Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối các loại hình vận tải công cộng

Tuấn Lương| 20/03/2014 06:41

(HNM) - Sở GTVT Hà Nội vừa khởi công xây dựng trạm đầu cuối tuyến xe buýt nhanh (BRT) thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).



Trạm được đặt tại bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối xe buýt nhanh với các phương tiện vận tải công cộng khác và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân từ phía tây Hà Nội vào khu vực trung tâm.

Trạm đầu cuối tuyến xe buýt nhanh được xây dựng tại bến xe Yên Nghĩa.


Đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, trạm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa là điểm đầu của tuyến xe buýt nhanh, được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 1.500m2 tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Trạm có hai công năng chính, thứ nhất là điểm đầu của tuyến buýt nhanh thực hiện đón trả khách, tiếp nhận và trung chuyển hành khách từ xe buýt thường, xe khách liên tỉnh với xe buýt nhanh. Thứ hai, làm các thủ tục xuất bến buổi sáng, kết thúc hành trình và nghỉ qua đêm cho tất cả các xe thuộc hệ thống buýt nhanh. Công trình gồm 2 khối nhà đối xứng, có tổng diện tích sàn là 887,6m2, chiều cao là 4,71m. Ngoài lối vào, khu vực chờ ra xe, trạm còn có các khu phụ như phòng hỗ trợ thông tin cho hành khách, khu phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh... Trạm sẽ được nối với tòa nhà điều hành trong bến xe Yên Nghĩa bằng lối đi cho người đi bộ có mái che rộng 8m, dài 30,8m, giúp hành khách xuống từ xe buýt nhanh có thể dễ dàng tiếp cận với xe buýt thường, nhà điều hành để lên xe khách đi các tỉnh và ngược lại.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, Ban QLDA sẽ tổ chức lại giao thông trước nhà điều hành trong bến xe Yên Nghĩa bảo đảm phù hợp với mô hình xe buýt nhanh và các loại hình vận tải khác dựa trên cơ sở tuân thủ hệ thống hoạt động của bến xe Yên Nghĩa hiện tại, không làm thay đổi lịch trình đón trả khách của xe buýt thường và xe khách liên tỉnh tại bến xe. Thêm vào đó, trạm đầu cuối còn được thiết kế hỗ trợ tối đa cho người khuyết tật sử dụng xe lăn và người khiếm thị với lối đi thoải. Cốt nền nhà chờ được tôn cao tạo độ bằng phẳng với sàn xe buýt và dải dẫn hướng cho người khiếm thị. Cửa từ trạm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa bước lên xe buýt là hệ thống kính trượt đóng mở tự động. Chỉ khi xe buýt cập bến, cửa trượt mới tự động mở để giữ an toàn và tạo thói quen xếp hàng trật tự khi vào xe. Trạm được trang bị máy bán vé, máy quẹt thẻ/soát vé tự động và quầy hỗ trợ khách hàng có nhân viên trực tại chỗ. Thời gian di chuyển của khách được tiết kiệm tối đa nhờ các hệ thống tự động và quy trình mua vé, soát vé, quẹt thẻ được thực hiện ngay khi bước vào nhà chờ.

Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội do WB tài trợ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 495 triệu USD gồm cả tái định cư, trong đó hợp phần BRT có mức đầu từ khoảng 55 triệu USD. Tuyến BRT sẽ được xây dựng và lắp đặt thiết bị từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã, gồm xây dựng ga đề-pô Yên Nghĩa (4.000m2), xây dựng nhà chờ, trạm trung chuyển Kim Mã, tuyến đường BRT từ ga đề-pô Yên Nghĩa đến trạm trung chuyển Kim Mã dài khoảng 14,7km. Tốc độ khai thác dự kiến của tuyến BRT vào khoảng 22-25km/h, sử dụng xe buýt sàn cao, sức chứa 90 hành khách, chiều dài khoảng 12m, trọng tải 18 tấn. Tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội dự kiến đưa được vào sử dụng vào quý II-2015.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối các loại hình vận tải công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.