để thực hiện là “Sân khấu học đường”, nhằm giáo dục về lối sống, truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ yêu thích, giữ gìn, để nghệ thuật cổ (chèo, tuồng, cải lương, ca kịch...) luôn được nuôi dưỡng và phát triển trong đời sống đương đại; trong đó Nhà hát Chèo Hà Nội là một cái nôi nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống hiệu quả.

Với di sản vật thể, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm Hà Nội đầu tư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng để tu bổ, chống xuống cấp di tích, trong đó nguồn kinh phí xã hội hóa chiếm hơn 30%. Đơn cử, dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội” vừa kết thúc sau 3 năm hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam mà đại diện là UBND thành phố Hà Nội với UNESCO và Chính phủ Nhật Bản đã đạt được những kết quả cụ thể, có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Qua đó nét đẹp văn hóa Thăng Long được quảng bá, giới thiệu đến người dân và bạn bè thế giới, thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển. Lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long những năm trước chỉ khoảng 120-130 nghìn người, nhưng năm 2013 đã tăng hơn 200 nghìn người.

Cốt cách thanh lịch, nền tảng văn minh


Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị từng khẳng định: “Hà Nội phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa; văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng, là lối sống, là trật tự, kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại. Cần phải coi kỷ cương cũng là văn hóa. Tôn trọng pháp luật là thứ văn hóa mà người ta phải mất hàng trăm năm rèn giũa”. Một trong 9 chương trình công tác lớn của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 là Chương trình 04 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Điều đó cho thấy rõ mối quan tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh người Hà Nội. Nội dung “xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch người Hà Nội” trong Chương trình 04 của Thành ủy được triển khai từ hơn hai năm nay, đã và đang lan tỏa trong đời sống xã hội. Quyết tâm của các cấp lãnh đạo trong việc bảo vệ, xây dựng văn hóa Thủ đô đã được chuyển hóa vào những hành động thiết thực gắn với những mục tiêu, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù riêng, tạo động lực thi đua xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến từng người dân, gia đình, tổ dân phố. Các phong trào “Văn hóa ứng xử người phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh”; “Tuổi trẻ thủ đô Sức khỏe, trí tuệ - Đoàn kết, sáng tạo - Thanh lịch, tình nguyện”; “Nông dân Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại” được duy trì thành nền nếp. Ngành Giáo dục triển khai dạy đại trà bộ sách Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, góp phần định hướng cho các em về cách ứng xử trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, giao tiếp ở nơi công cộng. Nhiều sở, ngành, đoàn thể đã ban hành “quy chế văn hóa công sở”, tạo dựng hình ảnh cán bộ công chức, viên chức gương mẫu, chuẩn mực; đồng thời triển khai nhiều hoạt động văn hóa xã hội có ý nghĩa, thúc đẩy phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phát triển sâu rộng, vững chắc.

Đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện trong thời gian qua, lộ trình đến 2015 sẽ hoàn thành bộ khung tiêu chuẩn quy tắc ứng xử đối với 6 nhóm khách thể cần nghiên cứu và chịu sự điều chỉnh của hệ thống quy tắc ứng xử này (cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu vực dân cư, khu vực công cộng). Nội dung của quy tắc ứng xử trên cơ sở đúc kết những nguyên tắc mang tính truyền thống, kết hợp với việc điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới với những quy định đơn giản, nhưng cơ bản, thiết thực và dễ thực hiện.

2014 - “Năm trật tự, văn minh đô thị”

Hà Nội là đầu tàu của cả nước trên nhiều lĩnh vực; trong đó có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn đi đầu cả nước. Năm 2013, đã có hơn 1,3 triệu hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 84% tổng số hộ); 1.323/2.450 làng văn hóa (54%); 4.906/7.666 tổ dân phố văn hóa (64%); 1.692/6.212 cơ quan văn hóa... Sau một năm thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nếp sống văn minh đô thị có sự chuyển biến rõ rệt. 93,40% số đám cưới thực hiện theo đúng quy ước; nhiều mô hình cưới mới xuất hiện. Việc tang được thực hiện đúng quy định: Trang nghiêm, tiết kiệm, đậm nghĩa tình. Nếp sống văn minh đô thị cũng dần dần thành nền nếp; phong trào tổng vệ sinh hằng tuần được các tầng lớp nhân dân, cán bộ các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị hưởng ứng, góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Nhiều mô hình, phong trào “Người Hà Nội nói lời hay, làm việc tốt” xuất hiện, góp phần giữ gìn nét thuần phong mỹ tục, văn minh đô thị, đẩy lùi tệ nạn xã hội...

Năm 2014 - “Năm trật tự và văn minh đô thị”, Hà Nội hướng đến mục tiêu tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhằm tạo sự chuyển biến mới, thực chất về ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và sự ủng hộ vào cuộc của từng người dân Thủ đô để xây dựng Thủ đô Hà Nội “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Theo đó, thành phố sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, từ tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của các cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, đến kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm... Đây sẽ là bước chuyển biến về căn bản cho công tác quản lý trật tự đô thị và xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Hà Nội “xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.