Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đong đầy mùa xuân

Sa Chi| 03/02/2014 07:54

(HNM) - Xuân Giáp Ngọ đã tràn về trong nắng ấm, hòa vào đất trời, gieo vào lòng người những mầm xanh hy vọng, những niềm tin về một năm mới với những điều tốt lành dù phía trước vẫn là khó khăn, thách thức.

1. Mùng Một Tết! Những tiếng reo thân thương được mong đợi nhất trong năm của mọi nhà, mọi người ập đến trong niềm vui chung của tiết trời và lòng người. Nhịp sống hối hả, những bộn bề lo toan, gánh nặng chi tiêu của một năm kinh tế khó khăn dù không dễ gì gạt bỏ, nhưng đến Tết, người Việt muôn đời nay vẫn vậy, ba ngày Tết dù thế nào cũng đủ đầy; mọi lo toan "thôi" cứ tạm gác lại...

Du xuân. Ảnh: Kim Mạnh



Năm Quý Tỵ 2013, dẫu nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc nhưng chưa thoát khỏi gánh nặng toan lo nên nhiều nhà vẫn ăn Tết muộn, ngày áp Tết người nông dân vẫn vội vã quảy nặng gánh hàng rau tới chợ, mong có một cái Tết sung túc hơn, để rồi chiều đến lại lo ra đồng tiếp nhận nước đổ ải vụ đông xuân. Trong nội đô, nhiều gia đình "đủ ăn, đủ tiêu" cũng phải đến sớm ba mươi mới thong thả sắm Tết...

Không biết bao nhiêu năm rồi người Hà Nội lại điềm tĩnh sắm Tết như vậy. Không còn thấy cảnh chen nhau, ào ào mua thực phẩm tích lũy. Chợ sáng ngày cuối năm đông là thế nhưng lại không thấy vội, các bà, các chị từ tốn lựa chọn những thứ cần nhất, những thứ không thể thiếu trong ba ngày Tết. Giá các mặt hàng cũng vì cái sự thong thả "hiếm" thấy của người Hà Nội mà "mềm" hơn, người bán, người mua đều hỉ hả. Chợ Tết "năm kinh tế khó khăn" vẫn ăm ắp hàng hóa - điều này hơn hẳn chợ Tết mấy năm trước. Cô hàng rau xanh bên góc chợ Vồ (Hà Đông) cứ xuýt xoa, rằng rau ngon, tươi, rẻ là thế... mà mãi đến ngày ba mươi mới đông khách. Không chỉ có chợ truyền thống, trong các siêu thị, trung tâm thương mại từ nội đô đến ngoại thành đâu đâu cũng ăm ắp hàng hóa. Các điểm bán hàng bình ổn giá của Thủ đô năm nay không nhiều như năm ngoái, nhưng Bộ Công thương đánh giá, Hà Nội chuẩn bị tốt nhất lượng hàng hóa cung ứng cho nhân dân trong dịp Tết. Tình trạng sốt giá, khan hàng đã không xảy ra nhờ lượng cung ứng dồi dào và những tính toán kỹ lưỡng của các doanh nghiệp.

Phố cổ sáng mùng Một Tết. Ảnh: Viết Thành



Ngày cuối năm, qua các tuyến phố chính của Hà Nội hàng hoa vẫn tràn ngập. Đường hoa, cây cảnh Quảng Bá, Nghi Tàm, Âu Cơ không thoát cảnh nghẽn xe thường thấy. Các tuyến phố nhỏ cũng tưng bừng không kém. 19h ngày ba mươi Tết, đường Lê Văn Lương kéo dài loang loáng ánh đèn xe, vẫn thấy nhiều người lựa mua đào, quất. "Kinh tế có khó khăn đến đâu thì Tết vẫn là Tết! Nhà cửa vẫn được trang hoàng với lọ hoa, cành đào, chậu quất. Mà có như vậy thì mới có không khí Tết, có tinh thần để bắt đầu một năm mới tốt đẹp hơn...!". Có lẽ, do cái triết lý lạc quan, ăm ắp hy vọng ấy mà trên phố Hàng Lược - chợ hoa cổ truyền của người Hà Nội không vì cái khó 2013 mà mất đi nét duyên. Vẫn đủ đầy hải đường, viôlét, đào Nhật Tân, mai chiếu thủy, mai vàng phương Nam hay các bình thủy tiên… Người đến chợ hoa Hàng Lược dù biết chỉ còn ít giờ nữa là sang năm mới vẫn cẩn thận chọn lựa những nhành hoa ưng ý rồi hân hoan đón đợi thời khắc Giao thừa.

2. Trời đất như chiều lòng người. Thời tiết tuyệt đẹp! Nắng nhẹ nhàng, gió reo vui, lạnh vừa đủ. Thật lý tưởng để người dân đón Tết du xuân.

Hà Nội vào xuân Giáp Ngọ trong nắng vàng rạng rỡ. Từ trung tâm thành phố đến vùng cao Khánh Thượng, Minh Quang (Ba Vì) cho tới vùng xa An Phú, An Tiến (Mỹ Đức) hay đất mới Tiến Xuân, Đông Xuân, Mê Linh... hết thảy đều rực rỡ trong sắc xuân ấm áp, trong khí rộn ràng "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước, mừng Thủ đô đổi mới". Khu vực trung tâm Thủ đô lung linh, rực rỡ. Từ hồ Hoàn Kiếm, đường Đinh Tiên Hoàng, hồ Ngọc Khánh đến chân cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, nút giao thông Ô Chợ Dừa... đâu đâu cũng ngập tràn những làn hoa. Năm nay, hoa tươi vẫn được thành phố lựa chọn để trang trí, tạo không gian đẹp và hài hòa với thiên nhiên để người dân có thêm nhiều điểm vui chơi, thưởng lãm trong những ngày Tết.

Ngày Tết Hà Nội yên bình, phong quang, những hối hả, ồn ã tạm lùi xa. Bên Hồ Gươm, tiết trời vừa đủ để hàng vạn người, tay trong tay dạo bước quanh các con phố thưởng thức chương trình ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân với niềm vui của khí xuân ấm áp, sắc xuân căng tràn. Tại vườn hoa Lý Thái Tổ, người người thành kính thắp tâm hương dưới chân tượng đài vị vua anh minh đã chọn đất Đế đô cho muôn đời con cháu, xa hơn một chút, tại các tiểu cảnh hoa trên đường Đinh Tiên Hoàng, nam thanh nữ tú chụp ảnh lưu niệm, chờ đón màn pháo hoa mừng năm mới, đón sự giao hòa của đất trời trong thời khắc thiêng liêng. Giữa không khí ấy, mỗi con người, mỗi cảm xúc, mỗi cung bậc tình cảm khác nhau nhưng tất cả đều biểu hiện sự háo hức đón chào năm mới với những kỳ vọng tốt đẹp sẽ đến.

3. 29 điểm bắn pháo hoa trên địa bàn Thủ đô đồng loạt đón chào thời khắc giao thừa. Sau thời khắc thiêng liêng ấy, không còn thấy tiếng pháo nổ và cảnh trèo cây, vin cành bẻ lộc. Thay vào đó, tại các điểm bắn pháo hoa, trên các tuyến phố chính nhiều bạn trẻ đã mở hàng lấy may đầu năm bằng những nhành cây phất lộc, hoa hải đường hay đôi cặp mía tím xanh.

Sau màn pháo hoa lung linh sắc màu, trong tiết trời ấm áp, nhiều gia đình đã đi lễ phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ, chùa Hà, Bà Đá... Tại những ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội ngày mùng Một Tết năm nay đông hơn mọi năm nhưng ít thấy cảnh đặt tiền lẻ tùy tiện, một phần do ý thức của người dân đã nâng lên, phần do trước Tết các phương tiện truyền thông đưa nhiều bài viết về sự lãng phí khi sử dụng một lượng lớn tiền mệnh giá nhỏ vào việc đi lễ đầu năm... Thời tiết thuận lợi nên hội xuân Văn Miếu đông từ chiều mùng Một Tết. Nhiều người dân thắp hương tưởng nhớ bậc hiền tài Chu Văn An diễn ra trong sự tĩnh lặng, nghiêm cẩn, trật tự. Phố chữ ông đồ tuy có "lời ra, tiếng vào" về địa điểm cho chữ nhưng không vì thế mà kém vui. Một phần Phố ông đồ vào "quy hoạch" trong Hồ Văn đã cuốn hút khách ta, khách tây. Thấy rõ sự gọn gàng, hợp lý và văn minh. Tiếng là phố chợ nhưng cảnh "mua, bán" ở đây hỉ hả, hân hoan, phơi phới như mùa Xuân. Tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (Hà Nội), du khách thập phương đến tìm hiểu về hai dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Đây là hoạt động do Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức nhằm gợi lại không khí Tết xưa trong không gian phố cổ. Tại đây, hàng trăm bức tranh Đông Hồ được trưng bày với nét khắc mộc mạc, giản dị, đậm chất dân gian. Và những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt cũng được thể hiện qua các bức tranh Hàng Trống, Hàng Nón… của Hà Nội xưa.

Tháng Giêng thật rộng dài. Hôm nay, Bảo tàng Dân tộc học mở cửa trở lại với nhiều trò chơi dân gian cuốn hút. Ngày mai, mùng 5 Tết hội Gò Đống Đa sẽ mở đầu một mùa lễ hội mới diễn ra ở hầu khắp các địa phương của Hà Nội, rồi mùng 6 Tết đồng loạt khai mạc 4 lễ hội lớn: Hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn), Hai Bà Trưng (Mê Linh), Cổ Loa (Đông Anh) và chùa Hương (Mỹ Đức)…

Mùa xuân đúng hẹn đã về, những niềm tin, hy vọng lại đong đầy. Cho dù chưa hết khó khăn trong muôn mặt cuộc sống mà chúng ta cần phải nỗ lực để vượt qua, nhưng Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã khẳng định: "... Bản lĩnh của Đảng và nhân dân ta đã tỏa sáng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bản lĩnh đó cũng đã tỏa sáng khi đất nước ta đối mặt với khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước để hình thành đường lối đổi mới. Ngày nay, thế và lực của chúng ta đã mạnh hơn nhiều. Nhất định bản lĩnh đó sẽ lại tỏa sáng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Và bản lĩnh đó, điều khẳng định đó đang được người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung thắp lên từ những ngày Xuân đầy ắp niềm tin và hy vọng của năm mới Giáp Ngọ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đong đầy mùa xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.