Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhập nhèm thu, chi các khoản phí

Nhóm PV Ban bạn đọc| 19/04/2014 07:53

(HNM) - Ngày 12-4-2014, Báo Hànộimới đăng bài:

Chị Trần Thị Linh (Khu đô thị mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai): Minh bạch để tránh bị lạm dụng thu phí bừa bãi



Tôi thấy, hiện nay người dân không phân biệt được phí, lệ phí dẫn đến nhầm lẫn; thậm chí nhiều nơi còn lợi dụng danh nghĩa nhà nước để thu phí. Đơn cử, tại các địa phương, hằng tháng, hằng quý, thấy có cán bộ tổ dân phố đến thu tiền thì mọi người thực hiện mà không rõ đây là khoản phí hay lệ phí. Chính vì vậy, nhiều nơi thu thành quỹ rồi gửi ngân hàng hưởng lãi. Do đó, cần phải minh bạch hóa các khoản thu để người dân được biết. Muốn thực hiện được việc này, ngoài việc công khai các khoản thu cần phải tuyên truyền để người dân hiểu đâu là phí, đâu là khoản đóng góp tự nguyện, đâu là khoản huy động... Để tránh tình trạng các địa phương lợi dụng danh nghĩa nhà nước thu các khoản phí bừa bãi, Bộ Tài chính cần yêu cầu các địa phương rà soát, bỏ những phí và lệ phí không có tên trong danh mục cũng như một số khoản phí đã được Chính phủ miễn thu. Nếu nơi nào thực hiện không nghiêm cần chấn chỉnh kịp thời và có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Anh Vũ Quốc Văn (phường Mộ Lao, quận Hà Đông): Phạt nặng những đơn vị cố tình thu phí, lệ phí sai quy định


Đọc bài viết trên Báo Hànộimới về việc thu phí, lệ phí, chúng tôi thấy khó hiểu khi: "… Những dữ liệu Bộ Tài chính công bố không giải thích rõ cơ chế thu rồi sử dụng ra sao, có khoản nào bất hợp lý hay có hiện tượng phí chồng phí không?". Là đơn vị chuyên về lĩnh vực tài chính mà thông tin liên quan đến thu, chi các khoản phí Bộ Tài chính cũng không rạch ròi thì làm sao đòi hỏi các đơn vị khác thu phí, lệ phí đúng? Điều này cho thấy, những bất cập giữa công tác quản lý với thực tiễn còn xa rời thực tế, chưa có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Chính sự thiếu thống nhất này sẽ dẫn đến mỗi nơi thu một kiểu; phí, lệ phí và các khoản dịch vụ khác nhiều khi bị đánh đồng… và cuối cùng người dân phải chịu thiệt thòi. Tại sao chúng ta không nghĩ đến cơ chế phải phạt tiền các đơn vị cố tình thu phí, lệ phí sai quy định hay nhập nhèm giữa phí, lệ phí với các khoản dịch vụ; bởi nếu không chịu chế tài, trách nhiệm đổ cho tập thể thì những lỗi này rất khó sửa vì khoản thu đó luôn mang lại lợi ích cho một nhóm hay một ngành nào đó?

Bà Hoàng Thị Thắm (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy): Cần thanh lọc các loại phí và lệ phí đang thu trên thực tế



Tôi lấy một ví dụ đó là, việc vào đầu năm học hàng loạt các tỉnh, thành rà soát các loại tiền mà phụ huynh phải nộp cho con em mình, nhưng vẫn xảy ra việc thu sai, có cả việc lạm thu, nhập nhèm giữa các khoản dịch vụ với phí và lệ phí. "Điệp khúc" này vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác khiến dư luận bức xúc. Điều này cho thấy công tác quản lý thu phí, lệ phí chưa nghiêm, nhiều đơn vị vẫn "vượt rào" nhưng cũng chỉ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm… Do đó, cùng với việc người dân phải tự trang bị kiến thức cho bản thân để nắm rõ sự khác nhau giữa phí, lệ phí với các khoản dịch vụ thì việc rà soát và thanh lọc của các đơn vị chuyên môn về việc thu phí, lệ phí cũng phải tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai): Phí dịch vụ cao, chất lượng phải tương xứng


Người dân sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền dịch vụ cao với mong muốn sẽ được hưởng chất lượng phục vụ tương xứng. Thế nhưng thời gian qua, ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực mức phí mà người dân phải trả cho các dịch vụ thì cao, song chất lượng phục vụ rất thấp. Đơn cử như phí trông giữ xe ô tô, xe máy; phí sử dụng nhà chung cư… Có nhiều tòa nhà chung cư đặt ra mức phí cao ngất ngưởng nhưng các dịch vụ người dân được hưởng lại không tương xứng, môi trường không sạch sẽ, cầu thang máy liên tục bị hỏng, cây xanh không được chăm sóc thường xuyên. Người dân phải chi 5.000 đồng/lượt gửi xe máy nhưng khi vào gửi bị nhân viên trông giữ xe la mắng nếu chẳng may để xe không đúng chỗ hoặc là xe còn bị "rút" xăng, mất đồ… Hậu quả là chỉ có "thượng đế" phải chịu mà chưa thấy có cơ quan nào kiểm tra, thẩm định dịch vụ có tương xứng với mức phí phải nộp. Để bảo đảm quyền lợi của người dân, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định để chấn chỉnh hoạt động này.

Chị Nguyễn Phương Dung, phường Yết Kiêu (quận Hà Đông): Việc thực hiện các loại phí còn nhiều băn khoăn



Qua các phương tiện thông tin truyền thông, tôi được biết, thực hiện Chỉ thị 13/2002/CT-TTg, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, bãi bỏ trên 340 khoản phí, lệ phí trước đây ban hành không đúng quy định. Trong Pháp lệnh phí và lệ phí quy định rõ danh mục 73 loại phí và 43 loại lệ phí. Chính phủ cũng quy định chi tiết danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh, gồm 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí, đồng thời quy định chi tiết xác định mức thu nộp, quản lý sử dụng các loại phí, lệ phí, việc trao thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý sử dụng phí và lệ phí tương đối chặt chẽ, rõ ràng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, việc quản lý mức thu các khoản phí, lệ phí chưa đúng như quy định. Đơn cử như việc thu phí trông giữ xe. Mặc dù có quy định, mức giá trông giữ xe được in trên vé, tuy nhiên thực tế tại các bệnh viện, chợ, khu chung cư… mỗi nơi thu phí trông giữ xe với mức giá khác nhau, cao gấp nhiều lần mức giá in trên vé. Thậm chí có nơi sử dụng vé "quay vòng"… Công tác quản lý đối với loại phí này ra sao? Phải chăng trên thực tế, vẫn bị bỏ lọt? Số tiền chênh lệch là để tư túi?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhập nhèm thu, chi các khoản phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.