Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liệu có giảm áp lực cho giao thông đô thị?

Duy Khánh Ngân| 15/02/2014 07:13

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Văn bản số 148, chỉ đạo các bộ, ngành và 5 thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm Đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng để giảm bớt áp lực giao thông, chống ùn tắc.


Dự kiến từ đầu năm 2015, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai dịch vụ cung cấp xe đạp công cộng cho người dân và du khách. Đề án này hiện đang được dư luận rất quan tâm với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Báo Hànộimới xin đăng tải ý kiến của một số người dân.

Chị Nguyễn Mai Trang (phường Kim Mã, Ba Đình): Giải pháp xanh cho môi trường thành phố



Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường do tiếng ồn, khói xe đang là vấn nạn được các nhà khoa học đề cập nhiều. Mật độ các phương tiện cơ giới cá nhân như ô tô, xe máy lưu thông trên các tuyến phố dày đặc không chỉ gây ùn tắc giao thông, mà còn tác động lớn đến môi trường sống, sức khỏe của con người. Với việc thí điểm phát triển xe đạp công cộng, tôi cho rằng đây là giải pháp xanh cho môi trường thành phố, tránh tình trạng ô nhiễm, ùn tắc như hiện nay. Hai năm nay, tôi cũng thường xuyên sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển đến cơ quan. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên phát triển ồ ạt mà cần có lộ trình thích hợp, trước hết là chọn những khu vực, tuyến đường phù hợp cho người sử dụng.

Ông Võ Hoàng Dương (phường Cát Linh, quận Đống Đa): Cần triển khai đồng bộ nhiều loại hình vận tải công cộng khác



Tôi thấy hình thức sử dụng xe đạp công cộng đã được sử dụng ở rất nhiều đô thị lớn trên thế giới, nhằm kết nối với các hình thức vận tải khác nhau như xe buýt, tàu điện ngầm. Thêm nữa, người dân có thể thuê xe đạp công cộng này để di chuyển trong một phạm vi hẹp, hay khu trung tâm để tiết kiệm nhiên liệu, tránh gây ô nhiễm môi trường giống như khi đi lại bằng xe máy. Để ý tưởng này được thực hiện, cơ quan chức năng cần phải chuẩn bị tốt điều kiện để phục vụ cho việc này như tạo ra một làn đường dành riêng cho xe đạp, có một khu vực để xe đạp công cộng dành cho du khách thật thuận tiện, giá thuê xe phải hợp lý… Việc triển khai không thể toàn diện mà trước mắt chỉ nên áp dụng thí điểm tại những khu vực quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Nếu mô hình này đạt hiệu quả sẽ nhân rộng ra các quận khác. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều loại hình giao thông công cộng khác, nhất là xe buýt để có thể kết nối chặt chẽ, hợp lý với xe đạp công cộng.

Anh Nguyễn Hữu Hồng Trường (KĐT Dịch Vọng, quận Cầu Giấy): Đi xe đạp cũng phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ



Cá nhân tôi ủng hộ đề án thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố, trong đó có Hà Nội, bởi bản thân tôi đã nhận thấy ích lợi lớn lao từ loại phương tiện này mang lại. Mấy năm trở lại đây, tôi đã thường xuyên sử dụng xe đạp trong luyện tập thể thao theo khuôn khổ sinh hoạt của một câu lạc bộ xe đạp. Việc thí điểm sử dụng xe đạp công cộng nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên triển khai như thế nào rất cần có sự tính toán cân nhắc thấu đáo những vấn đề như đơn vị, tổ chức nào được làm dịch vụ cung cấp xe đạp, bãi đỗ xe ở đâu, chi phí thuê mượn xe như thế nào, việc sửa chữa, bảo dưỡng xe ra sao mới đạt tiêu chuẩn cung cấp phương tiện an toàn cho người sử dụng… Thêm vào đó phải tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông của người đi xe đạp vì hiện nay nhiều người sử dụng xe đạp tự cho rằng vi phạm của mình là nhỏ, ít bị xử lý nên đã có những vi phạm đi không đúng phần đường, dừng đỗ, sang đường tùy tiện gây mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, khi thực hiện triển khai đề án, CSGT cũng cần ra sức bảo vệ làn đường dành riêng cho xe đạp, phạt nóng các trường hợp vi phạm, có như vậy chỉ sau vài năm áp dụng việc sử dụng xe đạp dần quen thuộc với người dân, cũng như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trước đây vậy.

Ông Thân Văn Thạch (phố Thành Công, quận Ba Đình): Qua đề án thí điểm này, CBCC cũng nên tiên phong đi xe đạp



Để ý tưởng này trở thành hiện thực, đầu tiên phải xây dựng nhiều mô hình phố đi bộ, "phố không động cơ", cấm các loại xe cơ giới vào phố cổ. Hơn nữa, qua đề án thí điểm này, các cán bộ, công chức (CBCC) của các cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện hoàn cảnh mà gương mẫu thực hiện đi làm bằng xe đạp. Theo tôi, thành phố nên thực hiện thí điểm trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ áp dụng đối với CBCC ở các cơ quan trên địa bàn. Thêm vào đó, để tiết kiệm ngân sách, các cán bộ sẽ tự mua sắm xe để đi chứ không được lấy tiền công. Có như vậy, người dân sẽ đồng tình ủng hộ và nếu thấy hiệu quả, mọi người sẽ tự nguyện thực hiện làm cho thành phố thêm xanh, sạch, đẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liệu có giảm áp lực cho giao thông đô thị?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.