Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng giá vé xe buýt từ ngày 1-5: Điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ

Tuấn Lương| 28/04/2014 06:07

(HNM) - Từ ngày 1-5, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt. Việc điều chỉnh này không chỉ làm giảm trợ giá từ ngân sách thành phố mà còn là cơ hội để xe buýt Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ...

Không thể không tăng giá

Giải thích về việc bắt buộc phải tăng giá, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đây là loại hình dịch vụ công ích nên thành phố luôn có những ưu tiên đặc biệt để bảo đảm đời sống dân sinh. Chính vì thế nên trong 8 năm qua (từ năm 2006 đến nay), TP Hà Nội mới chỉ điều chỉnh giá vé xe buýt 1 lần vào năm 2012. Tuy nhiên, do biến động tăng của các yếu tố đầu vào nên đơn giá bình quân cho 1km vận doanh của 3 loại xe năm 2013 tăng 1.962 đồng so với năm 2012 dẫn đến chi phí cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ngày càng tăng. Thống kê cho thấy, chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng năm 2012 là hơn 1.535 tỷ đồng, năm 2013 hơn 1.861 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2012 và tăng 256% so với năm 2006. Giá vé xe buýt hiện đang thấp hơn nhiều so chi phí nên thành phố phải trợ giá rất lớn. Năm 2014, dự kiến trợ giá từ ngân sách cho xe buýt vào khoảng 1.000 tỷ đồng, vẫn thiếu trên 200 tỷ đồng so với nhu cầu. Ước tính, với việc điều chỉnh giá, mỗi năm, ngân sách sẽ thu thêm được trên 260 tỷ đồng, cơ bản bù đắp được chi phí. Hơn nữa, để đưa đến quyết định điều chỉnh, liên ngành thành phố đã nghiên cứu kỹ lưỡng trên căn cứ từ nguồn hỗ trợ ngân sách, nguồn thu, khả năng chi trả của người dân cho việc đi lại bằng vận tải hành khách công cộng… Yếu tố quyết định là việc điều chỉnh này phải không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân và thực sự là cơ hội để loại hình vận tải hành khách công cộng chủ lực này có thêm cơ hội để phát triển.

Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng được nhiều người dân lựa chọn. Ảnh: Phương An


Ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá vé xe buýt lần này sẽ tạo điều kiện để đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng mạng lưới tuyến thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt. Bên cạnh đó bảo đảm chi trợ giá của ngân sách thành phố cho xe buýt ở mức hợp lý, từng bước giảm bớt gánh nặng hỗ trợ từ ngân sách nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu của dịch vụ công ích và chính sách an sinh xã hội của thành phố.

Nâng chất lượng xe buýt

Thực tế hoạt động các năm qua cho thấy, xe buýt đã trở thành phương tiện giao thông công cộng chủ lực của Thủ đô, tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế như: Nhiều xe xả khói đen gây ô nhiễm môi trường; điểm dừng dành cho xe buýt bị lấn chiếm, gây khó khăn trong việc đón trả khách; một số điểm dừng bố trí chưa hợp lý hoặc còn thiếu; đầu bến (điểm đầu, điểm cuối) nhiều tuyến chưa được bố trí hạ tầng vị trí tập kết theo tiêu chuẩn, phải đỗ tạm ở lề đường. Trong giờ cao điểm hệ thống xe buýt bị quá tải, dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, thậm chí hành khách không thể lên xe; đáng nói là thái độ phục vụ của một số nhân viên lái xe, phụ xe còn kém, gây bức xúc cho người dân…

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị chủ lực trong hoạt động xe buýt của Thủ đô, hiện chiếm tới 80% số tuyến, 83,8% đoàn phương tiện, sản lượng hành khách năm 2013 đạt 413 triệu lượt, chiếm 90,1% tổng sản lượng hành khách đi lại trên toàn thành phố. Những năm qua, để xe buýt ngày càng trở nên thân thiện, an toàn với hành khách và cộng đồng, Transerco đã tăng cường kiểm tra, giám sát các tiêu chí phục vụ của xe buýt như kỷ luật dừng đỗ, an toàn chạy xe, chấp hành Luật Giao thông đường bộ... đặc biệt là đã lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát các vi phạm về chạy xe quá tốc độ, về bến sớm so với thời gian quy định cũng như thái độ phục vụ của nhân viên trên xe… Từ ngày 1-4 vừa qua, Transerco cũng đã đưa vào hoạt động Phòng Khách hàng Hanoibus, trở thành cầu nối giữa tổng công ty với hành khách. Không chỉ là đầu mối tập trung để tư vấn, hỗ trợ đầy đủ và kịp thời cho hành khách, Phòng Khách hàng còn là nơi tiếp nhận thông tin góp ý, phản ánh, kiến nghị của khách hàng về hoạt động của xe buýt… Tuy vậy, theo lãnh đạo Transerco, những khó khăn như kinh phí đầu tư để đổi mới phương tiện, hệ thống hạ tầng giao thông còn kém… là những nguyên nhân khiến hình ảnh xe buýt chưa thực sự thân thiện trong mắt người dân Thủ đô.

Việc tăng giá vé xe buýt sẽ tạo điều kiện để đổi mới phương tiện và mở rộng mạng lưới phục vụ tới các vùng Hà Nội mở rộng. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), năm nay, Sở GTVT sẽ đưa vào hoạt động 12 tuyến xe buýt không trợ giá tại khu vực ngoại thành. Trước hết sẽ ưu tiên các tuyến trục hướng tâm kết nối vào trung tâm thành phố, các tuyến vành đai, tuyến gom tạo thuận lợi cho nhân dân sinh sống tại các vùng thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng thuộc Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai… (các tuyến buýt số 70, 72, 74, 80). Cùng với đó sẽ thay mới 75 nhà chờ xuống cấp, phát triển thêm 35 nhà chờ xe buýt, cải thiện vị trí đứng chờ xe buýt cho hành khách; đưa vào vận hành 148 phương tiện mới 100% với tổng số tiền đầu tư lên tới 250 tỷ đồng. Cũng trong năm 2014, trung tâm sẽ nghiên cứu lắp đặt hệ thống thông tin đèn LED, hệ thống thông báo điểm dừng thông qua GPS cho 100% phương tiện xe buýt (có trợ giá). Ngoài ra, trung tâm sẽ tham mưu để Sở GTVT có các biện pháp khuyến khích, yêu cầu các đơn vị cải tạo, đầu tư phương tiện sử dụng hệ thống hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận sử dụng… Với việc cải thiện chất lượng dịch vụ, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu thu hút 693 triệu lượt hành khách. Trong đó riêng mạng lưới buýt trợ giá vận chuyển được 470 triệu lượt hành khách (tăng 1,68% so với năm 2013), đáp ứng 13% nhu cầu đi lại, góp phần giảm lượng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông…

Việc tăng giá xe buýt đối với các tuyến trợ giá lần này ở mức từ 11 đến 43%. Theo đó, giá sẽ tăng theo lượt ở cả 3 cự ly dưới 25km, từ 25 đến 30km và trên 30km với mức tăng 2.000 đồng/lượt so với giá vé cũ. Đối với vé tháng, giá vé ưu tiên với học sinh, sinh viên, người cao tuổi, công nhân các khu công nghiệp đi 1 tuyến tăng 22% (từ 45.000 đồng/tháng lên 55.000 đồng/tháng), liên tuyến tăng 11% (từ 90.000 đồng/tháng lên 100.000 đồng/tháng). Đối tượng không ưu tiên đi liên tuyến tăng 43% (từ 140.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng giá vé xe buýt từ ngày 1-5: Điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.