Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện mảnh vỡ nghi của máy bay mất tích

HNMO| 09/03/2014 07:47

(HNMO) - Vào lúc 18h30 chiều nay 9/3, tàu bay DSC6 báo cáo về đã phát hiện thấy một mảnh vỡ nghi là của máy bay Boing777-200 bị mất tích.

Miếng composite được phát hiện nghi là ốp phía trong cửa máy bay. Vị trí tìm thấy mảnh vỡ máy bay có tọa độ gần 8 độ 47 phút 32 Bắc – 103 độ 22 phút 26 Đông, cách đảo Thổ Chu 80 km Nam - Tây Nam.

Theo Tiền phong, hiện chưa xác định đây có phải là của Boeing 777 mất tích. Do trời tối nên không hạ cánh được để kiểm tra cụ thể về những vật thể này. Hiện thủy phi cơ đã trở về đất liền.Dự kiến sáng mai 10/3, tàu bay DSC6 sẽ ra hiện trường xác định tiếp.

Ảnh vật thể nghi của máy bay mất tích được máy bay Việt Nam phát hiện lúc 19h hôm nay, 9/3. Ảnh do đoàn bay cung cấp


* Tin từ PV Đình Hiệp, chiều 9-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: VGP/Hải Minh


Phó Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ và quan tâm sâu sắc đối với sự lo lắng của Chính phủ, nhân dân Trung Quốc và các nước liên quan cũng như gia đình, thân nhân các hành khách có mặt trên chuyến bay MH370.

Phó Thủ tướng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo các lực lượng, cơ quan chức năng huy động mọi phương tiện, mọi biện pháp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đến nay, phía Việt Nam đã điều động nhiều tàu và máy bay triển khai trong khu vực xảy ra vụ việc để tìm kiếm máy bay mất tích và sẽ tiếp tục huy động thêm các máy bay và phương tiện cứu hộ. Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn Việt Nam đang trực chỉ huy 24/24 giờ, đồng thời thành lập Sở chỉ huy phía Nam đặt tại đảo Phú Quốc trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lập nhóm công tác đặc biệt ứng trực 24/24 để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc. Phó Thủ tướng khẳng định, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện và phối hợp cùng lực lượng cứu hộ của Trung Quốc và các nước liên quan tham gia tìm kiếm trong khu vực nghi máy bay mất tích, cũng như giải quyết các công việc liên quan tiếp theo.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gửi lời cảm ơn chân thành của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự quan tâm, hỗ trợ hết sức kịp thời, tích cực của Việt Nam. Phía Trung Quốc tin tưởng và đánh giá cao những biện pháp mà các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của phía Việt Nam đang triển khai. Trong thời gian tới, mong phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện giúp tìm kiếm, cứu nạn; đồng thời cho phép, tạo điều kiện cho các lực lượng cứu hộ Trung Quốc được tham gia triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.

* 17h00,
tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý lập đài chỉ huy tại Phú Quốc để tập hợp thông tin và ra phương án nhanh nhất, tập trung tìm kiếm với hy vọng hành khách vẫn sống sót trong trường hợp máy bay rơi.

* Lúc 14h43, Ban chỉ huy của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận được thông báo cùng lúc từ đội tìm kiếm của Singapore và Malaysia về vật khả nghi.

Ngay sau khi phía Malaysia thông báo có vật thể lạ màu vàng cách đảo Thổ Chu về phía Nam 100 km, các lực lượng của Việt Nam đã được điều động đến khu vực này. Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, khoảng 7h tối nay các lực lượng của Việt Nam sẽ tiếp cận vị trí có vật thể trôi lạ.

Vật thể lạ màu vàng được xác định cách đảo Thổ Chu hơn 100km. Đến thời điểm 14h ngày 9/3, đã có 17 máy bay, 35 tàu cứu hộ tìm kiếm máy bay nghi bị rơi tại khu vực này - Ảnh: Thúy Hạnh/Vietnamnet


Họ đề nghị Việt Nam có trực thăng hoặc tàu biển gần đó lập tức ra giúp đỡ.

- Một công ty Mỹ có 20 nhân viên là hành khách trên máy bay mất tích

- Malaysia Airlines sẵn sàng cho “điều tồi tệ nhất”

- Người nhà hành khách máy bay mất tích đau khổ, tức giận

- Việt Nam tích cực tìm kiếm cứu nạn máy bay của Malaysia mất tích

- Đang tìm kiếm máy bay Malaysia chở 239 người bị mất tích

Phía Malaysia cho biết, họ đang điều tàu tới, dự kiến khoảng 20h30 họ sẽ tới vị trí trên. Hiện Việt Nam đã điều động tàu Vietnam MRCC và tàu của lực lượng Cảnh sát biển hướng tới vị trí có vật thể lạ, dự kiến khoảng 19h30 tối nay sẽ tiếp cận khu vực này.

Hiện tại tàu tìm kiếm của Việt Nam cách vị trí vật thể lạ khoảng 50 hải lý (gần 100km).

* 12h30 phút trưa nay, hai chiếc trực thăng mang số hiệu Mi 17102 và Mi 17104 của Không quân Việt Nam đã nhận lệnh cất cánh lên đường ra khu vực nghi máy bay Malaysia gặp nạn.

Hai trực thăng này được trang bị ống nhòm quân báo và trang thiết bị ghi hình tối tân để ghi rõ hình ảnh vệt loang trên biển. Thời gian bay khoảng 4 giờ bao gồm từ thời điểm xuất phát đến kết thúc hành trình.

Theo VOV, lãnh đạo sân bay cho biết vừa nhận được công văn chỉ đạo về việc thành lập Sở chỉ huy tiền phương để có những chỉ đạo nhanh trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Các điều kiện về cơ sở vật chất, lực lượng tham gia cũng đã đáp ứng.

* Theo BBC, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu trong một cuộc họp báo sáng 9/3 ở Kuala Lumpur rằng, họ đang điều tra khả năng chuyến bay MH370 "đã quay lại" sau khi mất liên lạc.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishamuddin Hussein trong cuộc họp báo sáng nay


Cũng trong cuộc họp báo mới diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, một quan chức cho biết nước này đang mở rộng phạm vi tìm kiếm và họ đang nhờ phía Indonesia giúp đỡ.

* Theo Tiền Phong, đến 12h trưa nay, công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn tiếp tục, hiện một chiếc AN26 của Việt Nam đã bay ra khu vực nghi ngờ máy bay Malaysia có thể gặp nạn để tìm kiếm. Đồng thời, 2 chiếc trực thăng Mi171 cũng đã bay từ Cà Mau ra khu vực dấu vết lạ nghi là vệt dầu loang để kiểm tra.

Trước đó, một trong hai máy bay AN26 của Việt Nam tại hiện trường, đang rời khu vực tìm kiếm về đất liền. Chiếc còn lại đang vào khu vực vết dầu loang phát hiện hôm qua để tìm kiếm và kiểm tra lại.

Hơn 40 máy bay, tàu của 5 quốc gia đang tìm kiếm máy bay mất tích (Ảnh: Tiền Phong)

Trong khi đó, phía Malaysia xin phép đổi kế hoạch bay. Họ muốn bay lệch vào khu vực FIR của Việt Nam để tìm kiếm. Đề nghị này đã được Việt Nam đồng ý. Khu vực tìm kiếm của phía Malaysia có một phần trùng với dự đoán khu vực tìm kiếm của Việt Nam ở phía Nam đảo Thổ Chu.

Sau khi có chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT, Phạm Quý Tiêu, Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn đã thông báo các lực lượng chuẩn bị, nếu có thông tin máy bay gặp nạn sẽ lập ban chỉ đạo và chuẩn bị sẵn sân bay dự phòng để máy bay các nước có thể đáp khi cần thiết. Nơi đặt sân bay dự phòng có thể tại Phú Quốc hoặc Cà Mau.

Đau đớn ngóng chờ thông tin chiếc máy bay Malaysia mất tích

Cho đến sáng nay 9/3, tung tích về chiếc máy bay vẫn chưa được xác định, và cả thế giới vẫn đang nóng lòng mong ngóng, theo dõi từng giây về công tác tìm kiếm.

* Tin từ VTV Online cho hay, tại Kuala Lumpur, Chính phủ Malaysia đã điều động thêm máy bay và tàu đến khu vực tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích. Hiện đội tìm kiếm gồm 15 máy bay của lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF), trong đó có 4 máy bay C130, một máy bay CN325, 4 máy bay trực thăng EC725 và 1 máy bay Beechcraft King Air.

Ngoài ra, còn có 2 máy bay Bombardier và 2 máy bay trực thăng Agusta cùng với 3 tàu của Cơ quan thực thi luật biển Malaysia (MMEA) và 6 tàu của Lực lượng Hải quân Hoàng gia Malaysia cũng được sử dụng để tìm kiếm.

* Theo BBC, các nhà điều tra Mỹ hiện đang trên đường đến Malaysia để phối hợp điều tra. Tin cho hay giới chức Malaysia đang điều tra danh tính của ít nhất 4 hành khách trên chuyến bay MH370.


Nhóm phóng viên các báo tháp tùng đoàn cứu hộ - Ảnh: Thuận Thắng (Báo Tuổi Trẻ).


*Cho đến thời điểm này đã có 13 máy bay và 29 tàu của 5 quốc gia tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Malaysia đã có 6 máy bay và 6 tàu; Trung Quốc điều 2 máy bay và 14 tàu; Việt Nam có 3 máy bay, 6 tàu; Philippines 1 máy bay, 3 tàu; Singapore có 1 máy bay cùng tham gia tìm kiếm trên khu vực rộng. Mỹ cũng đã xin phép tham gia phối hợp tìm kiếm trên vùng FIR Singapore.

Tuy nhiên, sau nhiều giờ quần đảo tại khu vực vùng nước lạ nghi là nơi chiếc máy bay gặp nạn, lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện được gì.

Toàn cảnh sơ đồ khu vực tìm kiếm máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích


* Theo BBC, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, khu trục hạm USS Pinckney lớp Arleigh Burke đang trên đường đến vùng biển phía nam Việt Nam để hỗ trợ việc tìm kiếm chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines.

Tuyên bố của quân đội Mỹ cho biết một máy bay do thám P-3C cũng sẽ sớm rời khỏi căn cứ Không quân Kadena trên Okinawa, Nhật Bản, để tới trợ giúp. Máy bay này có trang bị hệ thống radar và liên lạc, tìm kiếm trên diện rộng.

* Theo báo Tuổi Trẻ, sáng nay (9/3), hai máy bay cứu nạn AN26 số hiệu 286 và 261 xuất phát, thẳng tiến ra vùng biển vịnh Thái Lan để tham gia tìm kiếm máy bay của hãng hàng không Malaysia mất tích.Theo kế hoạch mỗi trực thăng sẽ mất một giờ bay mới tiếp cận được địa điểm nghi máy bay gặp nạn và sẽ tham gia tìm kiếm, cứu hộ khoảng một giờ rưỡi trên biển, sau đó sẽ trở về sân bay Cà Mau tiếp tục tiếp nhiên liệu để thực hiện các chuyến bay cứu hộ tiếp theo.

Mỗi trực thăng cứu hộ bao gồm tổ bay bốn người, tổ tìm kiếm trên không hai người (một trợ lý và một bác sỹ), trực thăng cũng có cần cẩu 350kg, một lần có thể cẩu được hai người.

* Trong khi đó, VOVdẫn lời Đại tá Doãn Bảo Quyết - Chính ủy CSB Vùng 4 cho biết, suốt đêm qua 2 tàu của CSB vùng 4 là CSB 2001 và CSB 2003 nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích suốt cả đêm.

2 tàu này đã dùng đèn pha, máy cammera gắn tia hồng ngoại, máy quan sát ban đêm tìm kiếm ở 2 vị trí là tọa độ nghi máy bay bị rơi và vùng tọa độ có vết dầu loang dài trên 20 km song vẫn chưa phát hiện dấu hiệu gì.

Riêng vùng dầu loang vẫn chưa xác định được cụ thể là của các tàu hay từ máy bay rơi. Trong ngày hôm nay, 2 tàu của Cảnh sát biển vùng 4 sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm ở tọa độ 15 – 20 hải lý ở 2 khu vực nêu trên. Mỗi 1 tiếng các tàu sẽ báo về sở chỉ huy 1 lần.

Video: Tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

Những hình ảnh được PV ghi từ máy bay tham gia hành trình tìm kiếm tung tích chiếc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines được cho là mất tích vào sáng 8/3.


* Trước đó, như HNMO đã đưa tin, vào chiều qua, 8/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm khẩn với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Dato Sri Anifah Hj Aman.

Phó Thủ tướng đã bày tỏ sự chia sẻ và quan tâm sâu sắc đối với sự lo lắng của Chính phủ, nhân dân Malaysia và các nước liên quan cũng như gia đình các hành khách trên chuyến bay.

Phó Thủ tướng cho biết, ngay từ khi nhận được thông tin ban đầu lúc sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã rất quan tâm và yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Malaysia để xác minh thông tin, đồng thời triển khai các lực lượng và phương tiện, biện pháp để tìm kiếm và cứu hộ, cứu nạn. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông báo các cơ quan tìm kiếm cứu nạn Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm máy bay.

Bộ trưởng Aman bày tỏ lời cảm ơn chân thành của Chính phủ và nhân dân Malaysia về sự hỗ trợ kịp thời của Việt Nam.

* Trong một diễn biến khác, hãng tin AP được BBC trích dẫn, các quan chức ngoại giao tại Rome và Vienna đã xác nhận tên của hai công dân Ý và Áo trong danh sách hành khách chuyến bay MH370 trùng khớp với các cuốn hộ chiếu được thông báo là đã mất cắp tại Thái Lan. Cả hai người này đều không có mặt trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Công dân Ý hiện đang ở Thái Lan, còn công dân Áo vẫn đang ở trong nước.

Hộ chiếu của Luigi Maraldi, 37 tuổi, quốc tịch Ý bị mất khi ông này đặt giấy tờ làm thủ tục thuê xe hơi tại Thái Lan cách đây khoảng một năm rưỡi.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Áo Martin Weiss nói thông tin trên danh sách của MAS khớp với một cuốn hộ chiếu Áo được trình báo mất từ hai năm trước, cũng tại Thái Lan. Tuy nhiên, Áo không xác nhận danh tính liên quan tới cuốn hộ chiếu này.

Cũng theo BBC, khi được hỏi về nghi vấn bị khủng bố đối với chiếc phi cơ mất tích, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói: "Chúng tôi đang xem xét mọi khả năng, nhưng hiện còn quá sớm để đưa ra bất kỳ nhận xét mang tính kết luận nào".

Còn một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ cũng nói với hãng tin NBC News: "Chúng tôi có biết về tin hai hộ chiếu bị đánh cắp. Chúng tôi vẫn chưa quyết định là đã có sự liên hệ tới khủng bố, vào lúc này vẫn là quá sớm để khẳng định điều gì".

* Ngày 8-3, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin trên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc và chia sẻ nỗi lo của các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. Ngay sau khi nhận được thông tin chuyến bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia bị mất tín hiệu, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bên liên quan xác minh thông tin và triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn”.

* 239 hành khách trên chuyến bay từ Malaysia đến Bắc Kinh được xác định đã bị mất tích lúc 02:40 giờ địa phương (01:40 sáng giờ Việt Nam) ngày 8/3. Chuyến bay Boeing-MH370 mang theo 227 hành khách bao gồm 2 trẻ sơ sinh và 12 người thuộc phi hành đoàn. Theo danh sách hành khách được công bố bởi Mlaysia Airlines, không có người nào trên chuyến bay là công dân Việt Nam. Có khoảng 152 người mang quốc tịch Trung Quốc, trong đó có một người Đài Loan, và 38 người Malaysia. Các hành khách còn lại đến từ nhiều quốc gia như Indonesia, Pháp, Mỹ, Australia, Canada...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện mảnh vỡ nghi của máy bay mất tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.