Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22h dựa trên cơ sở nào?

Thanh Hương| 23/07/2014 18:09

(HNMO) – Đó là: ở Việt Nam, 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; uống rượu bia sau 22 giờ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội…


Ảnh minh họa


Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Theo quy định lại dự thảo luật này, những người bắt đầu có dấu hiệu lâm sàng gây hại cho sức khỏe hoặc biến đổi chức năng của cơ thể được coi là lạm dụng rượu bia. Cụ thể, tất cả người từ 60 tuổi trở lên uống hơn 2 đơn vị rượu/ngày; với người dưới 60 tuổi là hơn 3 đơn vị rượu/ngày đều được coi là lạm dụng rượu bia. Một đơn vị rượu là khoảng 2/3 chai bia 500 ml hoặc một lon bia 330 ml, một chén 30 ml rượu mạnh 40-43%.

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định không được bán rượu bia sau 22h đến 24h; trong thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc.

Tuy nhiên, hiện tổ soạn thoản dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia đưa ra 3 phương án để hạn chế tính trạng lạm dụng bia, rượu:

Phương án 1: Không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Tổ soạn thảo cho rằng, đây là phương án tối ưu nhất, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia nhưng cần nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện.

Phương án 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Với phương án này, tổ soạn thảo cho rằng, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội sẽ tích cực triển khai trước do nhu cầu bức thiết về tình trạng lạm dụng rượu, bia và an toàn giao thông, các địa phương này có điều kiện để đầu tư nguồn lực triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, sẽ triển khai rộng trong toàn quốc khi có đủ điều kiện và kinh nghiệm thực hiện.

Phương án 3: Chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia trong dự thảo Luật. Nếu lựa chọn phương án này kể cả trường hợp tăng cường tuyên truyền thì hiệu quả cũng không cao vì không phải là chế tài bắt buộc. Tình trạng lạm dụng rượu, bia vẫn gia tăng trong thời gian này.

Vì vậy,  tổ soạn thảo nghiêng vẫn về phương án 1.

Có thể nói, việc Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22h đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế chiều 23/7, bà Trần Thị Trang-Phó vụ Trưởng vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, cơ sở để Bộ Y tế đề xuất quy định cấm bán bia rượu từ sau 22h đến 6h là tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh và đang ở mức báo động; việc lạm dụng rượu, bia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và các vấn đề xã hội; việc sử dụng rượu bia vào giờ khuya là thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, tại Việt Nam, 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, trong đó tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18-24 giờ.

Ngoài ra, việc uống rượu bia sau 22 giờ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, ồn ào, mất trật tự, là một trong những nguyên nhân phạm tội, gây thương tích; lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tình dục; việc sử dụng rượu, bia ở môi trường công cộng, đông người thường có xu hướng làm cho người sử dụng gia tăng lượng uống rượu, bia, dễ dẫn đến lạm dụng, say rượu, bia.

Hơn nữa, tại quyết của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 quy định nghiên cứu ban hành các biện pháp quản lý phù hợp để từng bước hạn chế bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại một số thời điểm thích hợp trong ngày.

Đáng chú ý, trên thế giới, có 168 quốc gia (trong đó có 9 quốc gia ASEAN) có quy định thời gian cấm bán rượu, bia, đa số là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 hoặc 8 giờ ngày hôm sau. Và hầu hết người dân các nước đó đều dần chấp hành quy định, tỷ lệ sử dụng rượu, bia có xu hướng giảm.

Trước băn khoăn của phóng viên về tính khả thi nếu như quy định cấm bán bia, rượu sau 22h tại một số địa điểm trong dự thảo Luật được lựa chọn, bà Trần Thị Trang cũng thừa nhận để người dân thực hiện là rất khó vì những thói quen không dễ dàng thay đổi và ban soạn thảo cũng đã lường trước vấn đề này. Theo bà việc thực hiện được cần nỗ lực cao về tuyên truyền, nhận thức, tổ chức, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Trả lời cầu hỏi về việc cấm bán rượu, bia như vậy liệu có ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến Việt Nam, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế cho biết, chưa có khảo sát cụ thể nào về việc này nhưng theo kinh nghiệm tại các quốc gia đã áp dụng quy định trên, chưa có mối liên quan cấm bán rượu bia sau 22h làm giảm lượng khách du lịch. Tuy nhiên, “chúng tôi cũng đang tính sẽ có cuộc khảo sát tại một số địa điểm du lịch và thói quen tiêu dùng của khách tại các địa điểm trong quá trình xây dựng dự thảo luật này”.-Bà Trang nói.

Một thắc mắc nữa mà phóng viên đưa ra là nếu quy định cấm bán bia, rượu sau 22h được áp dụng, sẽ xảy ra tình trạng “lách luật” là người dân đi mua rượu, bia trước trước 22h và sau 22h họ uống, bà Trang cho hay, khi ban hành quy định gì sẽ có quy định tương ứng liên quan với quy định đó. Với quy định về cấm bán rượu, bia sau 22h, nếu đã có quy định cấm bán thì cũng tại địa điểm cấm bán đó sẽ có quy định hỗ trợ là người mua sẽ không được sử dụng sau 22h tại địa điểm đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22h dựa trên cơ sở nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.