Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm làm rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan

Nhóm PV Ban bạn đọc| 24/04/2014 07:04

(HNM) - Mấy ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến vụ một cơ sở nghi sơ chế vàng trái phép tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ vừa bị các cơ quan chức năng bắt quả tang (Báo Hànộimới đã có thông tin ban đầu trong số báo ra ngày 22-4-2014).


"Đội lốt" sản xuất gạch… để chế biến vàng

Có mặt tại trụ sở Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại BIMIVINA (BIMIVINA) vào sáng ngày 22-4, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy khu vực này được xây tường bao kín mít, treo biển sản xuất và chuyển giao công nghệ gạch không nung bằng công nghệ Polime hóa, nhưng thực chất ở bên trong, Công ty BIMIVINA đã cho một đơn vị khác thuê để chế biến khoáng sản trái phép. Sau khi vụ việc sơ chế vàng bị vỡ lở, hiện trường đã được Công an xã Trần Phú bảo vệ nghiêm ngặt. Hoạt động chế biến khoáng sản tại đây được phân thành khu vực nghiền quặng và khu ngâm ủ hóa chất. Tại khu vực nghiền, hàng trăm tấn quặng đã được nghiền thành bột, còn lại là quặng thô. Ở khu vực ngâm ủ có 4 bể lớn mới được xây dựng, trong đó hai bể được đổ đầy quặng và ngâm hóa chất. Từ các bể này có các ống dẫn ra hệ thống bể khác chứa nước đen ngòm, mùi hóa chất bốc lên nồng nặc. Cũng tại đây, nhiều đống quặng đã nghiền nhỏ chuẩn bị được đưa vào bể ngâm ủ. Gần đó, nhiều bao tải nghi là hóa chất được sử dụng để ngâm ủ, trên đó có ghi chữ Trung Quốc.

Hàng trăm tấn quặng được tập kết tại Công ty BIMIVINA.



Được biết, đơn vị khai thác quặng là Công ty cổ phần Công nghệ và khoáng sản Trường Thành (Công ty Trường Thành) do ông Hoàng Văn Thắng làm Giám đốc đã thuê mặt bằng của Công ty BIMIVINA từ đầu năm 2014. Biện minh việc cho đơn vị khác thuê mặt bằng để chế biến khoáng sản khi chưa được phép của cơ quan chức năng, Giám đốc Công ty BIMIVINA Vũ Tiến Đức, cho biết: Công ty Trường Thành chỉ là đơn vị đang trong quá trình tìm công nghệ chế biến khoáng sản chứ không phải sơ chế vàng và không có nước thải ra môi trường (?). Thế nhưng, theo nguồn tin người dân địa phương, việc treo biển sản xuất gạch không nung thực chất là nhằm che giấu việc vận chuyển và chế biến quặng. Bởi thực tế từ đầu tháng 3-2014 đến nay Công ty BIMIVINA đã ngừng sản xuất gạch vì không bán được hàng, hiện tại trong khuôn viên công ty cũng không còn gạch thành phẩm.

Hàng loạt vi phạm chờ xử lý

Theo Hợp đồng giao thầu đất công ký ngày 28-9-2007 giữa ông Vũ Tiến Đức với UBND xã Trần Phú, ông Đức được thuê 10.793m2 với thời hạn 6 năm (2007 - 2013) để tổ chức đầu tư giống, vốn sản xuất nấm mỡ, mộc nhĩ. Sau khi hợp đồng được ký kết, ông Đức đã cho xây dựng nhiều dãy nhà xưởng để sản xuất nấm với tên gọi Cơ sở sản xuất nấm Đức Dũng. Nhưng phải hơn một năm sau (năm 2009), UBND huyện Chương Mỹ mới phê duyệt dự án chuyển đổi mô hình trang trại sản xuất, kinh doanh giống nấm và nấm thương phẩm của ông Đức. Do việc sản xuất nấm không hiệu quả nên chỉ sau khoảng 4 năm (đầu năm 2014) chủ cơ sở này đã tự ý chuyển sang sản xuất gạch không nung mà không báo cáo chính quyền sở tại, trong khi đó hợp đồng giao thầu đất công đã hết hạn từ ngày 31-12-2013? Thực tế này cho thấy, việc tự ý chuyển đổi mô hình sản xuất của Công ty BIMIVINA là sai, song chưa được các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ phát hiện, xử lý, chỉ đến khi đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc thì vụ việc mới bị vỡ lở.

Bể chứa nước chảy ra sau khi quặng được ngâm ủ hóa chất.



Về việc này ông Lê Anh Kiều, Chủ tịch UBND xã Trần Phú lý giải: Cuối tháng 3-2014, UBND xã đã nắm được thông tin do quần chúng phản ánh tại Công ty BIMIVINA có nhiều dấu hiệu bất thường trong hoạt động sản xuất. UBND xã đã họp, giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn nắm bắt thực tiễn sản xuất của công ty này, nhưng chưa kịp kiểm tra thì đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã bắt quả tang việc chế biến quặng trái phép tại đây. Đến nay, xã chưa phát hiện được nguồn xả thải của công ty và thừa nhận đã chậm trễ trong việc thanh lý hợp đồng khi đã hết hạn.

Rõ ràng "nghi án" sơ chế vàng trái phép của Công ty Trường Thành cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng đối với lĩnh vực này, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành sớm điều tra làm rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong nghi án trên.

Ông Tống Văn Thái, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ: Việc cơ sở sản xuất nấm Đức Dũng tự ý chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung là sai nhưng do UBND xã Trần Phú không báo cáo nên huyện không biết. Còn việc xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan và Công ty Trường Thành có sơ chế vàng hay không thì phải đợi kết quả phân tích mẫu hóa chất, nước thải… của đoàn kiểm tra liên ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm làm rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.