Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án Luật Hộ tịch: Phải giảm phiền hà cho dân

Hà Phong| 05/04/2014 06:33

(HNM) - Các khó khăn nảy sinh ngày càng nhiều do công tác quản lý của chính quyền các cấp thiếu chuyên nghiệp.

Hiện nay, công tác đăng ký hộ tịch còn nhiều bất cập cần được giải quyết.


Quy định không rõ ràng, khó áp dụng

"Công tác hộ tịch ngày càng giản tiện nhưng hiện tượng cán bộ công chức quan liêu, ngồi một chỗ đọc hồ sơ giấy tờ, thiếu cái gì cũng bắt dân phải chịu đang là nỗi khổ của người dân" - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh nhận định. Sở dĩ có hiện tượng này, theo ông Nguyễn Công Khanh là do hệ thống chế định hộ tịch gồm trên 300 điều nhưng thiếu chi tiết, không rõ ràng, khó áp dụng, lại chủ yếu ở cấp nghị định, thông tư. Trong khi đó, khả năng tự cập nhật của cán bộ thực thi công vụ còn hạn chế. Hiện tượng cán bộ công chức tư pháp cố tình đặt thêm thủ tục giấy tờ khi người dân có yêu cầu đăng ký kết hôn cũng khá phổ biến, xảy ra ngay cả ở Hà Nội.

Qua kiểm tra đột xuất, UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) khi giải quyết các thủ tục đăng ký kết hôn cho công dân còn yêu cầu phải xin xác nhận của tổ dân phố vào mặt sau của tờ khai đăng ký kết hôn. UBND phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) thụ lý đơn đăng ký kết hôn đã yêu cầu công dân về nơi cư trú trước đây để xin xác nhận tình trạng hôn nhân mà không cho viết cam đoan. Hay Nghị định 158/2005/NĐ-CP đã đề cao trách nhiệm chủ động của công chức tư pháp hộ tịch, trong trường hợp biết rõ nhân thân hoặc nơi cư trú của người đi đăng ký khai sinh, người thụ lý có thể không cần yêu cầu họ phải xuất trình các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, quy định này dường như bị "bỏ quên" ở Thanh Hóa dù công chức tư pháp hộ tịch là người cùng phường, biết rõ thân nhân người đi đăng ký khai sinh vẫn yêu cầu phải xuất trình thêm nhiều loại giấy tờ khác như chứng minh nhân dân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú, chứng nhận kết hôn và các bản sao để lưu hồ sơ. Mải lo giấy tờ, có công dân không thể thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đúng hạn cho con. Việc thực hiện các thủ tục tiếp theo như xin cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi vì thế cũng bị trì trệ.

Không chỉ người dân mà đến cả Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng gặp khó khăn về mặt thể chế khi thực hiện việc đăng ký khai sinh cho cháu ngoại. Nguyên do cháu ông và bố cháu ở Hà Nội, mẹ cháu hộ khẩu ở TP Hồ Chí Minh nên cán bộ tư pháp vin vào đó bắt phải vào TP Hồ Chí Minh đăng ký khai sinh...

Các trường hợp trên đều gánh theo hậu quả là người dân phải "cõng" chi phí phát sinh không nhỏ. Cụ thể, ngoài lệ phí, phí phải nộp thì còn có chi phí phát sinh khác như phí sao chụp giấy tờ liên quan, đi lại, nhờ tư vấn pháp luật… Trong khi đó, hơn 20 loại giấy tờ hộ tịch người dân đang cất giữ ngoài những điểm khác biệt như công nhận kết hôn, ly hôn… đều chứa đựng những thông tin cơ bản về họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc…

Cắt giảm gần một nửa quy định bất hợp lý

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định, trước hết phải nhìn nhận một cách công khai để tránh tình trạng "vị nể, cảm tình" trong việc giải quyết các vấn đề về hộ tịch nhằm không gây hậu quả pháp lý sau này thì việc quản lý chặt chẽ là cần thiết. Song chắc chắn, việc xử lý những tình huống trên sẽ đơn giản hơn nếu đăng ký hộ tịch được quy định phải kết nối liên thông. Xuất phát từ thực tế đó, Dự án Luật Hộ tịch được Bộ Tư pháp xây dựng có điểm mới nổi bật là quy định lập số định danh cá nhân nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu triển khai phương án này, cá nhân chỉ cần thông báo số định danh khi làm thủ tục hộ tịch, không cần xuất trình giấy tờ và nộp các bản sao liên quan. Cùng với việc quy định về số định danh cá nhân, Dự án Luật còn yêu cầu xây dựng phần mềm ứng dụng trong đăng ký, quản lý hộ tịch làm cơ sở cắt giảm từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch; đề xuất chỉ có cấp xã quản lý hộ tịch là chủ yếu, cấp huyện chỉ giải quyết một số yêu cầu có yếu tố nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, những thay đổi nêu trên là cơ sở quan trọng xóa bỏ tình trạng quản lý hộ tịch lợi cho cơ quan nhà nước và đẩy khó khăn cho người dân như hiện nay. Song, để đạt được mục tiêu này trọn vẹn, nhiều ý kiến đề xuất cần bỏ đi những điều khoản có thể hạn chế người chuyển giới tiếp cận với việc đăng ký lại giới tính, thay đổi giới hoặc tên về mặt pháp lý. Một thực tế đáng quan tâm khác là ngày càng có nhiều tình huống phát sinh ngoài dự liệu của pháp luật như trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết xảy ra tại quận Hoàng Mai, Hà Nội mới đây. Việc này giải quyết ra sao luật không quy định nên phụ thuộc vào sự linh động của chính quyền địa phương là chưa hợp lý. Điều quan trọng nữa Dự án Luật Hộ tịch cần tính đến là, không chỉ xây dựng những quy định thông thoáng về mặt thủ tục mà quan trọng hơn là làm thế nào để nâng cao năng lực cán bộ. Bởi nếu con người không đáp ứng được những đòi hỏi về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức thì các quy định của luật dù chi tiết đến mấy cũng không khả thi. Công tác đăng ký quản lý hộ tịch theo đó vẫn tiếp tục phức tạp, tình trạng hành chính hóa sẽ vẫn hiện hữu trong các thủ tục dù đã có nhiều cải tiến. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Hộ tịch: Phải giảm phiền hà cho dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.