Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Bộ Y tế nói về việc từ chức

Theo Đỗ Thoa| 30/04/2014 09:38

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề từ chức của Bộ trưởng Bộ Y tế khi đã có rất nhiều trẻ tử vong do dịch sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bà không nghĩ đến từ chức ngay thời điểm này...


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất cho rằng, kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,08%, 4 tháng tăng 0,88%, là mức tăng thấp trong vòng 04 năm qua; tình hình giá cả, thị trường ổn định; có cơ sở kiểm soát được lạm phát năm 2014 ở mức 5 – 6%.

Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 1%. Mặt bằng lãi suất huy động ổn định; lãi suất cho vay giảm nhẹ; tỷ trọng các khoản vay lãi suất cao trong tổng dư nợ đã giảm mạnh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng.

Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 45,7 tỷ USD, tăng 16,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 45 tỷ USD, tăng 13,7%; xuất siêu khoảng 684 triệu USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng khá, 4 tháng ước đạt 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ; tổng chi NSNN đạt 32,9% dự toán. Vốn đầu trực trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 6,7%; vốn ODA giải ngân tăng 6%.

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách được quan tâm. Tạo việc làm cho khoảng 487.000 lao động, trong đó đưa trên 34.000 người đi làm việc ở nước ngoài...

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng đánh giá, bên cạnh những dấu hiệu tích cực thì kinh tế – xã hội một số mặt chuyển biến còn chậm, chưa vững chắc. Sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu và phát triển thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn; dư nợ tín dụng tăng chậm...

Trên cơ sở đánh giá tình hình và kết quả của 4 tháng đầu năm, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để chỉ đạo chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, sâu sát, kịp thời, hiệu lực hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Tại buổi họp báo, liên quan đến việc sẽ áp giá trần giá sữa trong vòng 12 tháng để bình ổn thị trường sữa cho trẻ dưới 6 tuổi và việc này có thể giúp mỗi hộp sữa giảm từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, các doanh nghiệp sữa nên chia sẻ lợi nhuận, khi giá sữa quá cao đang mang lại cho họ những nguồn thu chênh lệch đến 20 – 30%.

Theo Bộ trưởng Nên, đây là mặt hàng mà nhà nước cần quan tâm bảo trợ. Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia như Mỹ, Thái Lan cũng có những cách quản lý của họ theo hướng không thả lỏng giá sữa.
Tại phiên họp Chính phủ cùng ngày, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án bình ổn thị trường sữa cho trẻ dưới 6 tuổi bằng biện pháp áp giá trần, nhằm chấn chỉnh việc các doanh nghiệp sữa đang “bắt tay nhau” tăng giá, thu lợi từ 20 – 30%. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với phương án đề xuất của Bộ Tài chính.

Nêu quan điểm của Chính phủ về biện pháp bình ổn giá sữa và lập lại thị trường giá sữa của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, đây là biện pháp mạnh tay, cần thiết và hợp pháp trong bối cảnh hiện nay.

Quyết định áp trần giá sữa cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng phải nắm được giá gốc thì giá trần mới chuẩn, mới chính xác. Bộ trưởng Nên cho rằng, lo ngại này là có cơ sở, nhưng khó khăn không đồng nghĩa là chúng ta không làm, không thể không làm.

Về thời gian cụ thể sẽ áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa, bà Vũ Thị Mai bổ sung, ngay sau khi có Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai ngay biện pháp này. “Tinh thần là Bộ sẽ triển khai khẩn trương và quyết liệt giải pháp áp giá trần đối với mặt hàng sữa” – Thứ trưởng Mai khẳng định.

Cũng trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề từ chức của Bộ trưởng Bộ Y tế khi đã có rất nhiều trẻ tử vong do dịch sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bà không nghĩ đến từ chức ngay thời điểm này vì hiện nay ngành Y tế đang phải dành hết sức để hạn chế cao nhất lượng tử vong do sởi.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hầu hết các trường hợp mắc sởi xảy ra trên trẻ không được tiêm chủng, hoặc tiêm không đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng thấp so với trước, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về lý do tại sao bệnh nhân lại chết nhiều ở bệnh viện đầu ngành? Bộ trưởng Y tế lý giải, yếu tố khách quan đây là bệnh viện đầu ngành, tập trung nhận bệnh nhân nặng nhất. Thứ hai, dù đã có phân tuyến, nhưng người dân tập trung vào đó đông, mặt khác khi đã vào rồi lại không về.

“Hai yếu tố đó, cùng với khí hậu ẩm, lạnh ở miền Bắc, rồi tình trạng quá tải đã gây nhiễm trùng chồng chéo, làm số tử vong cao. Nếu tuyên truyền tốt, trường hợp bệnh nhẹ người dân đã điều trị ở tuyến dưới mà không cần phải lên tuyến trên” – Bộ trưởng Tiến nói.

Trên cả cương vị của người làm mẹ, Bộ trưởng Tiến “gửi lời chia buồn sâu sắc tới những bà mẹ có con chết. Tôi rất yêu trẻ, nỗi đau đó ai cũng thương xót”.

Trách nhiệm dù là khách quan, chủ quan, trực tiếp hay gián tiếp nhưng Bộ trưởng Tiến cho rằng, liên quan đến vấn đề sức khỏe, người đứng đầu ngành đều có trách nhiệm.

Bộ trưởng Tiến chia sẻ, khi được lựa chọn làm Bộ trưởng, phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, phải làm hết trách nhiệm, lương tâm, làm sao cống hiến được nhiều nhất…

“Nếu trong quá trình làm việc, mình không đủ năng lực, nếu theo cấp trên, theo quy trình của cán bộ, tôi không làm được nữa thì cũng nhẹ nhàng thanh thản, trở về với một công việc nào đó mà cũng có thể làm tốt cho đời”... – Bộ trưởng Tiến bày tỏ./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Y tế nói về việc từ chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.