Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống chung với “tử thần”

Nguyễn Lê - Cẩm Vân| 25/04/2014 07:01

(HNM) - Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn hàng chục chung cư cũ nát, xuống cấp trầm trọng. Sống trong tình trạng có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng, tài sản bất cứ lúc nào nhưng hàng nghìn hộ dân chưa thấy lựa chọn khả dĩ hơn.

Chung cư Lý Thường Kiệt xuống cấp.


Ở không nổi

Tình trạng dột mái nhà, nước thấm vào tường, đọng nước ở hành lang, tường bị nứt, xi măng từ trần nhà rớt xuống… là những căn bệnh rất phổ biến của các khu chung cư xuống cấp. Đến lô J, thuộc khu chung cư Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 11), chúng tôi không khỏi kinh sợ vì sự xuống cấp trầm trọng! Lô J được xây dựng cách đây rất lâu, nhưng hiện nay các mảng tường đều bị bong tróc, rêu đen phủ đầy, có những chỗ cốt sắt lộ thiên hết cả ra ngoài. Trầm trọng nhất là khu vực lan can lầu 1, không chỉ chi chít lỗ thủng mà còn có các vết nứt chằng chịt như "đồng khô ruộng nứt". Bà Từ Muối (số nhà 313, lô J) tâm sự, trẻ em ở khu chung cư bị cha mẹ bắt ở trong nhà, không được ra hành lang chơi bởi lo ngại sụp bất cứ lúc nào, nhất là khi mưa gió. Theo người dân nơi đây, năm 2012, tại chung cư này đã có vụ sập mảng lan can che chắn cho 3 căn nhà ở lô B khiến 1 người bị thương.

Không chỉ lan can, trần nhà của các lô J, B thuộc chung cư này cũng bị nứt, bong tróc, lòi hết cả sắt thép đã hoen gỉ. Bà Lý Kim Tiền (nhà 218, lô B) kể: "Lâu lâu nghe "rầm" một tiếng là biết chắc chắn có một mảng xi măng nào đó trên trần nhà rớt xuống. Nhiều lúc đang nấu cơm, tự dưng một mảng xi măng từ trần nhà rớt xuống làm thót cả tim". Trước bức xúc của dân, chung cư này đã được ngành chức năng sửa chữa nhiều lần nhưng như người dân nói thì: "Chung cư Lý Thường Kiệt như chiếc áo đã rách tơi tả không thể nào chắp vá lại được. Vá chỗ này thì chỗ kia lại bong tróc".

Tương tự, tại khu lô A và lô G của chung cư Ngô Gia Tự (phường 3, quận 10), mỗi khi trời mưa hành lang của khu chung cư lại đọng nước thành vũng, ẩm ướt và dơ bẩn, tường nhà thấm nước, ẩm mốc. Tệ hại nhất là nước nhà vệ sinh của các hộ lầu trên thấm và nhỏ giọt xuống các hộ lầu dưới.

Theo ngành chức năng TP Hồ Chí Minh, tại thành phố có nhiều chung cư trong tình trạng trên gồm: tại quận Tân Bình có chung cư 137, chung cư Lý Thường Kiệt và 149-151; quận 11 có lô B, D, J chung cư Lý Thường Kiệt; quận 5 có chung cư 727, chung cư Trần Hưng Đạo; quận 10 có chung cư Ngô Gia Tự.

Đi không xong

Theo các cơ quan chức năng, hầu hết các chung cư xuống cấp nêu trên có tuổi đời trên 50 năm. Được sự chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, UBND các quận có chung cư xuống cấp đã tiến hành kiểm định và báo cáo những chung cư cần phải di dời khẩn cấp, chung cư khẩn trương sửa chữa. Với chung cư Lý Thường Kiệt (quận 11), theo Quyết định số 1026/QĐ-UBND ngày 5-3-2014 của UBND thành phố thì các hộ dân sống tại lô B, D, J phải di dời khẩn cấp phòng tránh thiên tai có thể khiến chung cư đổ sụp. Trước đó, cuối năm 2013, theo kế hoạch thì 530 hộ dân sống tại chung cư 727 (đường Trần Hưng Đạo, quận 5) cũng cần phải di dời. Mới đây, Sở Xây dựng cũng đã đề nghị UBND quận Tân Bình khẩn trương di dời các hộ dân sống tại chung cư 137, 149-151.

Tuy nhiên việc di dời dân khỏi vùng nguy hiểm đến nay vẫn "dậm chân tại chỗ" mà nguyên nhân do nhiều khúc mắc cả khách quan lẫn chủ quan từ phía chính quyền và người dân. Với chính quyền, có kế hoạch giải tỏa di dời nhưng nơi đến lại chưa xong hoặc chưa có do vướng mắc công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và lúng túng trong việc an sinh xã hội, ổn định công ăn việc làm của người dân hậu tái định cư. Đó là chưa kể, chất lượng của chung cư dùng cho tái định cư hiện nay cũng không làm an lòng người dân. Minh chứng tại chung cư tái định cư Ngô Gia Tự, quận 10, dù chỉ mới xây cách đây khoảng 3 năm đã xuất hiện nhiều vết nứt. Tại quận 7, chung cư tái định cư Tân Mỹ cũng lâm vào cảnh tương tự. Chung cư tái định cư An Phúc - An Lộc (quận 2) dù chỉ mới đưa vào sử dụng khoảng hơn 5 năm nay nhưng tình trạng nứt, bong tróc gạch xảy ra khắp các căn hộ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những người dân ở các khu chung cư xuống cấp không đủ điều kiện thích nghi trước những thay đổi quá lớn. Bởi số tiền đền bù không đủ để họ có thể mua nhà trong khu tái định cư. Chưa kể, việc đi lại, nơi làm việc, chuyện học hành của con cái cũng đều bị xáo trộn. Với những hộ đang kinh doanh, buôn bán ở tầng trệt các khu chung cư cũ, nếu sang nơi mới bốc thăm "dính" tầng lầu sẽ mất nghiệp, thất thu kinh tế, ảnh hưởng cả một gia đình.

Giải pháp nào cho vấn đề chung cư cũ là bài toán đang khiến ngành chức năng thành phố "đau đầu". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống chung với “tử thần”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.